Trong quá trình xây dựng chương trình của các môn học nói chung, môn Lịch sử nói riêng, một mâu thuẫn mà các nhà biên soạn gặp phải đó là sự cân bằng giữa độ rộng và độ sâu của kiến thức. Nếu chúng ta chú trọng đến độ rộng của chương trình, khi xây dựng các nội dung bao gồm cả Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới qua tất cả các giai đoạn, cổ trung cận hiện, có lẽ chúng ta sẽ tự khắc làm giảm đi độ sâu cần thiết. Nếu chúng ta đi rất sâu vào một vấn đề có thể chúng ta sẽ không đảm bảo được tính toàn diện, hệ thống và logic của chương trình.
Trong bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập đến những hệ lụy từ cách xây dựng chương trình môn Lịch sử theo bề rộng về cả thời gian và không gian:
Thứ nhất, nó dẫn đến việc bỏ sót những kiến thức cơ bản. Việc coi kiến thức nào là “cơ bản” là một vấn đề cực kỳ phức tạp và tôi không muốn đề cập đến nó ở đây. Tôi chỉ muốn đề cập đến một yếu tố, đó là, việc tập trung vào độ rộng với rất nhiều nội dung, bao gồm tất cả các khu vực trong tất cả các giai đoạn sẽ khiến cho chúng ta KHÔNG có điều kiện đi sâu vào những kiến thức cơ bản, cốt lõi, đủ để học sinh có thể hiểu được bản chất của vấn đề. Ví dụ, trong chương trình Lịch sử lớp 10, khi chúng ta đề cập đến tất cả các nền văn minh, nhưng những gì được đề cập thì chỉ là những gạch đầu dòng hết sức sơ sài. Học sinh sẽ không thể hiểu được (một cách chi tiết và cụ thể) về điều kiện hình thành và các thành tựu của các nền văn minh, chứ chưa nói đến việc hiểu bản chất của mỗi một yếu tố. Nói đến đây, hầu hết mọi người đều cho rằng, đó là việc của giáo viên và người học chứ không phải do nội dung chương trình. Tuy nhiên với giới hạn về thời gian (52 tiết cho phần chủ đề và 35 tiết chuyên đề), việc giúp học sinh hiểu sâu sắc tất cả các vấn đề trên là điều không thể.
Thứ hai, khi chúng ta quá tập trung vào kiến thức, cộng với lượng kiến thức quá lớn sẽ khiến cho các năng lực nói chung, năng lực tư duy lịch sử nói riêng bị bỏ ngỏ. Một điều đơn giản mà ai cũng phải thừa nhận, đó là sách giáo khoa và chương trình mới được biên soạn theo hướng phát triển năng lực học sinh, nhưng trong các mục tiêu của từng bài học (trong sách) thì lại không hề đề cập đến mục tiêu năng lực, không hề gọi tên các năng lực chứ chưa nói gì đến việc mô tả, xây dựng thang đo cấp độ của năng lực. Lý do chính, đó là do khối lượng kiến thức quá nặng, nên không còn có đủ thời gian cho việc hình thành năng lực, kĩ năng cần thiết. Tôi đã từng dạy về chủ đề Ai Cập cổ đại trong cả 1 học kì (32 tiết), trong đó, riêng về “Cách ướp xác của người Ai Cập” đã mất hơn 2 tuần. Với một lượng thời gian như vậy, học sinh mới có thể được đọc, được học, được trải nghiệm và hình thành năng lực. Còn nếu chúng ta kỳ vọng, trong 1 tuần với 2 tiết học, học sinh có thể học được toàn bộ về Ai Cập cổ đại, thì có lẽ, năng lực chính mà học sinh hình thành được chỉ là lắng nghe và ghi nhớ, học thuộc.
Thứ ba, ở góc độ phương pháp dạy học, việc tập trung vào độ rộng của kiến thức sẽ KHÔNG tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu, tìm tòi, khai thác tư liệu. Những gì giáo viên dạy và học sinh học chỉ là những kiến thức được viết sẵn. Chúng ta đều hiểu, bản chất của quá trình học tập lịch sử, đó là việc người học được làm việc như một nhà sử học, được đặt ra các giả thuyết, được tìm kiếm tư liệu, khai thác và xử lý các nguồn tư liệu, để từ đó nhận ra các góc nhìn, quan điểm và định kiến. Trên cơ sở đó, học sinh đưa ra các quan điểm cá nhân và liên hệ vào cuộc sống hiện tại cũng như nghề nghiệp trong tương lai. Để làm được điều đó, chúng ta cần thu hẹp lại độ rộng của kiến thức. Tôi lấy ví dụ, việc học về cả 4 quốc gia cổ đại phương Đông như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc, khiến cho khối lượng kiến thức mà học sinh phải học quá lớn. Trong khi thời gian học lại quá ngắn (1 – 2 tiết), các tư liệu được trích dẫn đa số mang tính minh họa cho kiến thức, học sinh không có điều kiện tiếp cận với các nguồn tư liệu khác, đặc biệt là tư liệu gốc.
