Trong chương trình môn lịch sử ở bậc phổ thông (và cả bậc cao đẳng hay đại học) thuật ngữ “lịch sử” và “quá khứ” thường được sử dụng thay thế cho nhau, như thể cả hai đều có sự tương đương về ý nghĩa. Tuy nhiên trên thực tế, nội hàm của hai khái niệm này lại hoàn hoàn khác nhau. Việc phân biệt một cách rõ ràng hai khái niệm này giúp giáo viên có thể sử dụng chúng một cách chính xác trong quá trình giảng dạy của mình.
Để giúp bạn hiểu sự khác biệt giữa “quá khứ” và “lịch sử”, chúng tôi sẽ nói riêng về từng khái niệm và giải thích mối liên hệ giữa chúng.
- ‘Quá khứ’ là gì?
Khi chúng ta sử dụng thuật ngữ ‘quá khứ’, chúng ta có nghĩa là tất cả những điều đã từng xảy ra kể từ thời sơ khai cho đến hiện tại. Nói cách khác, nó bao gồm tất cả mọi thứ đã xảy ra trước thời điểm hiện tại như: các xã hội, nhân vật, sự kiện, các ý tưởng,… tất cả đều là một phần của ‘quá khứ’.
‘Quá khứ’ rộng lớn như vậy nhưng những gì mà chúng ta biết về nó thì lại rất hữu hạn và thường dựa trên những “dấu tích” tồn tại cho đến hiện tại. Có rất nhiều điều đã xảy ra trong quá khứ đã biến mất vĩnh viễn, có những điều thậm chí con người còn chưa từng biết đến hay có ý niệm về nó.
Hãy nghĩ về hàng tỷ người đã từng sống trong các thời đại trước chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ biết bất cứ điều gì về họ, hoặc cuộc sống của họ, bởi vì không có bằng chứng nào được lưu lại. Tương tự như vậy, hãy nghĩ về những vũ khí, công cụ, nhà cửa, quần áo và ý tưởng đã từng tồn tại cách ngày nay hàng thiên niên kỷ, mà chúng ta tìm thấy được qua những phát hiện khảo cổ học. Những dấu tích còn lại cũng chỉ là những mảnh vụn nhỏ bé của quá khứ.
‘Quá khứ’, là một thuật ngữ, dùng để chỉ tất cả những thứ đã xảy ra, đã từng tồn tại, ngay cả khi chúng ta biết hay không biết về nó. Nói cách khác nó là khách quan, duy nhất, tồn tại độc lập với ý muốn của con người.
‘Lịch sử’ là gì?
Ngược lại, thuật ngữ ‘lịch sử’ đề cập đến những nỗ lực, cố gắng tái tạo, phục dựng lại ‘quá khứ’ theo cách nào đó, dựa trên những bằng chứng còn lại.
Các cách phổ biến nhất mà các nhà sử học thường làm là trình bày nó dưới dạng một câu chuyện, theo trật tự thời gian mà chúng ta gọi là ‘tường thuật’.
Tuy nhiên, tất cả các nhà sử học đều thừa nhận rằng lịch sử mà họ tạo ra chỉ có sự phản ánh không đầy đủ của quá khứ. Chính vì thế, trong nỗ lực phục dựng và tái tạo quá khứ, họ đã phải điền vào rất nhiều khoảng trống trong câu chuyện một cách vô tình hoặc hữu ý.
Tuy nhiên, các nhà sử học không chỉ đơn giản là “bù đắp” những khoảng trống trong quá khứ. Thay vào đó, họ còn đưa ra các phỏng đoán mang tính học thuật về các khía cạnh khác nhau của quá khứ. Cuối cùng, các nhà sử học đều thừa nhận rằng câu chuyện của họ chỉ là kết luận dưới góc nhìn và quan điểm cá nhân về những gì có thể xảy ra nhất, dựa trên bằng chứng mà họ có được.
Như vậy, khái niệm lịch sử mang tính chủ quan. Nó là nhận thức của các nhân nhà sử học. Nó chịu sự chi phối của các yếu tố liên quan đến bằng chứng, quan điểm, góc nhìn, định kiến của người viết. Nếu như quá khứ là duy nhất, thì lịch sử lại có rất nhiều phiên bản khác nhau.
- ‘Quá khứ’ và ‘lịch sử’ có liên quan như thế nào?
Bây giờ bạn đã biết sự khác biệt giữa quá khứ (những điều đã xảy ra) và lịch sử (nỗ lực của một nhà sử học để kể câu chuyện của quá khứ), chúng ta hãy cùng xem hai khái niệm này có mối liên quan với nhau như thế nào.
‘Quá khứ’ đã xảy ra và không thể thay đổi, nhưng ‘lịch sử’ là cuộc thảo luận đang diễn ra về việc cố gắng giải thích quá khứ và nó liên tục có sự thay đổi.
“Quá khứ’ thì chỉ có một và duy nhất, nhưng ‘lịch sử’ thì có rất nhiều và đa dạng.
“Lịch sử” chỉ có được dựa trên những gì chúng ta biết về “quá khứ” và điều này phụ thuộc vào bằng chứng. Bạn không thể viết một lịch sử mà không dựa trên bằng chứng xác thực.
Tôi hy vọng rằng sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này hiện đã rõ ràng hơn nhiều đối với bạn và bạn có thể sử dụng chúng một cách chính xác và hiệu quả hơn trong công việc giảng dạy của mình.
Giáo viên Lịch sử
(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)