Trong quá trình dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng, sẽ không có một phương pháp duy nhất nào có thể phù hợp với tất cả các bài học và đối tượng học sinh. Giáo viên cần lưu ý sử dụng 3 yếu tố dưới đây để lựa chọn các phương pháp giảng dạy:
– Thứ nhất là, toàn bộ quá trình giảng dạy của chúng ta cần tập trung vào học sinh – chứ không phải kiến thức.
– Thứ hai là, giáo viên phải làm chủ hoàn toàn nội dung giảng dạy
– Thứ ba, giáo viên lựa chọn được phương pháp giảng dạy thích hợp với mỗi bài học.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cụ thể hóa 3 yếu tố trên thành 12 nguyên tắc cơ bản mà giáo viên cần phải ghi nhớ trong quá trình dạy học lịch sử:
- Từ cụ thể đến trừu tượng
Trong dạy học lịch sử, giáo viên cần áp dụng các phương pháp từ cụ thể đến trừu tượng ở các lớp dưới. Sự cụ thể hay trừu tượng được thể hiện ở ba yếu tố cơ bản. Thứ nhất là số lượng thuật ngữ khó/mới/học sinh chưa biết trong mỗi bài học. Thứ hai là sự hỗ trợ của các phương tiện/đồ dùng/mô hình trực quan. Và thứ ba, là sự chi tiết và cụ thể trong các thông tin được trình bày. Càng các lớp dưới, giáo viên càng phải trình bày nội dung một cách cụ thể, càng các lớp trên kiến thức sẽ càng trừu tượng hơn.
- Từ biết đến không biết
Nguyên tắc thứ hai của việc giảng dạy là giáo viên nên tiến hành từ những điều đã biết đến những điều chưa biết. Giáo viên cố gắng tận dụng những gì học sinh biết và sau đó cố gắng liên hệ những trải nghiệm mới với những trải nghiệm cũ. Trong quá trình này, giáo viên nên thực hiện ngược lại. Giáo viên nên cố gắng trình bày những sự kiện đã biết trước cho học sinh và sau đó đưa học sinh đến những trải nghiệm mới trong bài học.
Ví dụ, khi dạy về những chuyển biến kinh tế xã hội thời Bắc thuộc, thay vì dạy ngay vào nội dung bài, giáo viên có thể cho học sinh tái hiện lại những trải nghiệm cá nhân. Từ khi con bắt đầu vào học lớp 6 đến nay, con đã được tiếp xúc với một cộng đồng lớp học mới. Hãy ghi lại những gì là bản sắc, cá tính và những nét riêng biệt của riêng con và những gì con đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng từ các bạn xung quanh. Sau đó học sinh sẽ cùng suy ngẫm dựa trên trải nghiệm cá nhân:
– Con đã thay đổi như thế nào? Điều gì vẫn được giữ nguyên?
– Tại sao con lại thay đổi?
– Những thay đổi đó, theo con cái nào là tích cực, cái nào là hạn chế?
Sau đó, giáo viên sẽ cùng học sinh phân tích những trải nghiệm liên quan đến ảnh hưởng của yếu tố văn hóa phương Bắc đối với cuộc sống của cư dân Văn Lang, Âu Lạc,…
- Logic trật tự về thời gian
Để làm cho nội dung bài học trở nên dễ hiểu đối với học sinh, các sự kiện phải được trình bày theo trình tự thời gian của chúng. Đây là tất cả những gì quan trọng nhất trong việc giảng dạy lịch sử. Trong một số trường hợp, giáo viên sẽ cố tình đảo trật tự thời gian của sự kiện và yêu cầu học sinh nhận ra sự thay đổi trong cách giải thích, đánh giá khi trật tự thời gian của sự kiện bị đảo lộn.
- Mối quan hệ giữa sự kiện và quan điểm/bình luận
Các sự kiện lịch sử không nên được trình bày một cách độc lập riêng lẻ, trong quá trình dạy học, giáo viên cần cố gắng trình bày các sự kiện khác nhau theo cách tương quan và phối hợp với các sự kiện khác để tạo thành một chuỗi sự kiện. Giáo viên có thể trình bày các sự kiện theo mối quan hệ nhân – quả hoặc vấn đề – giải pháp. Cách trình bày như vậy là dễ hiểu và dễ hiểu đối với học sinh.
- Kết nối quá khứ với hiện tại
Đây là phương pháp cần được áp dụng trong tất cả các cấp học. Học sinh sẽ không cảm thấy môn lịch sử hấp dẫn và thú vị nếu như giáo viên chỉ tập trung vào việc trình bày các sự kiện mà không có liên quan gì đến cuộc sống cũng như trải nghiệm của học sinh. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần lưu ý rằng, việc kết nối phải thực sự “có duyên” và tạo nên những trải nghiệm sâu sắc với người học, khi đó việc kết nối mới thực sự mang lại hiệu quả.
