Chiến thuật dạy học phân hóa trong môn Lịch sử

Dạy học phân hóa là một trong những chiến thuật dạy học quan trọng giúp học sinh phát huy được tối đa tiềm năng, đáp ứng được nhu cầu da dạng của các đối tượng học sinh. Tuy nhiên, việc áp dụng chiến thuật này vào trong quá trình dạy học lịch sử không phải là điều đơn giản.

Dạy học phân hóa là một trong những chiến thuật dạy học quan trọng giúp học sinh phát huy được tối đa tiềm năng, đáp ứng được nhu cầu da dạng của các đối tượng học sinh. Tuy nhiên, việc áp dụng chiến thuật này vào trong quá trình dạy học lịch sử không phải là điều đơn giản. Khi mà hầu hết, giáo viên vẫn dạy theo một kiểu, giảng bài theo một cách và chấm điểm cùng một thang. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra một số ý tưởng giúp giáo viên có thể áp dụng chiến thuật dạy học phân hóa vào lớp học của mình.

  1. Xây dựng các công cụ hỗ trợ

Là giáo viên, chúng ta thường nhận ra những nhu cầu, sở thích, điểm mạnh và điểm yếu của từng đối tượng học sinh. Tại sao chúng ta lại không tạo ra các công cụ hỗ trợ, các trạm học tập, để học sinh có thể tự tìm kiếm tư liệu, gợi ý, hoặc các hướng dẫn học tập từ đó chủ động hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giao. Bằng cách này, giáo viên cũng có nhiều thời gian hơn để hướng dẫn và tương tác với các nhóm học sinh cần sự hỗ trợ trực tiếp. Cách này có thể đòi hỏi giáo viên phải đầu tư thời gian để nghiên cứu và xây dựng các tài liệu, công cụ hỗ trợ cho học sinh, nhưng nó chắc chắn sẽ giúp việc học của học sinh được hiệu quả hơn. Qua đó, giáo viên cũng nâng cao được năng lực chuyên môn của bản thân.

  1. Thiết kế các nhiệm vụ học tập đa dạng

Việc học lịch sử đâu phải lúc nào cũng chỉ là nghe giảng, ghi chép và học thuộc. Giáo viên có thể thiết kế các hoạt động học tập đa dạng dựa trên 8 loại hình trí thông minh của Howard Gardner. Không chỉ đa dạng về hình thức hoạt động, giáo viên còn tạo ra các hoạt động với nhịp độ nhanh, chậm khác nhau. Bằng cách này, học sinh có thể tìm kiếm được những hoạt động học tập phù hợp với sở thích, hứng thú và năng lực của bản thân. Cũng qua đó, học sinh sẽ làm chủ bài học một cách tốt hơn.

  1. Cung cấp các lựa chọn

Một trong những chiến thuật dạy học phân hóa hiệu quả là mang đến cho học sinh những lựa chọn đa dạng trong quá trình học tập. Mặc dù không phải lúc nào giáo viên cũng có thể thực hiện được điều này (do các yêu cầu của chương trình và kiểm tra đánh giá) nhưng trong các bài học ‘bình thường’, việc cung cấp cho học sinh nhiều lựa chọn sẽ giúp chúng hoàn thành nhiệm vụ học tập tốt hơn. Ví dụ: nếu học sinh đang làm việc về diễn giải các tư liệu lịch sử, chúng có thể có sự lựa chọn giữa việc diễn giải bằng hình ảnh với các chú thích của riêng mình, hoặc viết kịch bản cho một bài phát biểu / vở kịch hoặc trả lời các câu hỏi. Về cơ bản, học sinh đều đạt được kết quả giống nhau: học sinh thể hiện nhận thức của bản thân về một tư liệu cụ thể và lý giải vì sao tư liệu đó lại được ra đời.

  1. Sử dụng các công cụ trực tuyến

Trên lớp học, dù có cố gắng đến thế nào, nhưng rõ ràng việc giảng dạy của bạn chỉ hướng đến một nhóm đối tượng học sinh cụ thể. Vẫn có những học sinh không theo kịp bài giảng của bạn, và có những học sinh cảm thấy tốc độ bài giảng quá chậm. Vậy tại sao bạn không sử dụng các công cụ trực tuyến. Đó có thể là các video bài giảng được ghi từ trước khi bắt đầu bài học (theo mô hình lớp học đảo ngược) hoặc có thể là các bài giảng online trên youtube,… Hãy tận dụng nó và biến thành công cụ hỗ trợ các nhóm đối tượng học sinh đa dạng. Nhiệm vụ còn lại của bạn chỉ là kiểm tra và điều chỉnh mức độ nắm kiến thức của học sinh và thiết kế các nhiệm vụ luyện tập và vận dụng phù hợp.

  1. Sử dụng đa dạng các hình thức đánh giá

Một trong những vấn đề của mô hình dạy học truyền thống là việc kiểm tra theo cùng một cách (trắc nghiệm hoặc tự luận) với các đề thi được dùng chung cho cả lớp (thậm chí là cả trường). Hãy đa dạng hóa các hình thức đánh giá, bao gồm cả đánh giá đinh kỳ và đánh giá thường xuyên. Hãy biến việc đánh giá trở thành một phần trong trải nghiệm học tập của học sinh. Hãy đặt ra các mục tiêu đánh giá cho từng cá nhân học sinh (nếu có thể). Bằng cách đó, bạn sẽ có được những thông tin hữu ích về năng lực của học sinh, đồng thời, giúp học sinh nhận ra cách thức để có thể khắc phục những hạn chế trong quá trình học tập.

Có thể nói, dạy học phân hóa là một trong những chiến thuật dạy học hữu ích nhất đối với quá trình học tập của học sinh. Việc áp dụng chiến thuật này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của giáo viên về cả kiến thức chuyên môn và sự thấu hiểu từng nhóm đối tượng học sinh. Hi vọng, những gợi ý trên sẽ giúp giáo viên có thêm những ý tưởng mới để đưa các chiến thuật dạy học phân hóa vào thực tiễn giảng dạy của mình.

Giáo viên Lịch sử

__________________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Dạy học Lịch sửdạy học phân hóaĐổi mới phương phápÝ tưởng dạy học
Comments (0)
Add Comment