Hoạt động này được thiết kế nhằm hướng dẫn học sinh cách phân tích các tư liệu hình ảnh trong quá trình học tập lịch sử. Bằng cách giúp học sinh suy nghĩ chậm lại và quan sát đơn giản trước khi đưa ra kết luận và đặt câu hỏi, giáo viên có thể giúp học tham gia sâu hơn và phân tích kỹ hơn các hình ảnh trực quan. (để có thể hiểu sâu hơn, có thể tham khảo bài viết: Năng lực phân tích tư liệu: Diễn giải tư liệu hình ảnh)
Các bước thực hiện
- Chọn một hình ảnh
Chọn một bức ảnh, tác phẩm nghệ thuật, tranh vẽ, tranh biếm họa, áp phích, tranh tuyên truyền, cổ động, hoặc các phương tiện trực quan khác để học sinh phân tích. Hoạt động này sẽ hiệu quả hơn khi hình ảnh có đi kèm với các thông tin về thời gian và địa điểm cụ thể trong lịch sử hoặc các ghi chép về một quan điểm cụ thể.
- Dẫn dắt học sinh thông qua phân tích
Giáo viên photo và phát cho học sinh các hình ảnh, sau đó đặt ba câu hỏi sau theo thứ tự. Giáo viên để một khoảng thời gian tạm dừng sau mỗi câu hỏi để học sinh suy ngẫm.
- Bạn quan sát thấy những gì? Những chi tiết nào nổi bật nhất? (Ở giai đoạn này, hãy gợi ý quan sát, không phải diễn giải.)
- Bạn nghĩ điều gì đang xảy ra? Điều gì khiến bạn lại nghĩ như vậy?
- Điều này khiến bạn đặt ra những câu hỏi nào?
Sau khi đặt ra mỗi câu hỏi, bạn có thể yêu cầu học sinh trả lời nhanh vào vở ghi hoặc trong nhật ký học tập của chúng.
- Chia sẻ, suy ngẫm
Giáo viên cũng có thể sử dụng chiến lược Think – pair – share (Suy nghĩ, Ghép cặp, Chia sẻ) để tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận ngắn theo cặp và cả lớp.
Kết thúc hoạt động, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh suy ngẫm về quá trình thực hiện hoạt động bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
- Khi quan sát, bạn thường chú ý đến những yếu tố nào trong bức ảnh?
- Theo bạn, thời gian ra đời và tác giả có ảnh hưởng gì đến những chi tiết được thể hiện trong bức ảnh?
- Bạn dựa vào đâu để có thể đặt ra các câu hỏi?
- Theo bạn, điều gì là khó nhất trong quá trình thực hiện hoạt động này?
- Bạn có thể áp dụng hoạt động này trong các môn học nào khác?
Download mẫu phiếu cho hoạt động:
Để có thêm các ý tưởng trong quá trình dạy học Lịch sử, các thầy cô có thể tham khảo bộ tài liệu 101 ý tưởng sáng tạo tổ chức hoạt động dạy học Lịch sử.
Nguyễn Hữu Long
Bài viết này thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.