Khi nhìn về những vấn đề của môn Lịch sử, chúng ta thường tập trung vào chương trình, sách giáo khoa, vào điều kiện cơ sở vật chất hay thái độ của học sinh với bộ môn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề lại nằm ngay chính ở phía những người làm công việc giảng dạy. Những hạn chế và rào cản đang tồn tại trong họ mới là yếu tố sâu xa tạo nên khó khăn, hạn chế trong quá trình giảng dạy.
- Sự hạn chế về kiến thức và kĩ năng
Một giáo viên lịch sử bình thường gần như sẽ không có sự cập nhật và bổ sung kiến thức sau nhiều năm đi dạy. Điều đó có nghĩa là, những gì họ có chủ yếu là kiến thức được học từ phổ thông và trong các sách giáo trình ở bậc đại học.
Sau khi ra trường, nhiều giáo viên cũng không cảm thấy hứng thú với việc đọc sách, trau dồi kiến thức mà chỉ tập trung vào việc đọc các tài liệu hướng dẫn giảng dạy. Những gì mà giáo viên quan tâm dường như chỉ là kiến thức trong sách giáo khoa và những nội dung phục vụ thi cử.
Thêm vào đó, có nhiều kĩ năng/năng lực mà giáo viên chưa có, thậm chí chưa từng biết tới, nhưng để học được nó, phải dành rất nhiều thời gian và công sức. Hệ quả là, giáo viên đã chọn cách bỏ qua thay vì đầu tư thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành cho đến khi thành thạo.
Những hạn chế về kiến thức kĩ năng của bộ môn là rào cản vô cùng lớn đối với quá trình giảng dạy. Nó thủ tiêu những ý tưởng mới, hạn chế sự sáng tạo trong tư duy và cách tiếp cận. Nó biến việc giảng dạy trở thành việc nói lại nội dung được viết trong sách giáo khoa.
- Thiếu kiến thức về lịch sử thế giới
Nhiều giáo viên lịch sử trong các trường học bị thiếu kiến thức về lịch sử thế giới (nhiều người còn không nhận ra điều này). Vì thế, họ không thể nhìn nhận các sự kiện lịch sử một cách chính xác và toàn diện trong mối quan hệ toàn cầu. Ví dụ, khi dạy về cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, những gì chúng ta biết về các nước lớn và quan hệ giữa họ trong thời kỳ chiến tranh Lạnh dường như là không đủ. Chính vì vậy, khi học hai nội dung này, giáo viên khó có thể tạo nên được sự kết nối giữa Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới, càng không có khả năng sử dụng các sự kiện của lịch sử thế giới để giải thích cho các vấn đề của Lịch sử Việt Nam một cách logic và thấu đáo. Do đó, kiến thức về lịch sử thế giới là điều bắt buộc đối với bất kỳ giáo viên lịch sử nào, nếu không có nó thì việc giảng dạy sẽ khó có thể đạt được hiệu quả.
- Định kiến về tôn giáo hoặc xã hội
Bạn có nhận ra đất nước này dường như không thích người giàu? Trong các bài học lịch sử, giai cấp thống trị, những người giàu có đều là người xấu? Chỉ có những người nông dân mới hiền lành và là nhân tố tạo nên sự thay đổi của xã hội? Cách tiếp cận mang tính định kiến như vậy sẽ chi phối cách lựa chọn, xây dựng nội dung cho đến phương pháp giảng dạy và thông điệp truyền đạt đến học sinh. Điều này sẽ không chỉ khiến kiến thức lịch sử bị sai lệch mà còn tạo nên định kiến trong nhận thức của học sinh và sẽ phải mất rất nhiều thời gian sau này mới có thể thay đổi được.
Không chỉ những định kiến về xã hội, giáo viên còn bị chi phối bởi những định kiến về tôn giáo, về giới, về vùng miền… Điều đáng buồn là, hầu như giáo viên lại không nhận ra được nó, càng không nhận ra được những ảnh hưởng của nó đối với quá trình giảng dạy.
- Định kiến dân tộc
Trong việc giảng dạy lịch sử, định kiến quốc gia, dân tộc (chủ nghĩa dân tộc) cũng tai hại như định kiến tôn giáo hay chủng tộc. Một biểu hiện phổ biến khi mô tả về lịch sử là, giáo viên dung các cụm từ như “chúng ta” “đất nước ta” “dân tộc ta” “kẻ thù” “bọn chúng”,. Lòng yêu nước là một di sản đáng trân trọng, nhưng lòng yêu nước đi kèm định kiến và chủ nghĩa dân tộc lại có tác động không tốt với quá trình nhận thức lịch sử. Một người yêu nước thực sự sẽ nhìn thấy và thừa nhận những điểm yếu/mặt hạn chế của đất nước mình. Trong khi một người mang định kiến dân tộc thì không thể làm được điều này. Một giáo viên dạy sử bị định kiến dân tộc sẽ không giải thích cho học sinh về những điểm yếu của đất nước/dân tộc mình mà chỉ “đánh lừa” chúng bằng các mỹ từ hoặc tìm cách đổ lỗi cho các yếu tố khác khi một vấn đề xảy ra.
- Phương pháp giảng dạy sai lầm
Ở nước ta, việc học lịch sử thường là cách để tự hào hơn là ứng dụng vào cuộc sống. Việc dạy Lịch sử thiên về đọc chép hơn là trải nghiệm. Mục đích của môn Lịch sử thường là phục vụ các kỳ thi hơn là giúp học sinh phát triển tư duy… Trên thực tế, lịch sử vốn vô cùng sinh động. Nó chính là cuộc sống của con người trong quá khứ. Hầu như tất cả những gì trong cuộc sống và mối quan hệ của con người đều có thể được tìm thấy trong Lịch sử. Việc dạy Lịch sử tách ra khỏi cuộc sống với các phương pháp lạc hậu đã làm cho lịch sử trở thành một môn học nhàm chán và vô hồn.
- Thiếu liên hệ với môn học khác
Nhiều giáo viên dạy lịch sử cảm thấy khó khăn khi tạo nên sự liên hệ giữa Lịch sử với các môn học khác. Giáo viên sẽ ít khi nhìn thấy được mối liên hệ giữa bối cảnh lịch sử của một giai đoạn với các thành tựu kinh tế, xã hội, khoa học kĩ thuật của thời kỳ đó. Giáo viên cũng ít khi cố gắng, nỗ lực để tạo nên sự kết nối giữa kiến thức của các bộ môn trong các dự án học tập hoặc trong các hoạt động trải nghiệm. Chính sự thiếu liên hệ đó, đã làm cho việc giảng dạy lịch sử đi vào ngõ cụt khi học những thứ không còn liên quan gì đến hiện tại và cũng chẳng có mối liên hệ nào với những gì học sinh đang học trong các môn học khác.
Những vấn đề trên đang là rào cản đối với mỗi giáo viên trong quá trình giảng dạy Lịch sử. Mọi sự thay đổi sẽ không thể được tạo ra và duy trì được bền vững nếu những rào cản trên không được tháo gỡ. Để làm được điều đó, phần lớn phụ thuộc vào quá trình tự nhận thức, tự suy ngẫm và phát triển bản thân của giáo viên.
Giáo viên Lịch sử
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.