Đến ngày hôm nay, dạy học Phát triển năng lực đã trở thành “diễm xưa” rồi. Nó không còn là cái gì đó quá mốt và thời thượng nữa. Cái tên của nó đã trở nên quá quen thuộc. Từ thành thị đến nông thôn, từng miền xuôi đến miền ngược, từ các trường công cho đến các trường quốc tế, người người nhà nhà nói về phẩm chất và năng lực.
Mục đích mà chúng ta đang hướng đến thật tốt đẹp, nhưng nó dường như hơi mông lung khi mà Dạy học phát triển năng lực cũng có đến “năm bảy đường” với “ngàn vạn mô hình” cùng “đủ mọi cung bậc và cấp độ”.
Vậy giáo viên chúng ta cần gì? Chúng ta cần thực tiễn các bài dạy cụ thể, cần các tiêu chí đánh giá rõ ràng, cần các hình mẫu thực tế để có thể áp dụng và chuyển đổi quá trình dạy học.
Trong bài giảng: “Tác động của cách mạng tư sản Pháp 1789” – tôi và các thầy cô sẽ cùng phân tích những điểm giống và khác của DHPTNL so với bài dạy truyền thống của chúng ta qua một số các câu hỏi.
Bằng việc trả lời các câu hỏi này, tôi tin rằng, nó sẽ giúp các thầy cô có hình dung cụ thể và chi tiết hơn trong quá trình áp dụng vào các bài dạy trên lớp:
1. Tiêu đề và nội dung bài học có gì khác so với tiêu đề của bài học trong chương trình của chúng ta (độ rộng, hẹp, nông, sâu, dài, ngắn….)
2. Vì sao cần phải đi sâu, giảm độ rộng của nội dung? Giảm đến thế nào thì vừa?
3. Cách đặt mục tiêu bài học có gì khác? Mục tiêu về năng lực được thể hiện dư lào?
4. Thang đánh giá năng lực được thể hiện trong bài như thế nào? Có gì khác so với cách đánh giá của chúng ta hiện nay?
5. Các năng lực được hình thành trong bài là gì? Học sinh có được hướng dẫn định nghĩa và gọi tên năng lực không?
6. Các bước hình thành năng lực được triển khai như thế nào?
7. Mối quan hệ giữa năng lực được hình thành và tiêu chí đánh giá trong bài là gì?
8. Tư liệu được sử dụng như thế nào? Được khai thác ra sao?
9. Quan điểm cá nhân của người học được thể hiện như thế nào?
10. Sự đa dạng của các hoạt động được thể hiện như thế nào? Các hoạt động hướng đến việc hình thành năng lực đặc thù của môn Lịch sử ra sao?
11. ….
Sẽ còn khá lâu nữa để chúng ta có sự chuyển đổi sang mô hình Dạy học phát triển năng lực một cách thực sự. Sẽ còn nhiều điều phải làm nếu chúng ta muốn đo lường, đánh giá, gọi tên các năng lực của bộ môn lịch sử với mối lớp học và cấp học. Nhưng chắc chắn các thầy cô sẽ làm được – nếu chúng ta muốn.
(Nguyễn Hữu Long)
Hay quá