Tư duy phản biện một trong 4 kĩ năng quan trọng của thế kỉ XXI. Nó cũng được đề cập ngày càng nhiều trong chương trình giảng dạy nói chung, trong môn Lịch sử nói riêng. Môn Lịch sử với những đặc điểm riêng của nó sẽ tạo ra rất nhiều lợi thế để hình thành tư duy phản biện cho học sinh. Việc giảng dạy lịch sử sẽ giúp học sinh có khả năng sử dụng tư duy độc lập, thể hiện quan điểm cá nhân về các sự kiện và nhân vật lịch sử hơn là học thuộc những gì được viết trong sách giáo khoa.
Dưới đây là một số gợi ý giúp giáo viên có thể hình thành và phát triển tư duy phản biện cho học sinh trong quá trình dạy học.
- Khuyến khích sự sáng tạo
Theo truyền thống, giáo viên lịch sử thường nổi tiếng là khô khan và khuôn cứng. Những gì được dạy thường là các sự kiện, con số trong sách giáo khoa. Điều này ở một góc độ nào đó sẽ khiến học sinh tiếp nhận một cách thụ động. máy móc lại những điều được dạy mà không thể hiện được quan điểm, góc nhìn riêng của cá nhân.
Hãy bắt đầu bằng việc cho phép học sinh được sáng tạo. Tôi biết có thể hơi khó chịu một chút khi giáo viên từ bỏ một chút quyền kiểm soát, đi xa một chút ngoài bài dạy và bình tĩnh một chút khi đợi học sinh làm việc. Nhưng điều đó thực sự có giá trị. Hãy cho phép học sinh được tự vẽ các poster, tự sáng tác các câu chuyện, tự thiết kế các mô hình, tự đưa ra các giải pháp (kể cả là giải pháp bất khả thi). Khi đó, chắc chắn học sinh sẽ nhìn thấy những cái mới, những góc nhìn riêng, những cách tiếp cận độc đáo, sẽ nhận ra những điểm vô lý, chưa phù hợp của tài liệu hoặc nhận thấy động cơ, mục đích của người viết trong những gì chúng được học.
- Đừng ngay lập tức đưa ra đáp án
Điều mà học sinh luôn quan tâm là, đáp án của câu hỏi mà thầy cô đưa ra là gì? Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 là đúng hay là sai? Có phải Lê Ngọa Triều là một vị vua độc ác?… Đừng vội đưa ra đáp án, đừng ngay lập tức mang đến câu trả lời. Những đáp án đó sẽ giết chết đi sự sáng tạo và tư duy phản biện của người học. Hãy để học sinh được tiếp cận các tư liệu đa dạng. Hãy để người học có thời gian so sánh, đối chiếu các quan điểm khác nhau. Hãy để học sinh có cơ hội được cân nhắc và đưa ra những góc nhìn và cách tiếp cận mới để từ đó tìm ra câu trả lời của riêng mình.
Sẽ không có đúng và không có sai, vấn đề chỉ là cách tư duy, lập luận và lý giải một cách logic những điều mà học sinh đã đưa ra. Cũng chính từ đó, tư duy phản biện của người học được hình thành.
- Hãy brainstorm mọi thứ
Brainstorming – dịch ra tiếng việt là động não. Đó là quá trình viết, nói ra tất cả các ý tưởng, suy nghĩ đến trong đầu của bạn mà không cần cân nhắc đúng hay sai. Việc động não sẽ giúp học sinh không bị giới hạn bởi những khuôn khổ và định kiến có sẵn. Nó là cách khơi dậy những tiềm thức và những ý tưởng đột phá. Khi những ý tưởng đó, được gọt giũa, được chứng minh bằng những lập luận logic, chắc chắn, tư duy phản biện của học sinh sẽ được cải thiện đáng kể.
- Nhóm và phân loại
Phân loại là một kĩ năng vai trò quan trọng trong tư duy phản biện vì nó yêu cầu học sinh phải tái hiện được sự kiện, hiểu được logic bên trong và bên ngoài, áp dụng một loạt các thao tác của tư duy. Nó sẽ giúp học sinh có những cách tiếp cận mới về sư kiện. Trong quá trình dạy học lịch sử, hãy đưa ra một loạt các sự kiện theo tiến trình thời gian. Hãy yêu cầu học sinh phân loại thành các nhóm khác nhau, lý giải vì sao lại nhóm như vậy… Cách làm này, không những giúp học sinh ghi nhớ nội dung bài học tốt hơn mà còn giúp các em phát triển được tư duy phê phán của mình.
- So sánh và tương phản
Cũng giống như việc phân loại, học sinh sẽ cần xem xét kỹ từng nhân vật hoặc sự kiện từ so sánh nhận ta điểm giống và khác nhau. Học sinh có thể so sánh các sự kiện trong quá khứ với sự kiện hiện tại, các sự kiện trong giai đoạn này với giai đoạn khác hoặc giữa các sự kiện, nhân vật trong cùng một giai đoạn. Các thao tác tư duy mà học sinh sử dụng trong quá trình so sánh, tìm ra điểm tương đồng, khác biệt chính là một cách hiệu quả để hình thành tư duy phản biện ở học sinh.
- Tạo sự kết nối
Khuyến khích học sinh kết nối các sự kiện lịch sử với tình huống thực tế và xác định các mô hình, các mô-tip phổ biến tồn tại trong lịch sử cũng là một cách để thực hành kỹ năng tư duy phản biện. Yêu cầu học sinh luôn chú ý đến những mối quan hệ và sự kết nối này và khi học sinh tìm thấy bất kỳ một mối liên hệ nào, hãy cho phép học sinh có cơ hội được nói/chia sẻ với giáo viên và cả lớp.
- Làm việc nhóm
Nếu học sinh làm nhóm (cho dù là bể cá, khăn trải bàn hay mảnh ghép…) mà học sinh chỉ có đọc và ghi lại những nội dung sách giáo khoa thì đó là một hoạt động nhóm không hiệu quả và không cần thiết. Trong khi đó, hoạt động nhóm thực sự có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp học sinh thể hiện quan điểm, góc nhìn về sự kiện, nhân vật. Khi làm việc nhóm học sinh cảm thấy dễ dàng hơn khi chia sẻ ý tưởng cho các bạn cùng lứa tuổi. Việc trao đổi và thảo luận trong nhóm sẽ giúp học sinh củng cố thêm các ý tưởng và có thêm những góc nhìn mới từ cách bạn.
Cuộc sống vốn vô cùng phức tạp, tư duy phản biện sẽ là một trong những hành trang giúp học sinh có khả năng tư duy và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy, việc hình thành tư duy phản biện/tư duy phê phán cho học sinh trong quá trình dạy học lịch sử là điều mà chúng ta nên bắt đầu làm trong mỗi tiết học. Để nó không còn là những lý thuyết trong khung chương trình mà thực sự trở thành hiện thực trong mỗi tiết học.
Giáo viên Lịch sử
_____________________________________________________________________________________________
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.