Làm thế nào để bạn cải thiện việc giảng dạy lịch sử cho học sinh – những người đang ở tuổi teen? Lời khuyên của tôi có vẻ không phù hợp với thực tế mà các nhà giáo dục lịch sử đang cố gắng theo đuổi. Nhưng với tư cách là một giáo viên trực tiếp làm công việc giảng dạy, với tư cách là một người yêu thích lịch sử, tôi muốn được đưa ra quan điểm cá nhân của mình về vấn đề này.
Những sai lầm của chúng ta
Tôi đã từng tham dự các buổi triển lãm về chủ đề lịch sử hay các buổi thuyết trình của một số diễn giả có liên quan đến lịch sử. Phản hồi phổ biến mà tôi nghe thấy được từ khán giả là họ rất yêu thích lịch sử. Hoặc, “trước kia tôi cứ nghĩ lịch sử là môn học khô khan và khó nhớ, nhưng bây giờ tôi thấy môn Lịch sử thật hay và thú vị”. Nhưng nhiều khán giả cũng nói: “đây không phải là lịch sử, nó làm gì có ngày tháng và sự kiện rõ ràng”. Một trường hợp khác khi cô cháu gái của tôi, mang theo một đống bài tập lịch sử về nhà và nhờ tôi trợ giúp. Thành thực mà nói, nếu tôi là học sinh tôi cũng cảm thấy những bài tập đó thật nhàm chán. Và có lẽ, môn lịch sử đã bị giết chết một cách tức tưởi như vậy.
Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta cần đặt ra hai vấn đề lớn và thảo luận, suy nghĩ về nó một cách thực sự nghiêm túc:
- Tại sao chúng ta bắt trẻ em phải học những thứ này?
- Làm thế nào để nuôi dưỡng niềm yêu thích lịch sử của học sinh?
Một thực tế khó khăn mà chúng ta cần phải chấp nhận là phần lớn học sinh ngày nay không tiếp thu hoặc không muốn tiếp thu những kiến thức lịch sử mà chúng ta đang dạy. Điều này được thể hiện quá rõ đến mức tôi chẳng cần phải minh chứng thêm. Ví như, một chương trình truyền hình thực tế nào đó, khi phóng viên hỏi những kiến thức lịch sử tối thiểu và cơ bản nhưng người được phỏng vấn vẫn trả lời sai. Thậm chí những câu trả lời còn gây cười cho người xem khi nó ngu ngơ, ngờ nghệch đến khó tin. Thậm chí tất cả chúng ta đều hỏi, “Làm sao lại không biết được những điều tối thiểu đó?” Mặc dù, ai cũng đã được học môn lịch sử khi họ còn đi học, nhưng tại sao học sinh lại không thể nhớ được những gì đã học. Điều này đặt ra những câu hỏi hết sức nghiêm túc về các phương pháp giảng dạy lịch sử mà chúng ta đã áp dụng trong quá khứ.
Vấn đề nằm ở chỗ, môn Lịch sử mà chúng ta đang dạy không thực sự giúp học sinh làm chủ kiến thức và mang đến niềm yêu thích lịch sử. Thay vào đó, nó phục vụ cho các mục đích khác, chẳng hạn như trách nhiệm công dân, lòng yêu nước và niềm tự hào về di sản của một vài cá nhân. Nhưng đó không phải là lịch sử – chúng ta đã làm cong nó khi cố gắng dùng nó để đạt được những mục tiêu như vậy. (Chúng ta vẫn thường làm điều này với môn Toán hay Đọc hiểu?) Chúng ta bắt buộc trẻ em phải học về nhân vật này hoặc “sự kiện quan trọng” kia và sau đó vùi dập chúng bằng một thứ mà 90 phần trăm học sinh sẽ quên đó là bài kiểm tra cuối kì/cuối cấp.
Trong thời đại mà học tập là quá trình suốt đời, có lẽ chúng ta nên phát triển niềm yêu thích nghiên cứu quá khứ bằng cách cho phép học sinh tự quyết định những gì chúng yêu thích về lịch sử.
Lịch sử vốn dĩ rất thú vị
Mọi người đều quan tâm đến lịch sử một cách tự nhiên. Làm thế nào mà con người có thể sống mà không có lịch sử được? Các nhà sử học đã kể những câu chuyện được lưu truyền hàng ngàn năm. Lịch sử có đầy đủ tất cả các yếu tố tạo nên sự hấp dẫn tự nhiên một cách tuyệt vời: chính kịch, lãng mạn, chiến tranh, tội phạm và các nhân vật. Sự thật lịch sử thực sự phong phú, đa dạng và đáng yêu hơn rất nhiều. Nó khác hoàn toàn với những con số, ngày tháng, một vài nhân vật khô khốc không có cảm xúc và tính cách. Nếu mục tiêu duy nhất của lịch sử chỉ là cung cấp sự kiện (để đi thi) hay áp đặt những cách suy nghĩ, những giá trị của người lớn thì có lẽ các giáo viên lịch sử sẽ ngày càng mất điểm trong mắt học sinh của mình và lịch sử sẽ trở nên xa lạ với thế hệ trẻ.
Tôi cho rằng, nếu học sinh có được tình yêu lịch sử từ việc tiếp xúc với môn học này trước khi học đại học, thì đó sẽ là điều vô cùng quý giá, hơn bất kỳ kiến thức cụ thể nào về “các sự kiện quan trọng” mà chúng đã học. Nếu tôi được quyền quyết định, tôi sẽ loại bỏ một nửa những gì đang dạy trong chương trình môn lịch sử hiện nay. Những điều chúng ta đang dạy là những dấu tích từ một thời đại lịch sử khác – không phải thời đại của học sinh. Học sinh sẽ chẳng thấy một mối liên hệ nào giữa cuộc sống của chúng với các thành bang ở Hi Lạp. Mục tiêu của ta là khiến học sinh yêu thích nghiên cứu về quá khứ bằng cách kết nối với các mối quan tâm trong cuộc sống của chúng. Chúng ta có thể kết hợp lịch sử vào âm nhạc? Xe hơi? Thời trang? Giải trí? Các môn thể thao? Yêu cầu học sinh khám phá lịch sử của một môn học mà họ đã yêu thích là một cách tuyệt vời để dạy kiến thức lịch sử và liên hệ của nó với thực tế. Trong thế kỷ 21, đây là giá trị thực tiễn lớn nhất mà nghiên cứu về quá khứ mang lại cho chúng ta. Mỗi học sinh sẽ có những câu chuyện, thời đại, con người và địa điểm khác nhau khiến học sinh thích thú.
Tôi khuyến khích học sinh theo đuổi sở thích của chúng và quên đi những gì chúng “nên” biết. Đó là những gì chúng ta nên dạy cho chúng.
Để có thêm ý tưởng về những cách sáng tạo để làm cho môn Lịch sử trở nên hấp dẫn và thú vị hơn, các thầy cô có thể tham khảo bộ tài liệu 101 Ý tưởng sáng tạo tổ chức hoạt động dạy học lịch và suy nghĩ về cách bạn có thể sử dụng quan điểm này trong lớp học của riêng bạn.
Giáo viên Lịch sử
____________________________________________________________________________________
Bài viết này thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.
[…] Giáo viên yêu cầu học sinh: Thiết kế một poster thể hiện cảm nhận của em về hậu quả của chiến tranh đối với con […]