- Tính hệ thống của các sự kiện
Lịch sử là một chuỗi các sự kiện có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chính vì thế, trong quá trình giảng dạy lịch sử, giáo viên cần lưu ý đến tính hệ thống của các sự kiện được trình bày. Nếu chúng ta vô tình hoặc cố ý cắt rời sự kiện khỏi bối cảnh của nó hoặc sử dụng sự kiện một cách không trọn vẹn sẽ làm cho nhận thức lịch sử của học sinh gặp khó khăn. Học sinh sẽ không có đủ bằng chứng, tư liệu và các công cụ cần thiết để nhận thức về sự kiện cũng như không thể đưa ra quan điểm cá nhân, những cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau về sự kiện đó.
- Đồ dùng trực quan
Giáo viên nên sử dụng đa dạng các đồ dùng và tài liệu giảng dạy. Đó có thể là tranh ảnh, biểu đồ, bản đồ, … Chúng làm cho việc giảng dạy lịch sử trở nên hiệu quả và thú vị. Đi kèm với đồ dùng trực quan là hệ thống câu hỏi, hướng dẫn, gợi mở thông qua hệ thống phiếu học tập và tài liệu đọc thêm. Những công cụ này sẽ giúp quá trình giảng dạy của giáo viên trở nên hiệu quả hơn.
- Làm chủ nội dung giảng dạy
Giáo viên nên có kiến thức đẩy đủ về chủ đề đang giảng dạy. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất phức tạp. Phức tạp ở chỗ, thế nào là làm chủ nội dung giảng dạy? Nhiều giáo viên cho rằng họ thuộc lòng kiến thức trong sách giáo khoa, có thể nói rất nhiều thông tin về sự kiện – nhưng tiếc rằng, đó vẫn chưa hoàn toàn là làm chủ nội dung giảng dạy. Giáo viên phải đưa ra được những cách nhìn nhận đa chiều về sự kiện, phải có những kênh tham khảo cho học sinh, có khả năng biến những kiến thức có sẵn thành các hoạt động học tập thú vị… Chỉ khi đó, giáo viên mới được coi là làm chủ nội dung giảng dạy và mới có thể tạo ra những hoạt động dạy học thú vị và hấp dẫn.
- Hạn chế bớt cảm xúc và quan điểm cá nhân khi trình bày sự kiện
Một cách khá phổ biến, sách giáo khoa và giáo viên khi trình bày sự kiện, họ có xu hướng “chua” thêm cảm xúc và quan điểm cá nhân. Ví dụ, vô cùng độc ác, cực kỳ dã man, cuộc sống lầm than, khổ cực, vô cùng tài tình sáng suốt,… Cách giảng dạy lịch sử này sẽ làm cho học sinh tiếp cận sự kiện một chiều theo cách của giáo viên, đồng thời làm giảm tính khách quan và khoa học vốn có của bộ môn.
- Các nguồn tư liệu
Từ xưa đến nay, việc dạy học vẫn phụ thuộc vào một nguồn tư liệu chính và duy nhất là sách giáo khoa. Nhưng, những giáo viên hiệu quả đều thừa nhận một điều rằng, việc sử dụng các tư liệu trong sách giáo khoa là chưa đủ. Không còn cách nào khác, giáo viên cần cập nhật, bổ sung các nguồn tư liệu mới, biến chúng thành các tài liệu học tập hỗ trợ cho học sinh. Nếu thiếu các tư liệu này, việc học sẽ quay lại với việc truyền đạt/nói lại những điều có sẵn trong sách giáo khoa.
- Câu hỏi và trả lời
Trong các phương pháp dạy học hiện nay, phương pháp vấn đáp vẫn rất hay và thú vị. Vấn đề là giáo viên cần cố gắng áp dụng phương pháp này để làm cho việc giảng dạy trở nên thú vị. Nếu các câu hỏi được đưa ra cho học sinh mà đáp lại là những câu trả lời giống hệt nhau hoặc sự im lặng, đó sẽ là một câu hỏi không tốt. Nếu các câu hỏi đưa ra mà học sinh thể hiện được các ý kiến và quan điểm khác biệt, biết cách đưa ra bằng chứng để bảo vệ cho quan điểm của mình thì đó sẽ là những câu hỏi hiệu quả.
- Phương pháp thuyết trình
Trong quá trình dạy học, phương pháp thuyết trình vẫn được coi là một công cụ hữu ích. Hãy làm cho phương pháp này trở nên hiệu quả hơn nữa nếu bạn muốn có một tiết học lịch sử hiệu quả. Các nghiên cứu đều cho thấy phương pháp thuyết trình vẫn mang lại hiệu quả đáng kể đối với quá trình nhận thức của học sinh trong môn lịch sử. Tuy nhiên, hãy nhớ, đừng nói quá nhiều và đừng nói quá dài.
Giáo viên Lịch sử
_____________________________________________________________________________________________
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.