Khi học sinh trung học suy nghĩ như nhà sử học

Học sinh có thể tìm hiểu về những định kiến kiến ngầm, những yếu tố chủ quan, quan điểm cá nhân bằng cách nghiên các giả định văn hóa nằm trong sách giáo khoa lịch sử.

Làm thế nào để học sinh có thể tư duy như một nhà sử học? Đó là một vấn đề khó, nhất là đối với học sinh ở bậc trung học, khi các em được tiếp cận với các nguồn tư liệu hạn chế, lại chịu những áp lực của việc thi cử và các bài kiểm tra đánh giá?

Tuy nhiên, điều đó không phải là vấn đề quá khó khăn, khi học sinh hoàn toàn có thể tìm hiểu về những định kiến kiến ngầm, những yếu tố chủ quan, quan điểm cá nhân bằng cách nghiên các giả định văn hóa nằm trong sách giáo khoa lịch sử. Các giả định văn hóa về giới tính và chủng tộc ảnh hưởng đến việc xây dựng các câu chuyện lịch sử, từ đó ảnh hưởng đến việc lựa chọn các nguồn tài liệu giảng dạy cũng như việc xây dựng chương trình giảng dạy ở trường. Ví dụ, phụ nữ, các nhóm dân tộc thiểu số, LGBT thường bị loại ra khỏi các câu chuyện lịch sử hoặc được trình bày như những nhân chứng bị thiệt thòi và thụ động trong lịch sử.

Bên cạnh đó, giáo viên hoàn toàn có thể giúp học sinh nhận ra những góc nhìn đa chiều từ chính những sự kiện mà các em đã học hàng ngày. Lấy ví dụ, khi học về sự kiện thái hậu Dương Vân Nga, lấy áo long bào khoác cho Lê Hoàn. Ngoài góc nhìn về lòng yêu nước của bà và trách nhiệm trước vận mệnh đất nước. Hãy thử cho học sinh nhìn sự kiện ở góc nhìn khác nhau. Đó có thể là góc nhìn của thái tử Đinh Toàn và các triều thần, những người trung thành với nhà Đinh. Đó có thể là góc nhìn của những người chống lại Lê Hoàn. Đó có thể là góc nhìn của người dân bình thường. Đó cũng có thể là những giả định về lý do khác có thể có trong mối quan hệ giữa Lê Hoàn và thái hậu Dương Vân Nga…

HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÁT HIỆN RA ĐỊNH KIẾN

Học sinh của tôi rất hứng thú khi tham gia vào các cuộc thảo luận để tìm cách hiểu cách mà các định kiến đã được tạo ra và cách mà xã hội duy trì, bảo lưu các định kiến. Để làm được điều này, tôi đã chia học sinh thành các nhóm, thống kê các nhân vật được đề cập trong sách giáo khoa ở một giai đoạn lịch sử cụ thể, thống kê số hình ảnh nhân vật nữ xuất hiện trong sách. Một cách dễ dàng, học sinh nhận thấy rằng, phụ nữ rất ít được coi là chủ thể của lịch sử.

Hoặc học sinh bắt đầu tìm hiểu về cách mô tả nguồn gốc xuất thân của các vị hoàng đế trong lịch sử. Hầu hết học sinh đều nhận ra một mô-típ phổ biến, hoàng đế là do thần linh sinh ra, là con trời, hoặc gắn liền với những sự tích kỳ bí. Tiếp theo, tôi thường đặt ra câu hỏi, tại sao những điều đó lại tồn tại rất lâu trong lịch sử? Tại sao người ta lại tin vào nó và ghi chép nó trong các cuốn sách? Động cơ, mục đích của nhà sử học ở đây là gì?

HƯỚNG DẪN HỌC SINH SUY NGHĨ NHƯ MỘT NHÀ SỬ HỌC

Giáo viên có thể mang đến cho học sinh nghiệm toàn diện hơn bằng cách giúp học sinh đọc và suy nghĩ như các nhà sử học, đồng thời phát triển năng lực xác định các giả định về giới tính, chủng tộc hoặc khuynh hướng chính trị trong các câu chuyện lịch sử.

Để làm được điều đó, giáo viên cần lựa chọn một cách có chủ ý các tài liệu, cung cấp nhiều cách hiểu và quan điểm khác nhau và cho phép học sinh chọn các chủ đề và nội dung để nghiên cứu và khám phá thêm. Điều này đặc biệt hữu ích khi học sinh được thử thách trong quá trình xem xét quan điểm, ghóc nhìn, đào sâu nghiên cứu thay vì chỉ quan tâm đến các yếu tố bề nổi.

Giáo viên cũng nên trao quyền cho học sinh nhiều hơn trong việc lựa chọn các chủ đề học tập, những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của các em hoặc các khía cạnh mà sách giáo khoa không đề cập đến. Ví dụ, về cuộc sống thường ngày của một người dân bình thường thời Lý, Trần hay hoạt động giải trí của trẻ con thời Lê. Học sinh cũng có thể đặt ra các câu hỏi về những vấn đề mà Lịch sử bỏ qua, ví dụ như những cộng đồng dân tộc thiểu số, những nhóm yếu thế trong xã hội,…

Có thể nói, để học sinh tư duy như một nhà sử học là điều khó, nhưng hoàn toàn có thể làm được. Trong đó, vai trò của người giáo viên ở đây thực sự quan trọng. Chúng ta phải lấy tư duy sử học làm con đường và đích đến của quá trình dạy học lịch sử.

Giáo viên Lịch sử

_______________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Dạy học Lịch sửNhận thức Lịch sửTư duy lịch sưTư duy sử học
Comments (0)
Add Comment