Khi bắt đầu dạy học Lịch sử, điều mà bạn quan tâm nhất là gì? Phải chăng đó là sự hứng thú của học sinh với môn học và các kiến thức mà bạn dạy. Nhưng có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận, rất nhiều học sinh có hứng thú với môn học, say sưa lắng nghe, có vẻ rất hiểu bài nhưng khi được hỏi lại thì hầu hết đều không thể diễn đạt được những điều mình đã hiểu. Hệ quả là, trong các bài viết, học sinh thường dùng ngôn ngữ của văn nói, hoặc diễn đạt lan man,… Nguy hiểm hơn nữa, nhiều học sinh có thể đạt điểm cao nhưng sau đó không thể ứng dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống hàng ngày. Không thể diễn đạt một cách rõ ràng, mạch lạc những hiểu biết của mình bằng cách kênh nói hoặc viết.
Vậy vấn đề đặt ra, là làm thế nào để có thể tích hợp việc dạy các kĩ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) trong quá trình học tập Lịch sử?
Tích hợp các kĩ năng ngôn ngữ trong dạy học lịch sử
Các kỹ năng cơ bản như đọc, viết và nói nên được thực hành thường xuyên trong các giờ học, mỗi ngày. Việc học sinh biết đọc thành tiếng và trôi chảy một tư liệu/tài liệu là chưa đủ. Chúng ta cần tiếp tục dạy trẻ cách đọc trong suốt nhiều năm để dạy trẻ cách đọc hiểu, đọc sâu – điều này sẽ giúp chúng tiến bộ trong việc sử dụng các chiến lược đọc, viết và ghi chép. Các kĩ năng ngôn ngữ được thể hiện một cách đa dạng trong rất nhiều các hoạt động học tập hàng ngày như phát biểu, trả lời câu hỏi của giáo viên, trong các cuộc thảo luận nhóm nhỏ và lớn, các phần ghi chép trong vở, các bài viết luận mà học sinh hoàn thành.
Dưới đây là một số cách giúp giáo viên tích hợp việc dạy các kĩ năng ngôn ngữ trong môn Lịch sử.
- Coi mục tiêu ngôn ngữ là một trong số các mục tiêu của bài học
Nếu coi ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy, là sự biểu đạt ra bên ngoài của quá trình nhận thức thì rõ ràng, ngôn ngữ cũng phải được coi là một mục tiêu quan trọng trong quá trình học tập Lịch sử. Điều này có nghĩa là, sau khi kết thúc xong mỗi bài học/ tiết học, giáo viên phải đặt mục tiêu học sinh có thể biểu đạt hiểu biết của bản thân mình qua bốn kênh cơ bản: nghe, nói, đọc, viết.
Ví dụ: Sau khi học xong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, học sinh có thể đóng vai thành một nhân vật trong cuộc khởi nghĩa và kể lại cuộc khởi nghĩa trong khoảng 15 – 20 dòng.
Kết thúc bài học về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX, học sinh có thể viết một bài luận khoảng 250 từ thể hiện quan điểm cá nhân về trách nhiệm của nhà Nguyễn trong việc đổi mới canh tân đất nước.
Nếu giáo viên luôn có ý thức trong việc đặt các mục tiêu ngôn ngữ và truyền đạt nó cho học sinh, nó sẽ trở thành một trong những ưu tiên quan trọng trong quá trình học tập. Nó sẽ giúp học sinh không chỉ hiểu nội dung bài học mà còn có thể biết nó thành nhận thức cá nhân và biết cách biểu đạt nhận thức của mình trong quá trình học tập. Đó cũng là một biểu hiện quan trọng trong việc phát triển năng lực của người học.
- Đặt các nhiệm vụ nói và viết gắn với chương trình môn Ngữ văn
Trước kia, tôi luôn đặt ra câu hỏi, học Văn để làm gì? Để có thể nói và viết thành thạo bằng tiếng Việt? Nhưng tôi sẽ áp dụng các thể loại văn miêu tả, văn kể chuyện, văn nghị luận, văn thuyết minh,… ở đâu? Nó có thể áp dụng trong tất cả các môn học, trong đó có môn Lịch sử.
Mỗi một thể loại văn được học ở một lớp học nhất định, ví dụ lớp 6, học sinh được học văn kể chuyện tưởng tượng, giáo viên có thể cho học sinh tưởng tượng là Đinh Bộ Linh và kể lại quá trình dẹp loạn 12 sứ quân của mình.
Lớp 8, học văn thuyết mình, giáo viên có thể cho học sinh viết một bài văn thuyết minh về các thành thị, thương cảng trong lịch sử Việt Nam,…
Việc sử dụng nội dung kiến thức lịch sử làm chủ đề và chất liệu để phối hợp với các thể loại văn trong nhà trường sẽ làm tính tích hợp liên môn được thể hiện rõ ràng và hiệu quả hơn. Nó cũng cho phép học sinh được ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế.
Không chỉ như vậy, các thể loại văn được học, sẽ cung cấp cho học sinh công cụ để biểu đạt nhận thức, hiểu biết và tri thức lịch sử đã học.
