HỎI – ĐÁP VỀ TƯ LIỆU GỐC TRONG GIẢNG DẠY LỊCH SỬ

Quá trình đổi mới nội dung và phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, cùng với những chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Giáo Dục, khiến cho việc sử dụng tư liệu gốc trong dạy học lịch sử bắt đầu được coi trọng. Các tài liệu tham khảo về tư liệu gốc và hướng dẫn sử dụng tư liệu gốc trong quá trình dạy học được xuất bản ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng tư liệu gốc cũng nảy sinh một số thắc mắc, băn khoăn của giáo viên. Chúng tôi sẽ giải đáp các vấn đề này dưới dạng hỏi đáp để thầy cô tiện theo dõi..
  1. Cái gì là tư liệu gốc và không phải tư liệu gốc?

Ở đây tôi không nói lại khái niệm tư liệu gốc, mà chỉ nhấn mạnh rằng KHÔNG PHẢI cứ là tác phẩm sử học cổ thì là tư liệu gốc. Cũng không phải cứ tác phẩm của các tác giả kinh điển (như Marx, Enghels,…) thì là tư liệu gốc.

  1. Các tác phẩm sử học như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục,… có phải là tư liệu gốc không?

Không. Các tác phẩm đó chỉ là tư liệu thứ cấp vì hai lý do. Thứ nhất, nó ra đời sau khi sự kiện đã xảy ra, thậm chí là ra đời rất lâu sau sau đó. Thứ hai, nó được viết ra dựa trên việc tham khảo, tổng hợp từ các tư liệu khác.

  1. Các tác phẩm trên mà không phải tư liệu gốc, liệu nó còn có giá trị?

Nó vẫn có giá trị như thường. Vì khi đánh giá tư liệu, chúng ta cần phải dựa vào hai yếu tố là tính chính xác và độ tin cậy. Những tư liệu này vẫn có thể được dùng để so sánh, đối chiếu với các tư liệu khác.

  1. Bản thân tư liệu thứ cấp có thể được xem như tư liệu gốc hay không?

Có. Bản thân tư liệu thứ cấp có thể chính là tư liệu gốc nhưng phải trong một mối quan hệ khác, một hệ quy chiếu khác. Ví dụ, sách giáo khoa là tư liệu thứ cấp khi nghiên cứu về các sự kiện lịch sử. Nhưng chính sách giáo khoa lại là tư liệu gốc khi nghiên cứu về chương trình giáo dục hay quan điểm, cách tiếp cận của đội ngũ tác giả,…

  1. Tư liệu gốc trong nghiên cứu và tư liệu gốc trong giảng dạy có gì khác nhau?

Tư liệu gốc trong nghiên cứu là các hiện vật, văn bản, tài liệu… ra đời tại thời điểm xảy ra sự kiện và còn tồn tại cho đến ngày nay. (coi trọng tính nguyên bản)

Tư liệu gốc sử dụng trong giảng dạy có thể đa dạng, phong phú hơn.

Đối với các hiện vật, thay vì hiện vật thật, chúng ta chấp nhận các tiêu bản, hiện vật tái tạo. Hoặc, chúng ta chấp nhận các hình ảnh, video về các tư liệu gốc. Ví dụ, bút tích của chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là tư liệu gốc trong nghiên cứu. Nhưng trong quá trình giảng dạy, chúng ta chấp nhận bản chụp lại bút tích của lời kêu gọi đó hoặc thậm chí, chấp nhận bản đánh máy lại nội dung của lời kêu gọi và sử dụng, khai thác nó như một tư liệu gốc.

Đối với các tác phẩm văn học, các tác phẩm bằng tiếng nước ngoài,… trong giảng dạy, chúng ta cũng chấp nhận bản phiên âm và bản dịch nghĩa (thậm chí cả bản dịch thơ) như một tư liệu gốc.

  1. Vậy có nghĩa là, trong dạy học chúng ta chấp nhận và tin tưởng vào các “phiên bản” của tư liệu gốc?

Câu trả lời là tùy từng tình huống. Nếu các phiên bản của tư liệu gốc đã được thẩm định và phản ánh trung thực nội dung, tính chất của tư liệu gốc (ví dụ như bản dịch một bộ luật, một tác phẩm văn học), chúng ta có thể tin tưởng và sử dụng bình thường.

Nếu phiên bản phản ánh không hoàn toàn chính xác, thậm chí là sai lệch, chúng ta phải tiến hành đối chiếu phiên bản đó với bản gốc và thực hiện việc phê phán tư liệu.

  1. Có phải cứ tư liệu gốc là chính xác và đáng tin?

Không phải cứ tư liệu gốc là đáng tin và chính xác. Bản thân tư liệu gốc cũng có những hạn chế:

– Định kiến, thiên lệch, thể hiện rõ nét quan điểm góc nhìn của một cá nhân

– Chỉ phản ánh một khía cạnh mà chưa bao quát, toàn diện

– Khó kiểm chứng, do không biết tác giả hoặc tác giả đã chết.

– Danh tính không rõ ràng (nhất là đối với các văn bản hành chính nhà nước)

– Đôi chúng ta chỉ tiếp cận được một phần, phần còn lại có thể bị hư hỏng, thất lạc,…

  1. Khai thác tư liệu khác gì so với việc sử dụng tư liệu để minh họa?

Khai thác tư liệu nghĩa là tìm hiểu nội dung, nhận ra động cơ, mục đích, thông điệp, đối tượng hướng đến… chỉ ra quan điểm, lập trường, định kiến của tư liệu. Từ đó so sánh, đối chiếu nó với các tư liệu khác.

Dùng tư liệu để minh họa nghĩa là, nói/giảng về một sự kiện hoặc một quan điểm. Sau đó dùng đoạn tư liệu như một ví dụ để chứng minh, minh họa cho quan điểm đó.

Khai thác tư liệu, học sinh là người tích cực, chủ động. Hướng tới hình thành năng lực tư duy phản biện.

Dùng tư liệu để minh họa, giáo viên là người chủ động, học sinh là người lắng nghe. Hướng tới giáo dục đạo đức hoặc “thao túng tâm lý”.

  1. Có thể cho ví dụ về việc sử dụng tư liệu theo hai cách như trên được không?

Được chứ, hãy tham gia cùng chúng tôi trong workshop online về “Khai thác và sử dụng tư liệu gốc trong dạy học Lịch sử” để có thể tìm hiểu rõ hơn.

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSfxVoLf4swtJquHxoDrTpgw7qhTrRlpscnp3ENFobfABulLig/viewform

Nguyễn Hữu Long

_____________________________________________________________________________________________________

(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)

 

Dạy học Lịch sửKhai thác tư liệu gốcTư liệu gốc
Comments (0)
Add Comment