Sử dụng môn Lịch sử để dạy học sinh kĩ năng tư duy phản biện trong thế giới hiện đại

Việc khai thác và sử dụng các tư liệu gốc trong dạy học lịch sử là điều không hề dễ dàng — nhưng nếu làm tốt điều đó, nó sẽ thúc đẩy sự tham gia của học sinh và làm cho quán trình học tập trở nên sâu sắc hơn trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như ngày nay.

Trong thời đại ngày nay, học sinh đang phải đối mặt và giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội vô cùng phức tạp. Các ngồn thông tin đến với học sinh ngày càng đa dạng và phong phú. Trong bối cảnh đó, việc học tập Lịch sử sẽ chuẩn bị cho học sinh những năng lực cần thiết để có thể thích ứng với thế giới hiện đại.

Nhưng để làm được điều đó, môn Lịch sử cần giảm bớt việc ghi nhớ, tái hiện các sự kiện (điều mà google có thể làm) để nhấn mạnh nhiều hơn đến việc phát triển các kỹ năng tư duy phản biện. Quá trình này sẽ bắt đầu từ việc, hướng dẫn học sinh cách khai thác tư liệu lịch sử như: hiểu bối cảnh ra đời của tư liệu, động cơ mà tư liệu được tạo ra, mục đích ý nghĩa của tư liệu, quan điểm góc nhìn được phản ánh trong tư liệu và độ chính xác, tin cậy của các tư liệu.

Trong cuốn sách Tại sao phải học Lịch sử (khi bạn đã có điện thoại và internet), tác giả Sam Wineburg, giáo sư của trường đại học Stanford đã chỉ ra rằng, việc học sinh tiếp cận với các nguồn tư liệu và sử dụng các kĩ năng khai thác tư liệu như một nhà nghiên cứu sẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực của người học. Khi đó, người học sẽ nhận ra được giá trị của việc học Lịch sử thay vì cho rằng, nó chỉ là sự chồng chất của các sự kiện.

Tôi vẫn nhớ, trong một tiết học Lịch sử, một em học sinh đã phân tích một tư liệu gốc là bìa một tạp chí của Pháp nói về việc mở rộng thuộc địa. Em học sinh đó đã chỉ ra rằng, những gì người Pháp nói chẳng qua chỉ là “lừa đối”, rằng người Pháp đã xâm lược và bóc lột các thuộc địa chứ không phải là khai hóa văn minh cho họ. Rõ ràng, ở đây em học sinh đó đã thể hiện được cách tư duy độc đáo và “rất khác biệt”. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể đánh giá cao học sinh này bởi năng lực tư duy độc lập của em.

Tuy nhiên, môn Lịch sử sẽ đỏi hỏi một trình độc tư duy cao hơn nữa. Nó yêu cầu học sinh phải đặt tư liệu vào bối cảnh mà nó xảy ra thay vì chỉ tập trung vào nội dung được đề cập trong tư liệu và đối chiếu nó với quan điểm của ngày nay. Với cách tư duy đó, học sinh phải nhìn thấy được sự phù hợp của bối cảnh lịch sử với nội dung bức tranh, tính hợp lý trong thời điểm mà nó ra đời, động cơ, mục đích của người đã tạo ra nó…

Từ ví dụ trên, chúng ta có thể chú ý đến một số năng lực cơ bản cần hình thành trong môn Lịch sử để giúp học sinh có thể chủ động trong cuộc sống hiện tại:

  • Đánh giá các quan điểm, góc nhìn của tư liệu và tác giả
  • Đặt sự kiện vào bối cảnh mà nó ra đời
  • Đánh giá tính chính xác của tư liệu

Điều quan trọng là giáo viên phải mô hình hóa các bước làm và làm mẫu quy trình này cho học sinh. Bởi lẽ mục đích của việc khai thác các tư liệu trong môn lịch sử không dừng lại ở việc tiếp cận các tư liệu chính xác, có thể kiểm chứng được. Mà chúng ta còn muốn học sinh có thể đặt ra các câu hỏi về tư liệu, nhận ra định kiến, xác định được bối cảnh,… đó là những kỹ năng cần thiết để phát triển trong thế giới hiện đại.

Giống như các nhà sử học, luôn phải đánh giá các nguồn tư liệu và khai thác thông tin từ tư liệu. Học sinh sẽ học được cách đánh giá các thông tin trên mạng xã hội, trên internet, và cuộc sống hàng ngày để phân biệt đâu là “tin giả”, đâu là định kiến mà người viết muốn định hướng, đâu là những thông tin thực sự có giá trị. Việc làm đó, sẽ giúp học sinh có năng lực tư duy phản biện và có thể tự tin để đối mặt với nguồn thông tin khổng lồ mà các em đang tiếp cận.

Giáo viên Lịch sử

_________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

 

 

Học Lịch sử để làm gìLịch sử và cuộc sốngTư duy lịch sưtư duy phản biện
Comments (0)
Add Comment