Là một kỹ năng trong đánh giá tư liệu, tính hữu ích là một cách để chứng minh rằng một tư liệu có giá trị. Trong trường hợp bạn không thể đánh giá được các khía cạnh khác của tư liệu thì tính hữu ích là khía cạnh quan trọng nhất bạn cần tập trung.
Tính hữu ích là gì?
Tính hữu ích là khái niệm để chỉ sự phù hợp và có tác dụng của một tư liệu cụ thể trong việc cung cấp thông tin về chủ đề mà bạn nghiên cứu.
Việc đánh giá tính hữu ích phụ thuộc vào các vấn đề nghiên cứu. Nếu như tư liệu cung cấp những thông tin về một chủ đề cụ thể mà bạn nghiên cứu, tư liệu đó được coi là hữu ích.
Làm thế nào để chứng minh tính hữu ích?
Vì tính hữu ích của tư liệu chủ yếu dựa trên khả năng cung cấp thông tin có giá trị về chủ đề bạn đang nghiên cứu, nên có bốn cách khác nhau để chứng minh rằng một tư liệu là hữu ích:
- Nó cung cấp thông tin rõ ràng về chủ đề/vấn đề nghiên cứu. Bạn có thể trích dẫn trực tiếp được từ tư liệu
- Nó cung cấp thông tin ngầm về chủ đề. Bạn có thể trích dẫn gián tiếp từ tư liệu.
- Nó chứng thực thông tin từ một tư liệu khác. Bạn có thể trình bày thông tin bằng việc đối chiếu hai tư liệu.
- Nó mâu thuẫn với thông tin từ một tư liệu khác. Bạn có thể trình bày thông tin bằng việc đối chiếu hai tư liệu.
Bạn sẽ trình bày việc đánh giá tính hữu ích của tư liệu như thế nào?
Để có thể trình bày việc đánh giá tính hữu ích của tư liệu, bạn cần chú ý 3 yếu tố cơ bản sau:
- Đánh giá về tính hữu ích hay không hữu ích
- Chủ đề nghiên cứu về tính hữu ích được xem xét
- Bằng chứng từ tư liệu để xác định thông qua trích dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp.
Ví dụ về đánh giá tính hữu ích:
Bài nghiên cứu của nhà Ai Cập học người Mỹ, Jones, đặc biệt hữu ích trong việc tìm hiểu về ý nghĩa của các chữ viết trong các đền thờ Ai Cập, nó được sử dụng như một công cụ để tuyên truyền. Jones đã nhấn mạnh “các cuộc chinh phạt quân sự lớn được trang trí các bức tường bên trong nhằm gây ấn tượng với du khách về sức mạnh của pharaoh”. (Jones, 1984, 45).
– Các tư liệu của Pliny rất hữu ích trong việc tìm hiểu về các hoạt động giải trí công cộng trong xã hội La Mã và thái độ của người La Mã đối với các đấu sĩ khi ông nói rằng ông “đã đến tham dự các hoạt động này nhiều lần” trong suốt cuộc đời mình (Agricola, VI.4).
– Bức ảnh cực kỳ hữu ích trong việc tìm hiểu vụ đánh bom ở Hiroshima vào năm 1945 bởi vì nó cho thấy rõ tác động tàn phá của vụ nổ chỉ vài tuần sau sự kiện.
– Tư liệu A rất hữu ích trong việc tìm hiểu về cuộc sống của quân đội Úc tại Gallipoli bởi vì đó là một bức thư tay của John Smith, một người lính Úc. Nó đã mô tả về những trải nghiệm cá nhân của anh về cuộc đổ bộ của Gallipoli vào ngày 25 tháng 4 năm 1915. Nó đã đề cập đến cách mà anh và những đồng đội của mình đã vượt qua nỗi sợ hãi và hoang mang do thiếu thông tin liên lạc từ cấp chỉ huy. Điều này thể hiện rõ khi anh nói trong bức thư rằng: tôi đã quên tất cả những gì được đào tạo và tôi bắt đầu chạy như thể trước mặt là địa ngục. Do đó, tư liệu A cung cấp những thông tin trực tiếp về cuộc đổ bộ Gallipoli và cực kỳ hữu ích trong việc tìm hiểu về tình hình quân đội Úc trong sự kiện này.
Nguyễn Hữu Long
(Theo Historyskills.com)
____________________________________________________________________________________________
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.