Kĩ năng phân tích nguyên nhân và hệ quả của sự kiện được coi là một trong những năng lực cốt lõi của tư duy lịch sử. Việc sử dụng các tài liệu trong sách giáo khoa với phần nguyên nhân và ý nghĩa của sự kiện được viết sẵn – tách biệt thành cách mục sẽ làm học sinh mất đi dần năng lực này và trở thành những người học thuộc một cách máy móc.
Để dạy học sinh kĩ năng phân tích nguyên nhân và hệ quả của sự kiện, giáo viên hãy chọn các đoạn tư liệu, sau đó phát cho học sinh và sử dụng các ý tưởng dưới đây để tổ chức thành các hoạt động độc lập cho học sinh. Sau khi thực hiện xong, học sinh sẽ trình bày sản phẩm trước lớp hoặc trong nhóm. Giáo viên sẽ đưa ra nhận xét, phản hồi về cách xác định nguyên nhân, hệ của của sự kiện cũng như cách phân biệt các loại nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của sự kiện.
- Cây nguyên nhân và hệ quả
Giáo viên sử dụng mô hình của một cái cây giúp học sinh hình dung ra mối quan hệ nguyên nhân – hệ quả của một sự kiện. Học sinh sẽ điền các nguyên nhân vào các rễ của cây. Nội dung và thời gian của sự kiện sẽ được điền vào thân cây. Cành lá sẽ là các hệ quả của sự kiện.
Đối với những học sinh có năng lực tốt hơn, giáo viên có thể yêu cầu học sinh phân loại các nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa, những cành chính sẽ là các hệ quả quan trọng còn những cành nhánh phụ sẽ là các tác động hoặc hệ quả không quan trọng. Sau khi học sinh thực hiện xong, giáo viên cho học sinh lên bảng trình bày và giải thích về cách sắp xếp của mình.
- Bàn cờ 9 ô
Giáo viên viết các nguyên nhân hoặc hậu quả vào các tấm thẻ hình vuông. Yêu cầu học sinh sắp xếp chúng thành nguyên nhân / hậu quả quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất. Yêu cầu học sinh giải thích cho cách sắp xếp của mình.
Đối với những học sinh có năng lực tốt hơn, giáo viên có thể yêu cầu học sinh chỉ ra mối liên hệ giữa nguyên nhân và hệ quả.
- Câu hỏi nghi vấn
Đặt hình ảnh về một sự kiện bí ẩn lên tường lớp học (ví dụ: Hình ảnh em bé Napalm, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu,…), yêu cầu học sinh đặt ra những câu hỏi về những điều chúng thắc mắc liên quan đến sự kiện được đề cập. Sau đó học sinh trả lời các câu hỏi mà chúng đã tạo ra bằng cách đọc các nguồn tư liệu khác nhau.
Sau hoạt động này, học sinh có phần suy ngẫm về nguyên nhân và hệ quả của sự kiện. Đâu là nguyên nhân sâu xa, đâu là nguyên nhân trực tiếp, đâu là ngòi nổ dẫn đến sự kiện.
- Phân loại nguyên nhân và hệ quả
Để giúp học sinh khám phá nguyên nhân và hệ quả của sự kiện, hãy tạo hai loại thẻ khác nhau, Một loại thẻ chỉ gồm nguyên nhân và một loại thẻ chỉ gồm các hệ quả của sự kiện. Giáo viên trộn các tấm thẻ lại với nhau và yêu cầu học sinh làm việc cá nhân hoặc theo nhóm phân loại chúng.
Sau khi phân loại nguyên nhân và hệ quả, giáo viên tiếp tục yêu cầu học sinh phân loại các nguyên nhân về xã hội, chính trị, kinh tế hoặc dài hạn, ngắn hạn, v.v. Yêu cầu học sinh xác định hậu quả trực tiếp và hệ quả lâu dài,…
- So sánh cách diễn giải
Giáo viên lựa chọn hai hoặc ba tư liệu khác nhau cùng giải thích về nguyên nhân hoặc hậu quả của một sự kiện nhưng lại mâu thuẫn nhau về mặt quan điểm hoặc cách đánh giá các nguyên nhân nào là quan trọng. Sau khi phân tích các diễn giải, yêu cầu học sinh tìm bằng chứng để bảo vệ cho quan điểm cá nhân. Giáo viên có thể tổ chức dưới hình thức tranh biện xem cách giải thích nào chính xác hơn?
- Bảng phi tiêu
Tạo bảng phi tiêu với các vòng tròn đồng tâm, hình ảnh của sự kiện ở vị trí trung tâm. Sau đó, học sinh sẽ chọn và viết các nguyên nhân từ trong ra ngoài theo thứ tự từ nguyên nhân trực tiếp đến nguyên nhân sâu xa. Sau khi viết xong, học sinh phải giải thích cách sắp xếp từng nguyên nhân trong bảng vòng tròn đồng tâm đó. Giáo viên có thể dùng chiếc phi tiêu ném bất kỳ vào một nguyên nhân, học sinh phải giải thích mối quan hệ giữa nguyê nhân và sự bùng nổ của sự kiện. Giáo viên cũng có thể đặt các mức điểm số cho từng vòng tròn trong bảng phi tiêu. Những nguyên nhân quan trọng hơn sẽ được nhiều điểm hơn.
- Quả cầu tuyết
Sử dụng mô hình của quả cầu tuyết theo mẫu và phát cho học sinh. Giáo viên yêu cầu học sinh đọc tư liệu về sự kiện, sau đó xác định xem, đâu là nguyên nhân sâu xa, đâu là nguyên nhân trực tiếp, đâu là bước ngoặt và đâu là ngòi nổ của sự kiện.
- Sơ đồ xương cá
Giáo viên in hình một sơ đồ hình xương cá và yêu cầu học sinh điền kết quả / sự kiện vào đầu cá. Sau đó, học sinh giải thích các nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự kiện bằng cách điền từng nguyên nhân vào những chiếc cương cá. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh bổ sung các bằng chứng và giải thích cho các nguyên nhân được mô hình hóa bằng các xương dăm.
- Luân phiên cho hoạt động viết phân tích nguyên nhân – hệ quả
Học sinh ngồi theo vòng vòn từ 4 – 6 bạn/nhóm. Yêu cầu học sinh viết một đoạn văn giải thích về một nguyên nhân của sự kiện mà chúng đang học theo công thức PEE (P-point: quan điểm E – Explain: giải thích E – Example: ví dụ). Sau khi học sinh viết xong sẽ chuyển sang cho bạn của mình, người này tiếp tục viết một nguyên nhân khác cũng theo công thức PEE. Học sinh tiếp tục thực hiện như vậy cho đến khi tạo thành một bài luận hoàn chỉnh và trở về với người đầu tiên.
Đối với những học sinh có năng lực tốt, giáo viên nên khuyến khích học sinh có sự kết nối giữa các nguyên nhân với nhau.
Trên đây là một số gợi ý khi dạy về Nguyên nhân và hệ quả của các sự kiện lịch sử, để có thêm những ý tưởng phát triển năng lực đặc thù của bộ môn, các thầy cô hãy tham khảo bộ tài liệu “ 101 Ý TƯỞNG SÁNG TẠO DẠY HỌC LỊCH SỬ”.
Nguyễn Hữu Long