Việc xác định mục tiêu bài học đã trở thành công việc thường xuyên trong khi soạn giáo án. Thông thường tôi sẽ lấy lại mục tiêu bài học của cuốn sách “chuẩn kiến thức kỹ năng” môn Lịch sử để đưa vào giáo án của mình. Và như thế là mục tiêu bài học của bài 3. Các quốc gia cổ đại phương Đông của tôi dạy năm nào cũng giống nhau và giống cả với các đồng nghiệp của tôi trên cả nước nếu họ cùng sử dụng quyển “chuẩn kiến thức” giống tôi. Tôi nhận ra rằng cách viết mục tiêu bài học như vậy sẽ không kết nối được với các hoạt động dạy, học trong giáo án. Tôi đã từng băn khoăn tự hỏi làm thế nào để có thể kết nối được mục tiêu bài học với các hoạt động dạy, học.
Những hiểu lầm trong việc xác định mục tiêu kiến thức
Thông thường chúng ta viết mục tiêu kiến thức của bài học theo mô típ sau: Học sinh “biết” “nắm” được, hoặc ghi luôn nội dung kiến thức ở mức độ nhận biết ví dụ Học sinh biết: hoàn cảnh, diễn biến, kết quả của Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950. Học sinh hiểu thường chỉ xoay quanh động từ “giải thích, lý giải”. Học sinh vận dụng: “so sánh, đánh giá, nhận xét, rút ra bài học…” Mục tiêu bài học luôn được diễn đạt chung chung, không có động từ mô tả rõ ràng.
Thực tế khi viết mục tiêu bài học cần sử dụng những động từ cụ thể và rõ ràng, có thể tham khảo thang Bloom:
Học sinh biết: trình bày, nêu, liệt kê, mô tả, định vị, viết, tìm ra, kể tên, nói, kể lại…
Học sinh hiểu: giải thích, tóm tắt, phân loại, sơ lược, khái quát, bàn luận, phân biệt, dự đoán,…
Học sinh vận dụng: áp dụng, thực hiện, xây dựng, giải quyết, chứng minh, thiết lập, biểu diễn…
Cách viết và sử dụng mục tiêu bài học kết nối với hoạt động dạy học
Dưới đây là một số chia sẻ mà các thầy cô có thể tham khảo để xây dựng mục tiêu bài học kết nối chặt chẽ với hoạt động dạy học.
Một là, xác định mục tiêu bài học
Để làm được điều này thì giáo viên cần đặt mình vào vị trí của học sinh và đặt những câu hỏi xung quanh các quốc gia cổ đại phương Đông, ví dụ như vì sao các quốc gia này ra đời, thời gian ra đời, thể chế chính trị, nền kinh tế chính của họ là gì, chế độ xã hội, những thành tựu văn hoá họ đạt được… Từ đó nhóm lại thành những nhóm kiến thức chính mà mình muốn dạy học sinh trong khuôn khổ 1 tiết học (để giáo viên định lượng kiến thức, nếu kiến thức quá nhiều có thể giao nhiệm vụ học sinh tìm hiểu ở nhà một phần nào đó). Ví dụ, trong bài 3, tiết 1, Lịch sử lớp 10, tôi xác định các nội dung kiến thức học sinh cần nhận thức như sau. Cơ sở hình thành các quốc gia cổ đại phương Đông, chế độ chuyên chế cổ đại, xã hội cổ đại phương Đông, mục tiêu bài học của tôi sẽ là:
+ Trình bày 3 cơ sở đưa tới sự hình thành các quốc gia cổ đại phương Đông (kiến thức mục 1,2 SGK)
+ Vẽ sơ đồ bộ máy nhà nước phương Đông cổ đại và gọi tên bộ máy nhà nước đó (kiến thức mục 4 SGK)
+ Kể tên được 3 tầng lớp trong xã hội phương Đông cổ đại và chỉ ra mối quan hệ giữa họ (kiến thức mục 3 SGK)
Hai là, thiết kế hoạt động dạy học tương ứng với mục tiêu bài học đã đặt ra
Mục tiêu bài học chính là nội dung, là định hướng để giáo viên thiết kế các hoạt động dạy học để học sinh đạt được mục tiêu đó. Ví dụ, sau khi có 3 mục tiêu như trên của bài 3, tiết 1. Các quốc gia cổ đại phương Đông, tôi sẽ thiết kế thành hoạt động dạy học như sau.
Mục tiêu bài học | Hoạt động dạy học |
Trình bày 3 cơ sở đưa tới sự hình thành các quốc gia cổ đại phương Đông
|
Hoạt động 1 (làm việc cá nhân)
– GV yêu cầu HS làm việc cá nhân với SGK mục 1,2 tìm hiểu và chỉ ra 3 cơ sở hình thành các quốc gia cổ đại phương Đông. – Thảo luận: Lí giải tại sao các quốc gia xuất hiện sớm nhất trên thế giới lại ở phương Đông. |
Vẽ sơ đồ bộ máy nhà nước phương Đông cổ đại và gọi tên bộ máy nhà nước đó (kiến thức mục 4 SGK)
Kể tên được 3 tầng lớp trong xã hội phương Đông cổ đại và chỉ ra mối quan hệ giữa họ (kiến thức mục 3 SGK)
|
Hoạt động 2 (làm việc nhóm)
GV chia lớp thành 4 nhóm và giao nhiệm vụ: + Hoàn thiện sơ đồ bộ máy nhà nước cổ đại phương Đông? Gọi tên bộ máy nhà nước phương Đông cổ đại? + Hoàn thiện sơ đồ tổ chức xã hội các nước phương Đông cổ đại (chỉ rõ đặc điểm 3 tầng lớp trong XH cổ đại phương Đông)? Trên cơ sở tìm hiểu mối quan hệ giữa nông dân công xã và quý tộc; giữa quý tộc và nô lệ, hãy rút ra mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội cổ đại phương Đông là gì? – Hướng dẫn: Các nhóm HS vẽ 2 sơ đồ ra giấy A1. – Trao đổi (cả lớp) + Lý giải tại sao vua chuyên chế phương Đông lại có uy quyền tuyệt đối như vậy? + Có cách nào để giải quyết mâu thuẫn giữa tầng lớp quý tộc với nông dân công xã và nô lệ? (đứng ở phía quý tộc? đứng ở phía nông dân công xã và nô lệ? đứng ở góc nhìn hiện đại?) |
Ba là, kiểm tra mức độ nhận thức của học sinh thông qua mục tiêu bài học
Sau khi tổ chức các hoạt động dạy học, giáo viên dùng chính mục tiêu bài học đã đặt ra ở đầu giờ học để kiểm tra mức độ nhận thức của học sinh. Thông qua việc làm đó, giáo viên sẽ có kết quả phản hồi về mức độ nhận thức của học sinh, từ đó đưa ra các điều chỉnh cho quá trình dạy học của mình.
Có thể nói, việc viết được các mục tiêu bài học rõ ràng, có thể đo lường và lượng hóa là cơ sở để chúng ta có thể xây dựng các hoạt động dạy học hiệu quả. Cùng với đó, việc viết các mục tiêu bài học một cách rõ ràng, cụ thể, có liên kết và minh chứng với các hoạt động dạy học sẽ làm cho quá trình dạy học trở nên rõ ràng và minh bạch hơn. Nó thúc đẩy quá trình tự chủ – trao quyền cho người học. Đó cũng chính là một đặc điểm quan trọng của Dạy học phát triển năng lực.
Giáo viên Lịch sử
_________________________________________________________________________________________
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.