MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHI DẠY VỀ THỜI KỲ BẮC THUỘC – LỊCH SỬ LỚP 6

Có thể nói dạy về thời Bắc thuộc cực kỳ khó. Khó để giúp học sinh tái hiện được quá khứ khi nó đã lùi xa hàng ngàn năm. Khó để học sinh vừa yêu nước mà lại vừa khách quan. Khó để giáo viên có thể vừa dạy sinh động hấp dẫn mà vẫn trung thực dựa trên tự liệu. Khó tại vì chúng ta bị chi phối quá nhiều bởi “định kiến” có sẵn.

Khi dạy về thời kỳ Bắc thuộc, nếu thực sự đào sâu suy nghĩ và tìm hiểu kỹ, giáo viên sẽ nhận thấy có rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Lý do là giai đoạn này rất ít tư liệu, ngay kể cả sách giáo trình ở bậc đại học cũng viết về giai đoạn này hết sức chung chung và cảm tính.

Một số những sai lầm mà giáo viên thường gặp phải khi dạy về giai đoạn này.

  1. Nhầm lẫn giữa các triều đại phong kiến phương Bắc với Trung Quốc. Trong bài Trung Quốc cổ đại đến thế kỉ VII, chúng ta đã làm rõ sự khác biệt giữa Trung Quốc cổ đại và Trung Quốc ngày nay. Lãnh thổ Trung Quốc cổ đại nhỏ hơn lãnh thổ của Trung Quốc ngày nay rất nhiều. Nó bao gồm rất nhiều triều đại từ Tấn – Hán – Tùy – Đường… Điều đó có nghĩa là, khi chúng ta dạy về ách đô hộ của phong kiến Phương Bắc, chúng ta nên nói rõ là dưới sự đô hộ của triều đại nào? Chính sách đô hộ của triều đại đó có gì đặc biệt? Chính sách đó được áp dụng chung trên toàn lãnh thổ hay chỉ cho riêng Việt Nam?
  2. Coi lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm đó (Bắc thuộc) là một dải thống nhất từ Bắc – Nam. Trên thực tế, lãnh thổ của Việt Nam thời điểm đó mới đến dãy Hoành Sơn, với các quận Cửu Chân và Nhật Nam. Trong quá trình dạy, giáo viên nên thường xuyên cho học sinh quan sát và khai thác lược đồ để tạo biểu tượng về lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm đó. (xem mẫu bên dưới)
  3. Kịch bản “cai trị tàn ác – cuộc sống khổ cực”. Đây là một kịch bản viết sử tồn tại khá dài, chúng ta có xu hướng mặc định rằng, khi là thuộc địa thì hẳn ách cai trị phải vô cùng tàn bạo. Hẳn là các triều đại phương Bắc phải dày công suy nghĩ, bày mưu tính kế để “đày đọa” người Việt. Điều này cũng có thể đúng, nhưng trong nhiều trường hợp là không chính xác. Cuộc sống của người Việt không phải lúc nào cũng “lầm than, khổ cực”.
  4. Nhầm lẫn về những chính sách “thuộc địa” riêng mà phương Bắc dành cho Việt Nam. Các triều đại phương Bắc cai trị những vùng đất khá rộng lớn, trong nhiều trường hợp, họ cũng không thể can thiệp được tình hình ở những vùng xa xôi, biên viễn. Chính vì thế, nhà Đường mới có chức “tiết độ sứ”. Điều này có nghĩa là chúng ta nên nhìn nhận Việt Nam ở một vị trí “quan trọng vừa phải” trong mối quan tâm của các triều đại phong kiến phương Bắc. Chúng ta nên tránh coi mình là “cái rốn của vũ trụ”, tránh coi mình là “nạn nhân bị ức hiếp”. Sự thay đổi này sẽ khiến học sinh của chúng ta độc lập hơn, tự chủ hơn khi nhìn nhận về lịch sử dân tộc.
  5. Dùng cảm tính để bù lấp sự trống vắng, thiếu hụt về tư liệu. Không còn nghi ngờ gì nữa, thời kỳ Bắc thuộc còn quá nhiều khoảng trống về tư liệu để chúng ta có thể “phục dựng” lại lịch sử. Chúng ta không biết rõ người Việt lúc đó ăn gì, ngủ ra sao, vui chơi giải trí như thế nào? Chúng ta không rõ về ngôn ngữ, tiếng nói, cách giao tiếp, mối quan hệ xã hội, hôn nhân, tang ma? Chúng ta không chắc chắn lắm về các phong tục, tập quán của các vùng miền khác nhau… Và để bù lấp điều đó, chúng ta đã mô tả về 1000 năm như thể trong vài ngày, mô tả toàn bộ các vùng miền như thể một ngôi làng. Hi vọng rằng, trong tương lai, với sự phát triển của sử học và khảo cổ học, chúng ta sẽ dẫn khắc phục được vấn đề này.

Có thể nói dạy về thời Bắc thuộc cực kỳ khó. Khó để giúp học sinh tái hiện được quá khứ khi nó đã lùi xa hàng ngàn năm. Khó để học sinh vừa yêu nước mà lại vừa khách quan. Khó để giáo viên có thể vừa dạy sinh động hấp dẫn mà vẫn trung thực dựa trên tự liệu. Khó tại vì chúng ta bị chi phối quá nhiều bởi “định kiến” có sẵn.

Nhưng tôi vẫn tin, nếu các thầy cô muốn thay đổi, chắc chắn các thầy cô sẽ làm được!

Nguyễn Hữu Long

_______________________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Bắc thuộcLịch sử 6Ý tưởng dạy học
Comments (0)
Add Comment