Cuối cùng, việc tập trung vào kiến thức theo bề rộng sẽ lấy đi cơ hội của các hoạt động trải nghiệm, các dự án học tập,… Với một khối lượng kiến thức lớn như vậy, việc học sinh có thể thực sự được trải nghiệm, được làm các dự án học tập là điều rất khó. Đa số học sinh sẽ phải làm việc ở nhà và trưng bày sản phẩm là chủ yếu. Những sản phẩm đa số mang tính “make color” hơn là kết quả của quá trình tư duy, suy ngẫm và hiểu bản chất. Bên cạnh đó, học sinh sẽ không có được những hướng dẫn chi tiết từ giáo viên, không có quá trình suy ngẫm về những kiến thức, kĩ năng được hình thành qua hoạt động,… Và khi không có các hoạt động như vậy, môn Lịch sử sẽ trở thành việc tái hiện, ghi nhớ và nhắc lại những gì được viết sẵn trong sách. Nó sẽ làm cho những kiến thức lịch sử không còn có sự hấp dẫn, sinh động, trực quan. Nó làm cho việc học Lịch sử mất đi ý nghĩa khi không tạo được mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa những gì học sinh được học với cuộc sống và nghề nghiệp tương lai.
Nói như vậy, nhưng chương trình đã ban hành rồi, sách giáo khoa đã viết rồi, bây giờ chúng ta sẽ phải làm thế nào?
Ở góc độ chương trình, việc điều chỉnh và điều chỉnh một cách thường xuyên là điều rất nên làm. Chẳng phải chúng ta cũng vừa điều chỉnh từ 72 tiết tự chọn Lịch sử ở cấp THPT sang 52 tiết bắt buộc đó thôi. Đây cũng là cách khiến cho chương trình không bị xơ cứng, máy móc. Nó cũng thúc đẩy các giáo viên và nhà trường tham gia vào việc phát triển chương trình. Ở đây chúng ta đang đề cập đến việc mạnh dạn cắt bỏ độ rộng của kiến thức và tập trung vào những điều còn thiếu hụt về kĩ năng và năng lực để hướng đến sự cân bằng. Có bao giờ thầy cô nghĩ rằng, chúng ta sẽ dạy Lịch sử từ hiện đại về quá khứ thay vì lúc nào cũng dạy từ quá khứ đến hiện tại? Có khi nào chúng ta chỉ dạy về một nền văn minh thay vì dạy tất cả các nền văn minh? Có khi nào cũng ta dạy theo kiểu nhảy cóc, đang từ cổ đại lại dạy sang hiện đại? Những điều này có thể xa lạ với chúng ta, nhưng lại là giải pháp được phản án trong chương trình của nhiều quốc gia khác.
Ở góc độ cá nhân và nhà trường, rõ ràng, việc dạy toàn bộ kiến thức chỉ là một cách để đối phó với những tiêu chuẩn của chương trình mà không mang lại những hiệu quả trên thực tế đối với nhận thức của người học. Vậy tại sao chúng ta không mạnh dạn thay đổi nó? Nhiều thầy cô nói với tôi là khó lắm, nào là Phòng, Sở nào là ban giám hiệu, bla, bla… nhưng tôi cho rằng, rào cản lớn nhất chính là bản thân chúng ta. Khi nhận ra một điều gì đó bất hợp lý, điều quan trọng là đối diện và giải quyết nó hơn là đi vòng và lảng tránh.
Sẽ không dễ gì để làm được những việc trên, sẽ còn nhiều khó khăn để chúng ta có thể điều chỉnh được những yếu tố bất cập, sẽ còn lâu dài để giáo viên có thể thay đổi được cách tiếp cận trong việc giảng dạy lịch sử để có thể tự xây dựng chương trình riêng của mình. Nhưng tôi tin, đó là điều chắc chắn phải làm, nếu chúng ta muốn thực sự chuyển qua mô hình Dạy học phát triển năng lực.
Nguyễn Hữu Long
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.