Tranh tuyên truyền, cổ động là gì?
Tuyên truyền là nỗ lực nhằm chi phối quan điểm hoặc hành vi của người khác thông qua việc sử dụng hình ảnh và những từ ngữ cụ thể. Nó thường hạn chế các thông tin, và thể hiện sự thiên kiến rất lớn. Tuyên truyền được coi là đạt mục tiêu của nó khi tạo ra được một phản ứng cảm xúc của người xem.
Trong suốt thế kỷ XX, các bức tranh tuyên truyền cổ động là một trong những cách phổ biến nhất để các chính phủ sử dụng tuyên truyền để thuyết phục công dân của họ. Chúng thường dựa vào những hình ảnh để thao túng con người thông qua nỗi sợ hãi hoặc cảm giác tội lỗi.
Làm thế nào để hiểu ý nghĩa của một bức tranh tuyên truyền cổ động?
Việc hiểu ra ý nghĩa của một bức tranh tuyên truyền có thể rất khó bởi chúng ta không sống trong thời kỳ mà sự kiện diễn ra. Tuy nhiên, rất nhiều tranh tuyên truyền cổ động dựa vào một số yếu tố nhất định để thuyết phục người xem. Việc tìm hiểu ra các yếu tố này sẽ giúp chúng ta hiểu được thông điệp cụ thể của bất kỳ bức tranh tuyên truyền cổ động nào.
Các Yếu tố của tranh Cổ động Tuyên truyền
- Hình mẫu
Các họa sĩ thường sử dụng các hình mẫu để đại diện cho một nhóm người cụ thể (thường là theo cách rất phân biệt chủng tộc). Một hình mẫu là một sự đơn giản hóa các chi tiết để miêu tả về một nhóm người hoặc về một quốc gia. Ví dụ, người Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 đã được vẽ với một cái đuôi sam dài trên đầu. Điều này giúp dễ dàng xác định nhóm người đang được nói đến trong bức tranh. Việc làm quen với các hình mẫu phổ biến có thể khá khó khăn, vì chúng ta có thể cảm thấy bị xúc phạm. Tuy nhiên, khi đã quen thuộc với các hình mẫu, bạn có thể xác định được cộng đồng cụ thể đang được bức tranh cổ động nói tới.
Các hình mẫu phổ biến:
Biểu tượng | CỘng đồng người | Các đặc điểm cường điệu hóa |
Người Đức | Đội mũ mũi nhọn, cơ thể giống khỉ đột. | |
Người Trung Quốc | Tóc đuôi sam dài, mắt nhỏ, ria mép mỏng, quần áo và mũ kiểu Trung Quốc truyền thống, hai chiếc răng cửa lớn. | |
Người Nhật Bản | Kính tròn, mắt nhỏ, cười toe toét. | |
Người Úc | Đội mũ vành con, cạo râu gọn gàng, quần áo kaki. | |
Người Do Thái | Mũi lớn, mũ kiểu cầu nguyện của người Do Thái. |
- Biểu tượng
Cũng giống như tranh biếm họa, tranh cổ động tuyên truyền cũng sử dụng những đối tượng, hoặc biểu tượng quen thuộc với công chúng. Những biểu tượng này đại diện cho một khái niệm hoặc ý tưởng quan trọng. Ví dụ, việc sử dụng “đầu lâu và xương chéo” có thể đại diện cho “chết chóc” hoặc “sự nguy hiểm”. Khi diễn giải một bức tranh tuyên truyền cổ động, bạn cần xác định bất cứ biểu tượng nào và cố gắng lý giải khái niệm mà bức ảnh đại diện.
