DẠY HỌC SINH VỀ SỰ PHỨC TẠP CỦA CÁC SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Một khi không thể phục dựng lại sự kiện trong mối quan hệ chằng chịt và phức tạp của các mối quan hệ, chúng ta sẽ không thể nào có được biểu tượng lịch sử cụ thể cũng như không thể đưa ra được những nhận xét, đánh giá về sự kiện, nhân vật đó.

Ngày hôm qua, tôi có xem một video tiết dạy bài Hi Lạp, La Mã cổ đại, nghe giáo viên tổ chức hoạt động, giảng dạy cho học sinh, tôi thấy mọi thứ diễn ra thật trôi chảy. Học sinh cũng cố gắng để hoàn thành các bài tập mà giáo viên giao, trả lời rất đầy đủ. Tuy nhiên, có một điều khiến tôi cứ thấy “gợn gợn”. Dường như cả người dạy và người học đều đang nói lại nội dung kiến thức một cách rất trôi chảy nhưng không thực sự có “hình dung” trong đầu về những điều mình đang nói, không hiểu được “sự phức tạp” của các sự kiện lịch sử mà mình đang trình bày.

Nguyên nhân của vấn đề này thì có nhiều, nhưng có một vấn đề mà tôi muốn tập trung làm rõ, đó là sự “phức tạp của lịch sử” (complexity of history). Khi chúng ta học về một sự kiện hay nhân vật lịch sử, nó đã được ghi chép lại theo nhãn quan của người viết, nó lại được cắt gọt cho phù hợp với mục đích của người đã tạo ra tư liệu. Vì vậy, một cách tự nhiên, sự kiện đã mất đi “tính phức tạp” vốn có của nó. Người dạy và người học sẽ nhắc đến nó một cách rất dễ dàng đơn giản như thể ai cũng hiểu được nó. Nhưng một khi không thể phục dựng lại sự kiện trong mối quan hệ chằng chịt và phức tạp của các mối quan hệ, chúng ta sẽ không thể nào có được biểu tượng lịch sử cụ thể cũng như không thể đưa ra được những nhận xét, đánh giá về sự kiện, nhân vật đó.

Trở lại vấn đề trên, vậy thế nào được coi là làm rõ được “sự phức tạp” của lịch sử? Đó có lẽ vẫn là một vấn đề lớn đối với người học sử nói chung, với giáo viên Lịch sử nói riêng. Theo quan điểm của tôi, việc làm rõ “tính phức tạp” của sự kiện lịch sử là khi giáo viên và học sinh có thể mô tả, phục dựng lại sự kiện một cách rõ ràng, chi tiết và cụ thể. Có thể hình dung ra các mối quan hệ phức tạp, chồng chéo liên quan đến sự kiện. Có khả năng, tách bạch, phân loại các mối quan hệ thành các nhóm…

Tôi lấy ví dụ, nếu học về sự kiện “Chiến thắng Bạch Đằng” của Ngô Quyền năm 938, hầu hết học sinh đều biết việc Ngô Quyền đóng cọc xuống cửa sông để ngăn quân Nam Hán. Nhưng đó chỉ là “sự kiện đơn giản” là “vỏ ngoài của kiến thức”, là thông tin ở bề mặt. Chỉ cần đặt vài câu hỏi thì sẽ biết ngay kiến thức của học sinh (thậm chí là của cả giáo viên) sâu sắc đến đâu và mức độ hiểu về “tính phức tạp” của sự kiện này như thế nào. Một số câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra như:

– Sông Bạch Đằng nằm ở đâu trên bản đồ? Sông Bạch Đằng quá khứ và hiện tại có gì giống và khác nhau?

– Những đặc điểm về địa hình và chế độ thủy triều của sông? Nước lên và xuống theo nguyên tắc nào vào những thời điểm nào?

– Ngô Quyền bịt sắt nhọn vào đầu cọc bằng cách nào? Làm thế nào để Ngô Quyền đóng được cọc xuống lòng sông? Ngô Quyền đóng cọc ở chỗ nào? Độ dài ngắn, nông sâu,…?

– Làm thế nào để Ngô Quyền có thể “nhử” được Hoằng Thao? Nhử như thế nào? Nếu Hoằng Thao không bị nhử thì sao?…

– Tại sao Hoằng Thao lại đi vào cửa Bạch Đằng, có đường nào khác để đi hay không? Khi Hoằng Thao đánh trận có tiền trạm không? Tại sao Hoằng Thao lại không phát hiện ra trận địa cọc của Ngô Quyền?

Nếu trả lời được những câu hỏi đó, học sinh (và giáo viên) mới có đủ dữ liệu về trận Bạch Đằng, mới hiểu được tính phức tạp của sự kiện, mới có công cụ để tư duy, từ đó mới nhận xét và đánh giá xem Ngô Quyền giỏi ở cái gì, sáng tạo ra sao, tài tình như thế nào? Khi đó, việc đưa ra các lời nhận xét của các nhà sử học như Ngô Thì Sĩ, Lê Văn Hưu,… mới có sức thuyết phục. Bằng không, việc giảng dạy vẫn chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, học sinh nghe vậy thì biết vậy. Những kiến thức đó còn ở lại với học sinh là do tình cảm “lòng tự hào dân tộc” nhiều hơn là kết quả của quá trình “tư duy”.

Nhưng làm thế nào để có thể giúp học sinh hình dung được sự phức tạp của lịch sử? làm sao để học sinh có thể mô tả/phục dựng một cách chi tiết và cụ thể những gì đã xảy ra trong quá khứ?

Dưới đây là một số gợi ý dành cho các thầy cô giáo

  1. Luôn đặt ra câu hỏi 5W-1H

Khi dạy bất kỳ vấn đề lịch sử nào, giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh luôn tự đặt ra các câu hỏi 5W (Who – Ai, What – Cái gì, Where – ở đâu, Why – tại sao, When – khi nào) và H – How (như thế nào). Ví dụ, sách giáo khoa Lịch sử lớp 7 viết: “vào thế kỉ XVI – XVIII, thủ công nghiệp và thương nghiệp có bước phát triển”. Ngay lập tức, chúng ta phải đặt ra câu hỏi: phát triển là như thế nào? (How – như thế nào) Các bằng chứng, con số cụ thể? Phát triển so với cái gì? So với nước nào hay giai đoạn nào? (What- cái gì) Năm nào thì phát triển nhất, năm nào thì kém phát triển nhất? (When – khi nào) Những vùng nào phát triển nhất, những vùng nào kém phát triển (where – ở đâu) Tại sao nó lại phát triển? Trong các lý do đó, lý do nào là quan trọng nhất, lý do nào không phải là quan trọng? Nguyên nhân sâu xa của sự phát triển, nguyên nhân trước mắt dẫn đến sự phát triển? (Why – tại sao)? Những thương nhân, nhân vật nào có liên quan đến sự phát triển đó (Who – ai)? Bằng cách liên tục đặt câu hỏi như vậy, giáo viên sẽ làm chủ các nội dung, khía cạnh khác nhau của sự kiện (tính phức tạp) và từ đó mới giúp học sinh nắm sự kiện một cách chi tiết và cụ thể.

  1. Sử dụng chiến thuật 5 lần hỏi tại sao

Khi đối diện với một vấn đề, giáo viên sẽ có những lý giải cụ thể cho vấn đề lịch sử nào đó. Nhưng giáo viên sẽ không dừng lại ở đó mà yêu cầu học sinh tìm hiểu sâu hơn bằng cách liên tục đặt ra các câu hỏi TẠI SAO. Ví dụ. Năm 1010, Lý Công Uẩn, rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Vậy vì sao Lý Công Uẩn rời đô? – Vì tránh sự phản đối của các triều thần cũ nhà Tiền Lê. Vậy, tại sao lại có sự phản đối của các triều thần nhà Tiền Lê?… cứ như vậy học sinh sẽ truy đến tận cùng của vấn đề. Những câu hỏi tại sao đó, sẽ giúp học sinh hiểu được những mối quan hệ phức tạp của sự kiện cũng như những yếu tố tác động đến nó. Đối với học sinh, đôi khi giáo viên chỉ cần hỏi 2 – 3 câu hỏi tại sao là đã có thể khuyến khích học sinh tư duy sâu sắc về vấn đề mà không cần hỏi đủ 5 câu hỏi.

  1. Liên hệ với những trải nghiệm của cuộc sống hiện đại

Lịch sử chính là cuộc sống của con người trong quá khứ, nó có những điểm tương đồng và mối quan hệ với cuộc sống hiện tại. Vì vậy, khi đối diện với bất kỳ sự kiện hay vấn đề lịch sử nào đó, hãy tìm ra sự phức tạp của Lịch sử bằng cách liên hệ với những mối quan hệ tương tự trong cuộc sống. Ví dụ, trong cuộc cải cách hành chính của Minh Mạng, đã chia lại địa giới các tỉnh, xóa bỏ Gia Định thành và Bắc Thành. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh liên hệ với chủ trương chia tách và sáp nhập các tỉnh hiện nay.

Rõ ràng là, chủ trương sáp nhập các tỉnh hiện nay – ngay khi vừa đưa ra đã gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Có những nhóm đồng tình, có những người phản đối. Có những nhóm sẽ được hưởng lợi từ việc sáp nhập, nhưng cũng có những người sẽ bị thiệt hại (bạn thử đoán xem là ai?). Việc sáp nhập các tỉnh sẽ dẫn đến hàng loạt những thay đổi về giấy tờ, thủ tục hành chinh cũng như cách sắp xếp và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp… Tương tự như vậy, cuộc cải cách của Minh Mạng cũng phức tạp giống như vậy, có những người sẽ ủng hộ, có những người sẽ phản đối. Cuộc cải cách của Minh Mạng mang lại nhiều điểm tích cực và tiến bộ dưới góc nhìn của chúng ta ngày nay, nhưng tại thời điểm đó không phải là không tạo ra những khó khăn, thách thức trong việc quản lý đất nước,…

Tóm lại, việc dạy học sinh về sự phức tạp của lịch sử là điều có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình dạy học. Chỉ có việc phục dựng lại lịch sử một cách chi tiết và cụ thể, học sinh mới hiểu được sự phức tạp đó. Và chỉ khi nào, học sinh thực sự hình dung, cảm nhận được sự phức tạp của một sự kiện, một vấn đề lịch sử, các em mới có khả năng đưa ra quan điểm và góc nhìn cá nhân của mình, từ đó hình thành năng lực nhận thức lịch sử thực sự của học sinh.

Nguyễn Hữu Long

Xem thêm: BỘ TÀI LIỆU GIẢNG DẠY LỊCH SỬ 6 – MS 600

_____________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hay toàn bộ bài viết đều phải được sự đồng ý của chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Dạy học Lịch sửSự phức tạp của lịch sử
Comments (0)
Add Comment