- Luôn có tiêu chí đánh giá về năng lực ngôn ngữ trong các hoạt động
Các kĩ năng ngôn ngữ được thể hiện rất rõ trong các sản phẩm của hoạt động học tập Lịch sử
– Hoạt động nói: trong các câu trả lời, các bài thuyết trình, các hoạt động thảo luận trên lớp, trong các bài hùng biện, tranh biện,…
– Hoạt động viết: Trong cách đưa ra các câu trả lời, trong các bài viết, trong các bản báo cáo,…
– Hoạt động đọc: đọc tài liệu sách giáo khoa, các tư liệu tham khảo, đọc sách báo, bài viết về sự kiện,…
Khi đánh giá các sản phẩm, ngoài yêu cầu về nội dung kiến thức, giáo viên cần đánh giá các năng lực ngôn ngữ, giáo viên cần đặt ra các tiêu chí rõ ràng, được thể hiện trên các khía cạnh sau:
– Độ trôi chảy khi nói, đọc, viết
– Mức độ khó của thuật ngữ (về số lượng và độ hàn lâm của thuật ngữ)
– Sự phức tạp của cấu trúc ngữ pháp
– Văn phong diễn đạt mang tính Lịch sử
– Các phương pháp/kĩ thuật trình bày
– Độ sắc của các quan điểm, nhận định
– Tính hợp lý của các minh chứng/bằng chứng
– Ví dụ mang tính điển hình,…
Trong quá trình dạy học, việc đặt ra các mục tiêu/tiêu chí rõ ràng là ngôn ngữ là định hướng giúp học sinh không chỉ đạt được các mục tiêu trong học tập Lịch sử mà còn có sự thành thạo về mặt ngôn ngữ.
- Việc chấm vở, chỉnh sửa lỗi diễn đạt được tiến hành thường xuyên
Để phát triển các năng lực ngôn ngữ, ngoài việc đặt mục tiêu ngôn ngữ, thiết kế các hoạt động nói, viết, nghe, giáo viên cần tập trung vào việc đánh giá thường xuyên thông qua việc chấm vở và chỉnh sửa lỗi diễn đạt cho học sinh.
Giáo viên cần coi hoạt động này như một công việc thường xuyên, là một trọng tâm trong quá trình đánh giá sản phẩm học tập của học sinh. Một ví dụ đơn giản, khi học sinh lớp 7 của tôi trả lời về các sản phẩm nông nghiệp trong hoạt động kinh tế từ thế kỉ XVI – XVIII, học sinh đều nói có nhiều “loại”, có rất điều “thứ” hoặc thậm chí có nhiều “đồ” để buôn bán. Khi đó tôi đặt ra thử thách cho học sinh, tìm ra các từ tốt hơn. Sau khoảng 2 – 3 phút suy nghĩ, học sinh lần lượt đưa ra những từ mang tính học thuật hơn, ví dụ như các loại “nông sản”, các loại “ sản vật” hay các “mặt hàng”… Rõ ràng, nếu không tập trung vào sửa lỗi, học sinh sẽ chấp nhận sử dụng các từ “văn nói” đó trong bài viết… mặc dù về mặt kiến thức, học sinh đều hiểu và có nhận thức về vấn đề đó.Sau khi kết thúc phần này, tôi thường yêu cầu học sinh viết lại các thuật ngữ đó vào vở và khuyến khích học sinh sử dụng nó trong những lần sau.
Ngoài ra, trong việc chấm vở, vai trò của một giáo viên Lịch sử giờ đây cũng không khác nhiều với vai trò của một giáo viên Ngữ văn khi phải chấm cả cấu trúc của bài viết, chấm sự logic giữa các ý trong bài, cách diễn đạt, ngôn ngữ sử dụng, chính tả, dấu câu,… hẳn các thầy cô sẽ hỏi tôi, làm thế nào để tôi có thể chấm được hàng trăm quyển vở? làm thế nào để có thể nhận xét cho từng học sinh. Tôi sẽ không trả lời cho câu hỏi đó mà mỗi thầy cô sẽ tự phải tìm cách làm của riêng mình. Tôi tin thầy cô sẽ làm được nếu thầy cô nhận thức được tầm quan trọng của công việc này.
Có thể trong công việc dạy học hàng ngày, chúng ta đã có chú ý đến việc rèn cách diễn đạt, việc sử dụng ngôn ngữ cho học sinh. Nhưng những điều chúng ta làm vẫn còn mang tính “ngẫu hứng”, nó chưa được coi thành hệ thống, thành một trọng tâm, thành một mục tiêu trong quá trình dạy học. Có lẽ vì vậy mà kết quả đạt được cũng chưa được đo lường, lượng hóa một cách rõ ràng, chưa có minh chứng cụ thể về kết quả. Và bây giờ chính là lúc chúng ta sẽ làm điều này bằng việc đưa mục tiêu ngôn ngữ vào chương trình thảo luận của tổ bộ môn, bằng việc chấm vở của học sinh một cách thường xuyên, bằng việc thiết kế các nhiệm vụ học tập và đưa ra các công cụ hỗ trợ ngôn ngữ cho người học.
Nguyễn Hữu Long
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.