Dưới đây là một số biểu tượng được sử dụng trong tuyên truyền, cùng với đó là ý nghĩa thông thường của nó:
Biểu tượng | Ý nghĩa | Biểu tượng | Ý nghĩa | Biểu tượng | Ý nghĩa |
Mỏ neo | an toàn, an ninh | Gấu | Nga | Chó Bull | Vương quốc Anh |
Dây xích | tù đày, nô lệ | Đám đông người | lực lượng không thể ngăn cản | Thần tình yêu | yêu |
Ký hiệu đô Mỹ | tiền | Cửa/cổng | đường vào, bước vào | Bồ câu | hòa bình |
Đại bàng | Mỹ | Đá Mộ | chết | Thần Chết | cái chêt |
Búa và Liềm | chủ nghĩa cộng sản | Thỏ | bất cẩn, kiêu ngạo | Đồng hồ cát | thời gian hạn chế |
Rồng uy nghi | Trung Quốc | Kangaroo | Nước Úc | Cừu | vô tội |
Bạch tuộc | tham lam | Đà điểu | từ chối nghe tin xấu | Cú mèo | sự khôn ngoan |
Con rối | bị kiểm soát | Cầu vồng | hi vọng, tương lai | Chuột | tiêm nhiễm, dịch bệnh |
Sao Đỏ | chủ nghĩa cộng sản | Hoa hồng | tình yêu | Samurai | Nhật Bản |
Cừu | niềm tin mù quáng | Đầu lâu | chết | Rắn | xấu xa, cám dỗ |
Mạng nhện | kiểm soát, bẫy | Mũ đỉnh nhọn | người Đức | Ngôi sao David | Người Do Thái hoặc Israel |
Sao và Sọc | Mỹ | Chữ Vạn | Đức quốc xã, chủ nghĩa phát xít | Ngai vàng | luyền lực |
Rùa | chậm chạp, dễ bị tổn thương | Chú Sam | nước Mỹ | Bức tường | phân chia, tách biệt |
Phụ nữ với cờ | một quốc gia cụ thể | Phụ nữ với chiếc cân | sự công bằng | Trẻ nhỏ | ngây thơ, hồn nhiên, nạn nhân |
- Đoạn văn bản
Các bức tranh cổ động thường có kèm theo một phần thông tin ngắn. Những thông tin này nhằm cung cấp cho người xem dữ liệu để họ rút ra thông điệp mà họa sĩ muốn đưa ra. Khi quan sát bức tranh cổ động, cần quan tâm đến việc, những thông tin được cung cấp có chính xác hay không hoặc liệu có thông tin nào bị lược bỏ không? Cuối cùng, hãy lý giải tại sao bức tranh tuyên truyền muốn người xem tin vào thông điệp mà nó đưa ra? Đâu là cách thức để những thông tin này thuyết phục khán giả?
- Sự kết nối với khán giả
Các bức tranh cổ động sẽ kết nối trực tiếp với khán giả của nó thông qua một số kỹ thuật. Chúng thường sử dụng đại từ nhân xưng “bạn”; hỏi một câu hỏi tu từ hướng đến khán giả, hoặc sẽ có một người trong bức tranh cổ động nhìn thẳng vào người xem. Các bức tranh tuyên truyền làm điều này để khiến khán giả cảm thấy bị tác động.
- Lôi cuốn cảm xúc
Tranh tuyên truyền sẽ tác động đến cảm xúc của con người để thúc đẩy họ phản ứng. Phản ứng cảm xúc thường gặp nhất mà tranh tuyên truyền muốn tạo ra là: cảm giác tội lỗi (ví dụ như khiến khán giả cảm thấy họ thất bại), lòng yêu nước (ví dụ như kêu lòng yêu nước của họ), nỗi sợ hãi (ví dụ như nếu họ không hành động, sẽ có điều gì đó tồi tệ xảy ra), hoặc xấu hổ (ví dụ như họ cảm thấy yêu đuối, hèn nhát, hoặc ích kỷ).
- Kêu gọi hành động
Hầu hết mọi bức tranh tuyên truyền cổ động có một lời kêu gọi về điều mà khán giả của nó nên làm tranh. Ví dụ “Gia nhập quân đội ngay hôm nay!” hoặc “Mua trái phiếu chiến tranh”. Kêu gọi hành động thường là cách tốt nhất để xác định mục đích và đối tượng hướng tới của người tạo ra bức tranh.
Làm thế nào tôi viết một diễn giải?
Một khi bạn đã giải mã được cấu trúc của bức tranh tuyên truyền, bạn có thể bắt đầu viết phần diễn giải của mình. Để làm điều này, bạn cần trả lời những câu hỏi sau:
- Những hình mẫu và biểu tượng trong bức tranh đại diện cho ai và điều gì?
- Những thông tin nào được cung cấp từ đoạn văn bản trong bức tranh tuyên truyền?
- Đâu là cách bức tranh tuyên truyền cố gắng và kết nối trực tiếp với người xem? (Sử dụng “bạn”, đặt một câu hỏi, hoặc “nhìn vào khán giả”?)
- Phần “kêu gọi hành động” nói về điều gì?
- Cảm xúc nào của người xem dự kiến cảm nhận thấy? ( ví dụ như: xấu hổ, thất bại, yêu nước…)
Một khi bạn đã trả lời được những câu hỏi trên, bạn sẽ trả lời câu hỏi cuối cùng:
- Điều mà bức tranh tuyên truyền muốn khán giả tin và hành động là gì?
