MỘT VÀI ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI DẠY VỀ LÃNH ĐỊA PHONG KIẾN TÂY ÂU

Hẳn đến đây, nhiều thầy cô sẽ cho rằng dạy học sinh phổ thông thì có cần sâu thế làm gì hay không? Có nhất thiết phải nhiều như vậy không? Câu trả lời là có đấy ạ. Không còn cách nào khác, giáo viên phải biết, phải hiểu và hiểu sâu sắc về những vấn đề này. Nếu không chúng ta sẽ trở thành những cái máy, đọc lại, nói lại những nội dung trong sách giáo khoa mà không hề có sự phê phán. Và quan trọng hơn, nó giúp học sinh của chúng ta hiểu một cách sâu sắc chứ không hề qua loa và hời hợt.
1. Về khái niệm “lãnh địa”
Khi nói đến lãnh địa, thường mọi người sẽ mặc nhiên thừa nhận khái niệm này và giải thích rằng “lãnh” tức là biệt lập, “địa” tức là đất, nghĩa là một vùng đất biệt lập.
Tôi không biết chính xác rằng, khái niệm này ra đời từ đâu và từ bao giờ. Tuy nhiên, có mấy vấn đề liên quan đến thuật ngữ “lãnh địa”.
Thứ nhất, nếu theo cách giải thích gốc Hán và kết hợp với đặc điểm của chế độ phân phong đất đai, có thể hiểu “Lãnh” là đọc chệch từ “Lĩnh” có nghĩa là nhận lấy. Vậy lãnh địa cũng có thể hiểu là vùng đất được nhận, được ban cấp chứ không nhất thiết phải là vùng đất “biệt lập”. Cách giải thích này cũng phù hợp với chế độ phân phong đất đai ở Tây Âu thời Trung Đại.
Thứ hai, từ gốc Lãnh địa là “manor”, nếu dịch qua tiếng Trung là “trang viên”. Nhiều sách giáo trình của chúng ta cũng gọi là trang viên. Vậy lãnh địa và trang viên, thái ấp có gì khác nhau hay không? Lý do tại sao cần phải thay đổi cách dịch/gọi như vậy?
Chính vì thế, khi dạy học sinh, nhất là học sinh bậc THPT và bậc học cao hơn, giáo viên cần có phần giải thích và chú giải về thuật ngữ cũng như cách gọi để học sinh hiểu được bản chất của khái niệm.
2. Về diện mạo của lãnh địa
Nói đến lãnh địa mọi người sẽ mô tả nó là một vùng đất biệt lập, với tòa lâu đài của lãnh chúa,..bla, bla… Tuy nhiên, cách mô tả đó phạm phải một sai lầm cơ bản là đã dừng lại lịch sử như một lát cắt chứ không phải một quá trình. Suốt hơn 1000 năm, lãnh địa phong kiến đã có sự biến đổi rất lớn về quy mô, diện mạo và cấu trúc,… Hơn nữa, lãnh địa ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia lại có những đặc điểm rất khác nhau.
Điều đó có nghĩa là, khi dạy về lãnh địa, các thầy cô nên “tém tém” bớt lại phần tả, mà nên chú ý đến quá trình để học sinh thấy được sự thay đổi và quá trình hình thành, phát triển và biến đổi của lãnh địa (xem hình minh họa).
3. Về cấu trúc và đặc trưng của lãnh địa
Có bao giờ thầy cô tự hỏi, tại sao Tây Âu lại ra đời mô hình kinh tế/xã hội theo kiểu “lãnh địa” hay không? Tại sao nó không duy trì cách tổ chức theo kiểu cũ của đế chế La Mã? Hay sao nó không học theo cách tổ chức kinh tế của phương Đông? Hay theo một mô hình nào khác? Tại sao nhất thiết lại phải là kiểu lãnh địa (như chúng ta đã biết)?
Vì thế, khi dạy học, hãy cố gắng liên kết giữa những việc làm của người Giéc-man với lại mục 2, để học sinh nhận thấy được tính logic của vấn đề.
Khi người Giéc-man (vốn là các vương quốc man tộc) ở trình độ thấp hơn, khi vào lãnh thổ của đế quốc La Mã, họ gặp phải rất nhiều sự chống đối. Sự chống đối từ những người ủng hộ đế quốc La Mã, từ dân địa phương, từ chính nội bộ các tướng lĩnh của người Giéc-man. Chính vì thế, các vùng đất đai của họ được tổ chức theo mô hình một công sự phòng thủ, có lâu đài ở trên một quả đồi cao với hào nước và các công sự phòng thủ (Motte and Bailey Castle). Sau này, những lâu đài ngày càng kiên cố, thay vì được xây dựng bằng gỗ và đất, nó được xây bằng đá và có hệ thống tháp canh kiên cố. (Xem hình minh họa). Vì vậy, có thể nói, bản chất của lãnh địa ban đầu là một công trình phòng thủ về quân sự nhiều hơn là một đơn vị tổ chức kinh tế.
4. Về cuộc sống trong lãnh địa
Nói đến lãnh địa là nói đến lãnh chúa và nông nô, nói đến lãnh địa là nói đến cuộc sống khổ cực của nông nô và sự xa hoa của lãnh chúa. Nói đến lãnh địa là nói đến khép kín và biệt lập. Tuy nhiên, điều đó có đúng hoàn toàn? Có thực sự chính xác không? Câu trả lời là KHÔNG. Trong lãnh địa có rất nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau, trong nông nô cũng chia ra thành rất nhiều loại và đối tượng. Cuộc sống của họ không phải lúc nào cũng “đen tối” và “khổ cực” theo cách nhìn hiện đại.
Hẳn đến đây, nhiều thầy cô sẽ cho rằng dạy học sinh phổ thông thì có cần sâu thế làm gì hay không? Có nhất thiết phải nhiều như vậy không? Câu trả lời là có đấy ạ. Không còn cách nào khác, giáo viên phải biết, phải hiểu và hiểu sâu sắc về những vấn đề này. Nếu không chúng ta sẽ trở thành những cái máy, đọc lại, nói lại những nội dung trong sách giáo khoa mà không hề có sự phê phán. Và quan trọng hơn, nó giúp học sinh của chúng ta hiểu một cách sâu sắc chứ không hề qua loa và hời hợt.
Giáo viên Lịch sử

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Lãnh địa phong kiếnlịch sử 10Lịch sử trung đạiPhong Kiến Tây Âu
Comments (0)
Add Comment