Trong tiến trình giờ học, hoạt động củng cố, luyện tập cuối giờ có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp học sinh ôn tập, khắc sâu những kiến thức vừa học. Đồng thời, biến những kiến thức đó trở thành nhận thức của bản thân.
Việc tiến hành hoạt động luyện tập, củng cố cuối giờ có thể được tiến hành khá đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau – không nhất thiết phải là đặt câu hỏi cho học sinh trả lời.
Mục đích của hoạt động này nên giúp giáo viên kiểm tra được nhận thức của tất cả học sinh trong lớp, kịp thời nhận ra những sai lầm, hoặc nhầm lẫn về nội dung bài học để phản hồi, chỉnh sửa cho học sinh.
Trong phần dưới đây, chúng tôi sẽ gợi ý cho các thầy cô về ý tưởng củng cố cuối giờ: DÁN GIẤY NOTE LÊN BẢNG
1. Chuẩn bị:
– Mỗi học sinh được phát 1 tờ giấy note, có một mặt dính được lên bảng. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh tự chuẩn bị giấy note và để sẵn trong cặp.
– Nếu không có giấy note, giáo viên có thể sử dụng giấy thường và có chuẩn bị sẵn ít đất dính (Bluetac) – lưu ý không nên dùng băng dính vì khi dính lên bảng sẽ rất khó xóa.
2. Giao nhiệm vụ cho học sinh:
– Mỗi học sinh ghi tên của mình lên góc trên một tờ giấy note
– Trong thời gian 3 phút, hãy viết lên giấy note những điều mà em đã học được trong buổi học ngày hôm nay.
– Mỗi điều em học được sẽ viết lên một tờ giấy riêng. Dán lên bảng của lớp học
3. Biến thể
– Giáo viên có thể vẽ sẵn sơ đồ tư duy trên bảng, để học sinh viết và dán lên các nhánh của sơ đồ
– Giáo viên có thể chia lớp thành các nhóm, tổ chức thành cuộc thi, chấm điểm giữa các nhóm xem nhóm nào viết được nhiều và chính xác
– Ý tưởng này có thể được áp dụng cho hoạt động khởi động đầu tiết học
4. Suy ngẫm
Giáo viên dành một khoảng thời gian ngắn để cùng học sinh nhìn lại những tờ giấy note được dính trên bảng. Đặt ra cho học sinh các câu hỏi suy ngẫm
– Những thông tin nào các em nhớ nhất trong nội dung bài học?
– Những thông tin nào các em hay bị nhầm lẫn và sai sót?
– Em có muốn bổ sung hay chỉnh sửa tờ giấy note nào của mình không?
– Hoạt động này giúp em củng cố lại những kiến thức đã học như thế nào?
Hoạt động này cũng là một cách thú vị để giúp giáo viên có thể kiểm chứng được mức độ đạt mục tiêu bài học của học sinh trên quy mô cả lớp và kịp thời điều chỉnh. Nó cũng là một bằng chứng hữu ích dành cho giáo viên trong quá trình sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.
(Giáo viên Lịch sử)
_____________________________________________________________________________________________________
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.