Hợt hợt, qua loa, đại khái, loáng thoáng…

Chúng ta, ai cũng thích vui vẻ, thoải mái. Không ai bắt chúng ta phải đào sâu tận gốc rễ của vấn đề, không ai buộc chúng ta phải suy nghĩ trăn trở về một câu, một từ, cũng không ai trả lương để chúng ta có thể cả ngày bới lục đống sách vở và tư liệu. Nhưng công việc này là như thế - nếu chúng ta đã chọn nó.

“Hời hợt, qua loa, đại khái, loáng thoáng”…

Nếu ai đã từng học khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội chắc hẳn sẽ vẫn còn nhớ ai là tác giả của câu nói đó.

Ngày đó, khi chúng tôi là sinh viên, mỗi lần nghe câu nói đó, đều cảm thấy “hồn vía lên mây” vì sợ. Nhưng một phần cũng vì khó hiểu. Với khả năng nhận thức tại thời điểm đó, tại sao nói gì Cô cũng bảo là chỉ được có 15% (mà rõ ràng là nói đúng theo sách, thậm chí còn nhiều hơn sách). Hễ phát biểu là bị ăn đòn ngay, bị mắng là con vẹt. Nhiều lúc cảm thấy bực mình vì thầy gì mà khó tính, chẳng thấy động viên học trò toàn có cái này cũng chưa được, cái kia không đạt yêu cầu.

Hơn 10 năm, sau khi ra trường, tôi vẫn suy nghĩ về câu “hời hợt, qua loa, đại khái, loáng thoáng” và thấy mình đúng là như vậy thật. Thấy mình đúng là đơn giản, dễ dãi, hời hợt.

Mình dễ dãi với bản thân khi chấp nhận những điều có sẵn và viết sẵn trong sách giáo khoa, giáo trình (mà cô gọi là thói quen ăn sẵn). Mình hài lòng với những cách giải thích, diễn giải lịch sử đơn điệu, ngô nghê. Mình tâm đắc với một vài câu chuyện lịch sử giật gân, một vài hiểu biết con con mà đã nghe ở đâu đó và nói lại cho học sinh. Mình chấp nhận những cách giải thích về địa danh “Ba Đình” hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” có trên google chỉ cần vài cú nhấp chuột là ra.

Nhiều người sẽ bảo Cô là, cứ đơn giản cho đời nó thanh thản, làm gì mà u cứ phải hoắng lên, có gì đâu mà phải khó tính… vân vân và mây mây. Những lúc nghe thấy câu nói đó, cô đều bảo là “phải biết 1000 để dạy có 1 chứ biết có tí ti mà dạy thì làm hại con nhà người ta”.

Nghĩ lại về những điều đó, quả thực nó rất đúng. Khi mà, trong quá trình làm việc, mình thấy có nhiều người dạy học đến mấy chục năm, nói ra rả về hiệp ước Hác-măng và Pa-tơ-nốt nhưng mà chưa từng đọc về nó mặc dù nó dài có 2 trang giấy (mà sách giáo trình cũng không có luôn). Có người nói rằng Ba Đình của Hà Nội là từ địa danh cuộc khởi nghĩa Ba Đình của Thanh Hóa và cứ thế hồn nhiên dạy cho học sinh… Hay có người giảng bài như thánh, ra đề thi trắc nghiệm thành thần nhưng khi hỏi lại một câu trong sách giáo khoa thì không biết tại sao lại như vậy.

Chúng ta, ai cũng thích vui vẻ, thoải mái. Không ai bắt chúng ta phải đào sâu tận gốc rễ của vấn đề, không ai buộc chúng ta phải suy nghĩ trăn trở về một câu, một từ, cũng không ai trả lương để chúng ta có thể cả ngày bới lục đống sách vở và tư liệu. Nhưng công việc này là như thế – nếu chúng ta đã chọn nó. Hãy cố gắng yêu và sống với nó. Nếu không, chí ít cũng đừng “hời hợt, qua loa, đại khái, loáng thoáng”.

Giáo viên Lịch sử


(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)

Qua loa đại khái
Comments (0)
Add Comment