Tôi sẽ làm gì với phần diễn giải của mình?
Việc xác định thông điệp của một bức tranh tuyên truyền cổ động cho thấy bạn hiểu tư liệu gốc. Điều đó có nghĩa là bạn có thể sử dụng nó trong các trích dẫn trong các bài viết của mình.
Phần diễn giải có thể giúp bạn trong việc phân tích và đánh giá tư liệu. Ví dụ, việc xác định thông điệp của tư liệu có thể giúp bạn tìm hiểu sâu về:
- Mục đích của bức tranh tuyên truyền cổ động
- Đối tượng mà bức tranh hướng tới
- Độ chính xác của thông tin được trình bày trong bức ảnh.
Ví dụ:
Hãy trả lời các câu hỏi sau:
- Ai là nhân vật chính trong bức tranh? Người này thuộc tầng lớp nào trong xã hội Anh? Tầng lớp nào trong xã hội nào mà bức tranh muốn hướng tới?
- Trong bức ảnh, bé trai đang chơi trò chơi gì? Trò chơi đó có liên quan gì đến cuộc chiến? Cảm xúc của cậu bé ra sao khi chơi?
- Đoạn văn bản trong bức tranh nói gì? Ai là người nói? Cảm xúc của người cha và khán giả sau khi nghe xong câu hỏi là gì?
- Việc sử dụng đại từ “BẠN” trong câu hỏi cho thấy dụng ý gì của bức tranh tuyên truyền?
- Bức tranh có đưa ra “lời kêu gọi hành động” nào không?
- Bức tranh muốn khả giả tin và hành động điều gì?
BÀI LUẬN PHÂN TÍCH TRANH TUYÊN TRUYỀN:
“Bức tranh tuyên truyền cổ động này được chính phủ Anh sử dụng vào năm 1915 để thuyết phục công dân Anh nhập ngũ. Bức tranh này đã sử dụng một loạt các kỹ thuật tuyên truyền. Đầu tiên, nhân vật chính là một người đàn ông được lý tưởng hóa thuộc gia đình tầng lớp trung lưu ở Anh. Việc sử dụng nhân vật hình mẫu này là một nỗ lực để kết nối với những người đàn ông thuộc tầng lớp trung lưu ở Anh chưa gia nhập quân đội.
Thứ hai, bức tranh sử dụng biểu tượng là những chiến binh bằng đồ chơi, thứ mà cậu bé ở phía dưới đang chơi. Thực tế thì người con trai có vẻ ấn tượng với biểu tượng chiến tranh nhiều hơn người cha của cậu ta đang dần lấn áp cảm xúc của khán giả.
Thứ ba, đoạn văn bản mà đi cùng hình ảnh, được nói bởi người con gái, tò mò về vai trò của người cha trong chiến tranh. Việc sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ hai “BẠN” là một nỗ lực rõ ràng để kêu gọi bản thân người xem bức tranh. Điều này càng được củng cố bởi thực tế là đôi mắt của người đàn ông đang nhìn thẳng vào người xem. Do đó, mặc dù cô gái đang nói chuyện với cha mình, bức tranh có ý muốn hướng trực tiếp tới người xem. Mục đích rõ ràng là làm cho người xem trở thành mục tiêu của câu hỏi để họ sẽ tự hỏi bản thân họ sẽ đóng vai trò gì trong cuộc chiến đương thời.
Tất cả các kỹ thuật này kết hợp với ý định tạo ra cảm giác xấu hổ và tội lỗi trong người xem. Bức tranh tuyên truyền hi vọng rằng những người thanh niên trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ khi thừa nhận với với những đứa con tương lai của mình rằng họ “quá hèn nhát’ nếu không tham gia chiến tranh. Mặc dù không có “lời kêu gọi hành động” rõ ràng cho người xem, nhưng sự kỳ vọng ngầm hiểu là cảm giác tội lỗi sẽ khiến các chàng trai trẻ quyết định gia nhập quân đội với hi vọng làm dịu đi cảm giác xấu hổ được tạo ra từ bức tranh.
Thông điệp chung được tạo ra từ bức tranh tuyên truyền là những người đàn ông đích thực sẽ tranh gia nhập quân đội để chiến đấu với niềm tin rằng những đứa con tương lai của họ sẽ tự hào khi biết rằng cha chúng đã dũng cảm hi sinh vì chúng.”
Nguyễn Văn Vương – Nguyễn Hữu Long
(Theo Historyskills.com)
____________________________________________________________________________________
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.