Việc học tập lịch sử không phải chỉ là ghi nhớ ngày tháng và các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Chính cách dạy đó đã làm cho lịch sử trở nên nhàm chán, khô khan và không có nhiều ý nghĩa với học sinh. Để thay đổi vấn đề này, không còn cách nào khác, chúng ta phải chuyển từ dạy kiến thức về sự kiện sang dạy các năng lực tư duy lịch sử, phải để học sinh được làm việc như một nhà sử học. Bằng cách này, lịch sử sẽ trở nên sống động và có ý nghĩa đối với cuộc sống của học sinh.
Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ về tư duy lịch sử là gì? và làm như thế nào để dạy học sinh về tư duy lịch sử? Làm thế nào để học sinh có thể tư duy như một nhà sử học? Làm thế nào để giúp học sinh biết cách phân loại và kiểm chứng các nguồn tư liệu, có tư duy phản biện?,…
Tư duy lịch sử là gì?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm tư duy lịch sử. Tuy nhiên, các định nghĩa đó đều bao hàm một số điểm chung cốt lõi. “Về cơ bản, tư duy lịch sử bao gồm các công việc đọc, phân tích và viết để có thể kể những câu chuyện lịch sử – nó không chỉ những gì chúng ta biết về quá khứ, mà còn là cách chúng ta biết về nó”.
Tư duy lịch sử là một “công cụ giúp học sinh xây dựng và phát triển các lập luận dựa trên các tư liệu gốc. Nó cũng giúp học sinh hiểu và phê phán các diễn giải lịch sử liên quan đến các tư liệu thứ cấp.”
Lindsey Gibson thuộc Hiệp hội Lịch sử Canada đưa ra một định nghĩa ngắn gọn khác về tư duy lịch sử: “Nó là một quá trình nhận thức, bằng việc phân tích và giải thích bằng chứng lịch sử để xây dựng và tái tạo lại các câu chuyện lịch sử.”
5 năng lực cốt lõi của tư duy lịch sử
Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ đã chia tư duy lịch sử thành năm năng lực cốt lõi, đó là:
- Sự tiếp nối và thay đổi
Trong năng lực này, học sinh sẽ nhận ra được sự thay đổi của cuộc sống hiện tại so với quá khứ, từ cái cây, căn nhà, khu phố, công cụ lao động… cho đến mô hình, thể chế, chế độ xã hội,… Đồng thời, học sinh cũng nhìn thấy sự tiếp nối của quá khứ trong các yếu tố của cuộc sống hiện tại.
- Bối cảnh của sự kiện
Các nhà sử học phải hiểu bối cảnh của một sự kiện, nhân vật xuất hiện trong quá khứ. Mọi thứ không tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi. Chính bối cảnh lịch sử là yếu tố tạo điều kiện cho sự xuất hiện của sự kiện, đồng thời tác động đến những đặc điểm của sự kiện đó. Học sinh sẽ phải tìm hiểu các nguồn tư liệu (đặc biệt là tư liệu gốc) để xác định bối cảnh của sự kiện.
- Quan hệ nguyên nhân – hệ quả
Một sự kiện xảy ra, nó là hệ quả của những sự kiện trước đó, đồng thời là nguyên nhân cho các sự kiện sau đó. Điều cốt lõi khi học sinh tư duy như một nhà sử học là, bằng việc khai thác các tư liệu, học sinh sẽ nhận ra mối quan hệ nhân quả của các sự kiện lịch sử.
- Biến cố lịch sử
Các sự kiện luôn vận động và biến đổi không ngừng. Biến cố lịch sử, là một sự kiện đặc biệt, nó là hệ quả của một chuỗi các sự kiện trước đó và có tác động làm thay đổi các sự kiện sau đó theo một hướng khác. Hãy tưởng tượng nếu Lincoln không bao giờ đến nhà hát vào đêm ông bị ám sát, hoặc nếu Hitler thi đỗ vào trường nghệ thuật Áo.
- Sự phức tạp
Thế giới của chúng ta là một sự phức tạp với muôn vàn các sự kiện xảy ra. Điều này có nghĩa là khi mô tả một sự kiện lịch sử, chúng ta cần chú ý đến sự chi tiết cụ thể của sự kiện, đồng thời phải thấy được mối quan hệ đan xen của sự kiện với các sự kiện khác. Mọi cách đơn giản hóa sự kiện, sẽ không thể giúp chúng ta khôi phục và giải thích các sự kiện một cách thấu đáo.
