1. Về tên gọi: Trong lịch sử Anh người ta không gọi là cách mạng Tư sản Anh mà chỉ gọi là cuộc Nội chiến. Cách mạng Tư sản chỉ là tên gọi của các nhà sử học Mác-xít. Có lẽ khi dạy cho học sinh, giáo viên nên chú thích về điều này. Đây cũng là một kĩ năng quan trọng cần hình thành cho học sinh trong dạy học Lịch sử – kĩ năng diễn giải theo các góc nhìn khác nhau.
2. Cách viết về nguyên nhân kinh tế trong SGK dễ khiến học sinh (và cả giáo viên), cho rằng chính sự phát triển kinh tế theo hướng TBCN là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến cách mạng. Thực tế thì chưa chắc đã là như vậy. Cuộc cách mạng này nổ ra còn bởi rất nhiều nguyên nhân khác. Đây chỉ là một trong những cách diễn giải về nguyên nhân của sự kiện mà thôi.
3. SGK đã bỏ qua các nguyên nhân về tôn giáo. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến cách mạng nổ ra là do mâu thuẫn về tôn giáo. Charles I đã kết hôn với Henrietta Maria – là người Công giáo. Có tin đồn rằng Công giáo sẽ thống trị nước Anh. Charles I còn phong William Laud làm Tổng giám mục giáo phận Canterbury. Laud không thích Thanh giáo. Giám mục Laud thay đổi các nghi lễ của Giáo hội Anh. Ông đưa vào những bức tượng, âm nhạc và nến mà người Thanh giáo ghét. Những thay đổi của Laud là bắt buộc đối với nhà thờ Scotland. Trong khi nhiều người Scotland theo Thanh giáo.
4. Có khá nhiều khái niệm phức tạp mà học sinh sẽ không thể hiểu được nếu tách ra khỏi sự phát triển của thể chế chính trị nước Anh trước cách mạng. Ví dụ như: Quốc hội/Nghị viện, Mối quan hệ giữa nhà vua và Quốc hội, Cộng hòa, các đạo luật, Quân chủ lập hiến, Cách mạng tư sản,… Việc tách rời và dạy các nội dung này một cách không đầu không cuối sẽ phá vỡ đi tính toàn vẹn của sự kiện.
5. Nhân vật Oliver Cromwell là một nội dung khá thú vị và có nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau khi đánh giá về những việc làm của ông. Có người cho ông là một vị anh hùng, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, ông là ác quỷ, tội đồ của lịch sử. Rất tiếc, nội dung của SGK chỉ dừng ở việc điểm tên mà không miêu tả gì hơn.
6. Về kết quả của cuộc cách mạng, SGK chú ý nhiều đến phương diện thể chế chính trị mà không đề cập đến những hệ quả tiêu cực khác đối với nước Anh. Cuộc nội chiến này đã khiến trung bình cứ 10 người Anh thì có 1 người bị giết, ước tính có khoảng 250.000 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến này.
Vẫn biết những giới hạn của chương trình và thời lượng dành cho một tiết học, nhưng nếu chúng ta không nhận ra, điều chỉnh, và bổ sung các vấn đề trên trong quá trình giảng dạy, học sinh khó mà hiểu một cách rõ ràng, cụ thể về vấn đề này chứ chưa nói gì đến việc khai thác, sử dụng tư liệu để phát triển các năng lực tư duy lịch sử cho học sinh.
Giáo viên Lịch sử
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.