Khi giảng dạy lịch sử như một cách tư duy, bạn sẽ giúp học sinh tiếp cận việc nghiên cứu lịch sử rất khác với học sinh thông thường. Hãy thử xem xét cách một học sinh học lịch sử như một cách tư duy sẽ như thế nào:
“Để học tốt môn học này, tôi phải bắt đầu tư duy về lịch sử. Tôi không được đọc sách giáo khoa như một mớ hỗn độn các sự kiện, nhân vật cần ghi nhớ mà phải tìm hiểu nó với tư cách là tư duy của nhà sử học đã viết ra nó. Tôi phải bắt đầu xác định một cách rõ ràng về các mục đích (Các nhà sử học đang cố gắng để hướng đến mục đích gì?). Tôi phải bắt đầu đặt các câu hỏi lịch sử (và nhận ra các câu hỏi lịch sử được đặt ra trong các bài giảng và sách giáo khoa). Tôi phải bắt đầu sàng lọc thông tin lịch sử, rút ra một số kết luận lịch sử. Tôi phải bắt đầu đặt câu hỏi thông tin này đến từ đâu. Tôi phải chú ý đến các diễn giải mà các nhà sử học giải thích ý nghĩa cho các sự kiện lịch sử. Tôi phải đặt câu hỏi về những cách diễn giải đó (ít nhất là đủ để hiểu chúng). Tôi phải bắt đầu đặt câu hỏi về hàm ý của các cách giải thích lịch sử khác nhau và bắt đầu xem các nhà sử học lý luận như thế nào để đưa ra kết luận. Tôi phải bắt đầu nhìn thế giới như các nhà sử học, để phát triển một quan điểm lịch sử. Tôi sẽ đọc từng chương trong sách giáo khoa để tìm kiếm các yếu tố tư tưởng trong chương đó một cách rõ ràng. Tôi sẽ chủ động đặt các câu hỏi (lịch sử) trong lớp từ quan điểm tư duy phản biện. Tôi sẽ bắt đầu chú ý đến tư duy lịch sử của chính mình trong cuộc sống hàng ngày. Tóm lại, tôi sẽ cố gắng làm cho tư duy lịch sử trở thành một phần rõ ràng và nổi bật hơn trong tư duy của bản thân”.
Tiếp cận môn lịch sử với tư cách là tư duy lịch sử sẽ có ích lợi như thế nào với việc nghiên cứu các môn học khác?
– Khi tiếp cận môn lịch sử với tư cách là tư duy lịch sử, bạn cũng bắt đầu hiểu hơn về các môn học khác. Ví dụ, bạn bắt đầu nhận ra rằng bản thân mỗi môn học đều có lịch sử và trạng thái hiện tại của môn học là sản phẩm của quá trình tiến hóa đó. Bạn cũng nhận thấy sự trùng lặp giữa lịch sử như một nghiên cứu về quá khứ tương đối gần đây của con người (30.000 năm qua) và lịch sử lâu đời hơn nữa của con người (trong nhân chủng học). Bạn có thể đặt 30.000 năm qua (có vẻ là một khoảng thời gian dài khi chúng ta lần đầu tiên nghĩ về nó) vào viễn cảnh lịch sử lớn hơn của nhân loại học. Góc nhìn lớn hơn này bắt đầu nghiên cứu về quá khứ của con người cách đây khoảng 2.000.000 năm khi tổ tiên của chúng ta là những sinh vật nhỏ bé, có lông, sử dụng các công cụ thô sơ. Bạn có thể thấy loài người chuyển từ nền văn minh săn bắt và hái lượm, sang nền văn minh nông nghiệp, sang nền văn minh công nghiệp, sang nền văn minh hậu công nghiệp, và sang thời đại thông tin.
– Khi có tư duy lịch sử, bạn sẽ có một thế giới quan lịch sử để đặt sự kiện vào một bối cảnh lớn hơn, bằng cách chuyển từ tư duy nhân học sang tư duy địa lý. Bạn hiểu rằng lịch sử loài người chỉ là một phần nhỏ của những lịch sử khác: lịch sử của động vật có vú, và trước đó là thời đại của loài bò sát, trước đó là thời đại của cá, và trước nữa là các loài động vật thân mềm… Sau đó, bạn có thể thực hiện bước tiếp theo là đặt lịch sử của các loài sinh vật trong quan hệ với lịch sử địa chất. Sau đó là lịch sử của hệ mặt trời, rồi lịch sử của ngân hà, vũ trụ…
– Năng lực tư duy lịch sử tiếp tục phát triển khi bạn học các môn học khác nhau và nhìn thấy những chiều kích xa hơn của thời gian. Bạn có thể chuyển từ lịch sử sang tiền sử, từ tiền sử sang lịch sử nhân loại học, từ lịch sử nhân học sang lịch sử địa chất, và từ lịch sử địa chất sang lịch sử thiên văn… Theo quan điểm ngày càng mở rộng này, lịch sử tri thức của nhân loại trở nên ngắn đến đáng kinh ngạc, chỉ như một phần nghìn giây về mặt địa chất, một phần nghìn giây về mặt thiên văn.
(Trích Hướng dẫn học sinh về Tư duy Lịch sử, tác giả Dr. Linda Elder, Dr. Meg Gorzycki, Dr. Richard Paul)