Trong sách giáo khoa Lịch sử 11, khi trình bày về các tiền đề kinh tế của các cuộc cách mạng tư sản, có một số điểm không rõ ràng mà chúng ta cần lưu ý:
Thứ nhất, sách giáo khoa liệt kê sự phát triển kinh tế ở các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ và coi đó như tiền đề kinh tế của cách mạng. Điều này sẽ khiến học sinh hiểu nhầm rằng, chỉ có tư bản chủ nghĩa mới muốn phát triển kinh tế, còn phong kiến thì không muốn. Hay nói cách khác, ông tư bản thì hì hục làm kinh tế để tạo ra sự phát triển của xã hội. Còn ông phong kiến thì ra sức kìm hãm xã hội trong sự nghèo nàn lạc hậu. Điều này là không chính xác, vì chế độ nào, thể chế nào thì cũng muốn kinh tế xã hội phát triển. Phong kiến cũng vậy, họ cũng có mong muốn phát triển kinh tế lắm chứ, chỉ có điều CÁCH THỨC phát triển kinh tế của Tư bản và phong kiến là khác nhau.
Thứ hai, chính vì không làm rõ được sự khác biệt về CÁCH THỨC phát triển kinh tế của tư bản so với phong kiến nên đã đưa đến hạn chế thứ hai khi kết luận “Sự phát triển kinh tế gặp phải những rào cản của chế độ phong kiến” và “để mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển cần xóa bỏ những rào cản đó”. Tại sao phong kiến lại phải kìm hãm kinh tế tư bản và các hoạt động của giai cấp tư sản khi mà cả hai đều có chung một mục đích? Sự khiên cưỡng trong cách viết và trình bày, sự thiếu vắng tư liệu và những mô tả chi tiết đã khiến cho những kết luận trở nên thiếu logic và khó hiểu với học sinh (và cả giáo viên).
Thứ ba, cách viết của sách giáo khoa còn đưa đến một hiểu lầm khác. Đó là, cứ kinh tế phát triển thì sẽ nổ ra cách mạng. Rõ ràng, điều này không hề chính xác khi mà giai đoạn sau và cho đến hiện nay, khi kinh tế của các quốc gia đều có sự phát triển (hơn rất nhiều so với giai đoạn trước), nhưng tại sao lại không có các cuộc cách mạng tư sản.
Có thể thấy, cách trình bày nội dung của SGK như vậy sẽ khiến học sinh gặp khó khăn trong quá trình nhận thức, không giúp học sinh hiểu được bản chất của vấn đề. Cũng như không giúp học sinh hình thành được kĩ năng phân tích nguyên nhân (xác định tiền đề) của các sự kiện lịch sử, không biết cách sử dụng các nguồn tư liệu khác nhau, để xác định được nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân trực tiếp và mối quan hệ giữa các nguyên nhân.
Điều này dẫn đến hệ quả là, trong quá trình giảng dạy, hoạt động của giáo viên và học sinh sẽ chỉ tập trung vào việc đọc lại, nhắc lại, nói lại, minh họa lại những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa, sau đó ghi tóm tắt vào vở theo kiểu: tình hình kinh tế là…, tình hình chính trị là…, tình hình xã hội là…
Để khắc phục hạn chế này, cần tập trung vào hai yếu tố chính:
1. Đầu tiên, giáo viên cần giúp học sinh hiểu những đặc trưng và cách thức vận hành của kinh tế của chế độ phong kiến và chế độ tư bản. Từ đó học sinh mới chỉ ra được những mâu thuẫn trong CÁCH THỨC phát triển kinh tế của hai chế độ (giai cấp) này.
2. Cần cho học sinh tiếp cận các nguồn tư liệu đa dạng, đặc biệt là tư liệu gốc về các hành động, luật, sắc lệnh,… của chế độ phong kiến và phản ứng của tư sản. Khi đó, học sinh sẽ tự nhận thấy được vì sao sự phát triển kinh tế lại là tiền đề của một cuộc cách mạng.
Có thể nói, cách trình bày lịch sử theo cách khái quát (như trong SGK lớp 11) có những mặt tích cực nhất định. Nó làm cho học sinh tư duy theo chiều dọc, dựa trên việc phân tích theo chiều sâu. Tuy nhiên, những mặt tích cực đó chỉ có giá trị khi học sinh đã có được kiến thức nền tảng về các cuộc cách mạng tư sản. Bằng không, việc dạy và học sẽ vẫn chỉ là sự minh họa, nói lại những gì được viết trong sách.
Nguyễn Hữu Long
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.