Làm thế nào để dạy tư duy lịch sử cho học sinh?
Việc nắm được khái niệm và các năng lực tư duy lịch sử đã là điều khó. Việc dạy các năng lực tư duy lịch sử cho học sinh lại là điều khó hơn. Các thầy cô có thể tham khảo bộ tài liệu “101 ý tưởng sáng tạo tổ chức hoạt động dạy học lịch sử” để có những hướng dẫn chi tiết và cụ thể cho việc hình thành từng năng lực trong tư duy lịch sử.
Trong bài viết này, chúng tôi cũng sẽ đưa ra một số gợi ý để các thầy cô có thể tham khảo:
- Phân tích tư liệu
Hãy lấy một nội dung bất kỳ trong sách giáo khoa, sau đó hãy hỏi, làm bằng chứng nào chứng tỏ điều được viết trong sách là đúng? Hãy trích lại đoạn tư liệu đó (tốt nhất là tư liệu gốc) và sau đó, in thành phiếu học tập, hướng dẫn học sinh cách khai thác các thông tin từ đoạn tư liệu. Đối với học sinh lớp lớn, hãy dạy học sinh cách phê phán tư liệu, về động cơ, mục đích của tư liệu, về độ tin cậy, tính chính xác của tư liệu,…
- Bối cảnh hóa
Sau khi khai thác các thông tin từ tư liệu, hãy cho học sinh đặt sự kiện vào bối cảnh mà nó đã xảy ra, để học sinh có thể hình dung, tưởng tượng được về những gì đã diễn ra trong quá khứ. Có rất nhiều cách khác nhau để bối cảnh hóa sự kiện, diễn kịch, hóa trang, xem video, mời diễn giả,…
- So sánh
Để giúp học sinh có thể hình thành được tư duy lịch sử, một trong những thao tác rất quan trọng là so sánh các tư liệu, tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt của tư liệu. Từ đó chỉ ra những mâu thuẫn giữa các tư liệu với nhau để rút ra kết luận về tính chính xác và độ tin cậy của các tư liệu.
- Dạy học sinh các kĩ năng đọc hiểu
Đọc hiểu là một trong những kĩ năng cơ bản và quan trọng mà học sinh cần có để có thể hiểu được nội dung của một tư liệu. Không chỉ vậy, học sinh cần được dạy các kĩ năng đọc sâu, để hiểu được về động cơ, mục đích, cách lựa chọn ngôn ngữ, cách diễn đạt, đặc điểm của thể loại tư liệu,…
Tư duy lịch sử có ý nghĩa gì đối với học sinh?
Thời đại ngày nay, học sinh bị tràn ngập và chìm đắm trong các nguồn thông tin. Tư duy lịch sử giúp học sinh nhận ra được đâu là thông tin chính xác, đâu là tin giả, học sinh sẽ biết được động cơ, mục đích của các nguồn thông tin mà chúng nhận được trong cuộc sống hàng ngày và biết cách khai thác các thông tin theo cách phù hợp nhất cho cuộc sống của bản thân.
Tư duy lịch sử cũng dạy cho học sinh nghệ thuật kể chuyện, dạy chúng biết nhìn ra mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, sự tiếp nối và thay đổi giữa những gì đang diễn ra và những gì đã xảy ra,…
Tư duy lịch sử, sẽ biến việc học lịch sử, từ việc tiếp nhận thụ động, một chiều sang chủ động, phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức. Nó sẽ dẫn học sinh đến với niềm đam mê tri thức và tình yêu thực sự đối với việc học tập.
Mike Maxwell đã từng viết: “tư duy lịch sử sẽ khuyến khích học sinh phân biệt giữa sự kiện và quan điểm; xem hoàn cảnh trong một bối cảnh rộng lớn hơn; tìm kiếm bằng chứng xác thực và chứng minh cho quan điểm; xem xét các giả định, các giải thích thay thế và các hệ quả của sự kiện. ”
Việc dạy học sinh kỹ năng tư duy lịch sử sẽ giúp cải thiện trải nghiệm học tập của chúng. Thay vì ghi nhớ những sự kiện trong quá khứ, học sinh có thể sử dụng lịch sử làm bệ phóng để học các kỹ năng tư duy phản biện cần thiết, từ đó biết cách học cách học.
Giáo viên Lịch sử
(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)