Giảng dạy các vấn đề “nhạy cảm” và “gây tranh cãi” trong môn lịch sử

Hãy nhớ rằng, việc thành thực thừa nhận mình không biết về một vấn đề nào đó không hề làm học sinh cảm thấy thất vọng về bạn. Học sinh chỉ cảm khó chịu, nếu như giáo viên dùng quyền lực cá nhân để dập tắt những thắc mắc, tò mò chính đáng của các em.

Tôn giáo, niềm tin, chiến tranh, tình dục, các nhóm chính trị, các vụ gian lận, các vụ bê bối, thảm sát, diệt chủng,… Đó là những điều phổ biến trong lịch sử.

Trong khi học sinh rất quan tâm đến những vấn đề này thì rất ít bậc cha mẹ muốn (và có thể) giải thích cho con cái của họ một cách chi tiết và cụ thể.

Những câu hỏi, nghi vấn vẫn còn đó – trong đầu của học sinh. Những vấn đề đó sẽ được đặt ra/chuyển qua cho chúng ta – những giáo viên dạy lịch sử.

Làm sao để bạn có thể nói về những điều đó mà không vi phạm các quy định của nghề nghiệp? Làm sao để bạn có thể khuyến khích được học sinh thể hiện quan điểm cá nhân, phát triển tư duy phản biện nhưng lại không bị cực đoan trong cách nhìn nhận, đánh giá? Làm sao để chúng ta có thể chủ động trong việc giảng dạy những nội dung nhạy cảm và gây tranh cãi trong quá trình dạy học?

  1. Hãy càng khách quan càng tốt

Tất cả chúng ta đều có quan điểm và góc nhìn của riêng mình. Trong giáo dục nói chung, giáo dục lịch sử nói riêng, điều quan trọng là duy trì sự khách quan nhất có thể với học sinh và tránh nói ra ý kiến chủ quan của bạn. Hãy để học sinh đi sâu tìm hiểu và tự có câu trả lời cho những điều mà chúng quan tâm, thắc mắc.

Cách đây không lâu, khi những tranh luận về ngày giỗ tổ Hùng Vương (10 – 3) ồn ào trên mạng. Học sinh của tôi đã đặt ra những vấn đề mà chúng nghe được, đọc được từ những tranh luận của người lớn. Chúng chất vấn tôi về sự tồn tại của nhà nước Văn Lang và Hùng Vương, chúng đặt ra câu hỏi về 2000 năm và 18 đời vua, suy ra mỗi vị vua ở ngôi gần 200 năm,… Trong trường hợp đó, thay vì đưa ra một câu trả lời, tôi thường hỏi học sinh về nguồn gốc của các quan điểm, cách tiếp cận của các bên, những điểm mâu thuẫn,… và học sinh chính là người tự đi tìm câu trả lời (mà có nhiều khi là không tìm được câu trả lời). Nhưng xét cho cùng, đó chính là một phần của năng lực tư duy lịch sử mà học sinh cần có.

  1. Luôn giữ tâm thế chủ động

Bạn biết đó, tôn giáo là một vấn đề khá nhạy cảm. Tôi có nhiều bạn đồng nghiệp, làm công việc giảng dạy ở những vùng có cộng đồng Công giáo khá đông. Mỗi khi dạy đến nội dung về “Việt Nam đầu thế kỉ XIX và quá trình xâm lược của người Pháp”, rất nhiều học sinh đã nghỉ học hoặc không tham gia vào tiết học vì những vấn đề liên quan đến nội dung được viết trong sách giáo khoa không phù hợp với niềm tin tôn giáo của các em. Thay vì bị mắc kẹt giữa những quan điểm và phản ứng của học sinh một cách bị động, tại sao bạn lại không tiếp cận vấn đề một cách chủ động hơn. Việc tiếp cận vấn đề được thể hiện ở ba khía cạnh. Thứ nhất, hãy chủ động đọc và tìm hiểu thêm các tư liệu và khám phá những góc nhìn mới. Thứ hai, hãy chủ động khuyến khích học sinh thảo luận, đưa ra quan điểm của mình để tranh luận với những gì được viết trong sách. Thứ ba, về mặt cảm xúc, hãy thể hiện sự khách quan, trung dung và nhận ra những định kiến đang chi phối bản thân khi dạy về vấn đề này. Bằng những cách đó, tôi thấy, việc giảng dạy về các vấn đề nhạy cảm trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

  1. Biết giới hạn của bản thân

Chúng ta ghét phải thừa nhận điều đó, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề gây tranh cãi. Vì vậy, khi học sinh thắc mắc hoặc muốn tìm hiểu về một vấn đề nhạy cảm, bạn cần tìm hiểu về vấn đề đó thật rõ. Hãy nhớ rằng, bạn chỉ nói về những điều bạn chắc chắn, có bằng chứng xác thực. Đối với những vấn đề bạn không thực sự chắc chắn, hãy mạnh dạn nói với học sinh: thầy/cô không biết, con có thể tìm hiểu thêm. Trong một số trường hợp, hãy liên hệ với những người có chuyên môn hoặc thẩm quyền để giúp bạn có được câu trả lời chính xác và thỏa đáng. Hãy nhớ rằng, việc thành thực thừa nhận mình không biết về một vấn đề nào đó không hề làm học sinh cảm thấy thất vọng về bạn. Học sinh chỉ cảm khó chịu, nếu như giáo viên dùng quyền lực cá nhân để dập tắt những thắc mắc, tò mò chính đáng của các em.

  1. Đặt quy tắc cơ bản.

Qua nhiều năm giảng dạy, bạn sẽ biết được những nội dung nào là nhạy cảm, nội dung nào là gây tranh cãi, điều gì sẽ khiến học sinh cảm thấy tò mò,… Thay vì giải quyết vấn đề khi nó đã xảy ra, hãy đặt ra các quy tắc về việc tranh luận các vấn đề trong bài học và ngoài bài học. Tôi thường đặt ra 5 quy tắc cho học sinh của mình:

  • Hãy tra cứu internet trước khi hỏi thầy/cô
  • Đối với nội dung ngoài bài học, hãy đặt câu hỏi sau khi thời gian của tiết học kết thúc.
  • Chúng ta có nhiều hơn một câu trả lời
  • Luôn lịch sự và tôn trọng sự khác biệt.
  • Không dùng con mắt hiện đại để phán xét về một vấn đề lịch sử.

Bằng việc thiết lập các quy tắc này, tôi đã tạo ra một hành lang để học sinh cảm thấy thoải mái khi thể hiện quan điểm cá nhân, đồng thời không làm cho các tranh luận đi đến chỗ cực đoan.

Có thể nói, việc giảng dạy và thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi không hề dễ dàng nhưng rất thú vị. Nó mang đến cho bản thân tôi và học sinh của tôi một tâm thế mới đối với việc học tập lịch sử. Đây cũng là dịp mà tôi được lắng nhiều ý tưởng, quan điểm, góc nhìn từ học sinh của mình. Nó cũng giúp nâng cao kỹ năng tư duy phản biện và giúp học sinh của bạn thực hành lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu.

Giáo viên Lịch sử


Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Dạy học Lịch sửVấn đề gây tranh cãiVấn đề nhạy cảm
Comments (0)
Add Comment