Khi dạy lịch sử cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, giáo viên thường gặp khó khăn trong việc đạt được sự cân bằng giữa việc dạy các sự kiện và quan điểm, giữa nội dung sự kiện và sự phù hợp với lứa tuổi. Việc giảng dạy đôi khi chỉ dừng lại bằng những hình vẽ, hay các trò chơi để học sinh tham gia như vẽ lại con tàu của Columbus hoặc thiết kế những bộ trang phục của các nhân vật và học sinh hóa trang thành nhân vật đó trong các buổi trình diễn. Điều đó khiến cho việc học tập lịch sử không đạt đến sự sâu sắc, học sinh sẽ chỉ dừng lại ở việc tái hiện, phục dựng mà chưa đi sâu vào quá trình tư duy lịch sử. Dưới đây là một số bước đơn giản giúp giáo viên có thể làm cho lịch sử trở nên hấp dẫn, thú vị nhưng vẫn sâu sắc và phù hợp với lứa tuổi học sinh.
TÌM HIỂU SỰ KIỆN
Tìm cách để học sinh tiếp cận với các sự kiện mới thông qua các nguồn tư liệu. Đây là một trong những vấn đề còn chưa được chú trọng trong chương trình môn Lịch sử hiện hành. Hầu hết các sự kiện được viết sẵn và học sinh buộc phải tiếp nhận. Điều này khiến cho việc học tập lịch sử trở thành việc ghi nhớ sự kiện.. Ví dụ, vẫn dạy về cuộc phát kiến địa lý của Columbus, giáo viên có thể sử dụng tư liệu gốc là những bức ảnh tái hiện về cuộc gặp lịch sử giữa các thủy thủ và cư dân bản địa. Giáo viên có thể tìm kiếm các tư liệu gốc trên mạng hoặc trong một số tài liệu giảng dạy cho giáo viên.
XEM XÉT CÁC QUAN ĐIỂM, GÓC NHÌN
Nghĩ về môn lịch sử mà bạn đang dạy. Giúp học sinh phân tích các nguồn tư liệu và góc nhìn của tác giả để hiểu được các cách giải thích khác nhau về lịch sử. Chúng ta không chỉ dạy về các nhân vật vĩ đại, những người chiến thắng, mà còn cả về những nhóm yếu thế, những cộng đồng bị áp bức. Mặc dù học sinh có thể còn quá nhỏ để nghe về những hành động của người da trắng trong việc duy trì chế độ nô lệ hay sự tàn bạo của các trại tập trung dưới thời Hit-ler nhưng hãy bắt đầu giúp học sinh có những góc nhìn khác nhau về lịch sử.
Năm ngoái, tôi hỏi các học sinh lớp 5 của mình, “Columbus có phải là anh hùng không?”. Học sinh đã lên mạng và tìm kiếm các thông tin khác nhau về nhân vật. Một số học sinh đồng tình với nhận định đó, nhưng rất nhiều học sinh đã phản đối và cho rằng Columbus không phải là một vị anh hùng thực sự. Thay vì đưa ra kết luận tôi cho học sinh thảo luận về việc tại sao chúng lại có quan điểm khác nhau? Góc nhìn của chúng ở đây là gì? Sự khác biệt trong cách nhìn của người Châu Âu so với quan điểm của người Mỹ bản địa…
DÀNH THỜI GIAN CHO CÁC CHUYẾN ĐI THỰC ĐỊA
Một trong những thách thức lớn nhất khi dạy lịch sử ở cấp 1 và cả cấp 2 đó là học sinh ít có cơ hội được tham gia các hoạt động thực địa. Hãy suy nghĩ về cách để tăng cường các hoạt động như các dự án lịch sử, các chuyến tham quan đến các di tích, các dự án tích hợp lịch sử vào các môn học đọc và viết,…
Một đồng nghiệp của tôi đã tổ chức một dự án liên môn trong môn Đọc hiểu bài Hà Nội 36 phố phường và việc tham quan các di tích trong phố cổ Hà Nội. Kết thúc Dự án, học sinh sẽ dành thời gian cho việc viết các tác phẩm về cảm nhận về Hà Nội theo cách riêng của chúng.
Cách làm này thực sự đã tạo nên sự thay đổi trong việc học Lịch sử cũng như việc học môn Ngữ văn của học sinh. Nó khiến học sinh thực sự sống, trải nghiệm và có những cách nhìn độc đáo, sáng tạo và biết cách để sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để diễn đạt những cảm nhận của bản thân.
SỰ LỰA CHỌN
Quyền được lựa chọn sẽ mang lại cho con người ta một động lực mạnh mẽ trong công việc. Khi có thể, hãy cho học sinh có cơ hội được lựa vấn đề chọn nghiên cứu thay vì các chủ đề có sẵn trong sách giáo khoa. Hãy cho học sinh tìm hiểu sâu hơn về các chủ đề quan tâm, làm việc một mình hay theo nhóm, dự án hoặc sản phẩm học tập, hoặc thuyết trình/dạy lại cho các bạn cùng lớp.
Khi dạy về chủ đề chiến tranh thế giới thứ II, thay vì chỉ nói về nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của sự kiện này. Tôi cho học sinh được quyền lựa chọn các hoạt động khác nhau:
– Bài thuyết trình về nhân vật Hitler
– Tìm hiểu về các loại vũ khí được sử dụng trong chiến tranh
– Những bức thư của người lính trong cuộc chiến
– Cuộc sống của phụ nữ và trẻ em trong thời chiến
– Dự án tìm hiểu về thảm họa Holocaust
Việc giảng dạy lịch sử không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chúng ta cần tổ chức cho học sinh nghiên cứu tài liệu và phản biện những gì những gì đã được học, được dạy. Việc đầu tiên bạn cần làm là dành thời gian để suy nghĩ lại các phương pháp cũ.
Giáo viên Lịch sử
(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ)