Tại sao học sinh lại ghét học môn Lịch sử?
Nếu bạn đặt câu hỏi cho một học sinh bất kỳ: “Bạn ghét môn học nào nhất?” thì hầu hết câu trả lời nhận được sẽ là MÔN LỊCH SỬ. Điều này được thể hiện qua việc điểm số môn Lịch sử thường thấp, học sinh trượt các kỳ thi lịch sử, học sinh không chú ý trong giờ học lịch sử, học sinh không muốn lắng nghe và không muốn đặt bất kỳ câu hỏi nào cả, học sinh không làm bài tập một cách nghiêm túc và cả việc ghét các giáo viên dạy lịch sử…
Nếu đặt câu hỏi cho một học sinh bất kỳ: “Bạn ghét môn học nào nhất?” thì hầu hết câu trả lời nhận được sẽ là MÔN LỊCH SỬ. Điều này được thể hiện qua việc điểm số môn Lịch sử thường thấp, học sinh trượt các kỳ thi môn lịch sử, học sinh không chú ý trong giờ học, học sinh không muốn lắng nghe và không muốn đặt bất kỳ câu hỏi nào cả, học sinh không làm bài tập một cách nghiêm túc và cả việc ghét các giáo viên dạy lịch sử…
Tại sao lại có tình trạng như vậy? Tại sao hầu hết học sinh gặp khó khăn khi học lịch sử? Dưới đây là một số lý do:
- Không có nhiều ứng dụng thực tế
Hầu hết học sinh đều nói rằng môn Lịch sử không có nhiều ứng dụng trong thực tế thậm chí là chẳng có liên quan gì đến cuộc sống hiện tại. Vâng, chúng ta hãy dũng cảm đối mặt với sự thật này, Lịch sử không có nhiều ứng dụng thực tế như các môn Vật lý, Địa lý hoặc Sinh học. Môn Lịch sử, đề cập đến các sự kiện, biến cố xảy ra cách đây rất nhiều năm hoặc nhân vật từ nhiều thế kỷ trước. Cũng không có nhiều phương tiện trực quan để học sinh cảm nhận được một cách rõ ràng, sinh động và dễ hiểu.
Địa lý, Vật lý hoặc Sinh học liên quan đến việc nghiên cứu và giải thích các hiện tượng thực tế. Điều này khiến cho chúng trở nên thú vị và dễ nhớ hơn. Ở môn Lịch sử, đa số học sinh phàn nàn rằng chúng phải cố gắng để ghi nhớ các sự kiện với mong muốn vượt qua kỳ thi.
- Phương pháp giảng dạy nhàm chán
Điều này giải thích vì sao khi nghĩ đến lịch sử là ngay lập tức người ta liên hệ đến những cuốn sách khổng lồ, dày cộp. Một cách khá phổ biến, khi chúng ta đi ngang qua bất kỳ lớp học lịch sử nào, chúng ta đều nhìn thấy giáo viên đang giảng bài còn học sinh thì ngồi yên lắng nghe (thậm chí là ngủ gật). Phương pháp giảng dạy chủ yếu là thuyết trình, giảng và ghi rồi lại ghi và giảng. Điều này dẫn đến sự nhàm chán của học sinh. Sự nhàm chán khiến học sinh cảm thấy môn học này thực sự đáng ghét.
Yêu cầu của bộ môn buộc học sinh phải ghi nhớ rất nhiều, vì Lịch sử liên quan đến tên nhân vật, địa danh, ngày tháng và các sự kiện đã xảy ra nhiều năm trước. Thậm chí có những giáo viên còn yêu cầu học sinh phải nhớ chi tiết tỉ mỉ đến từng con số cụ thể. Nếu là bạn hẳn bạn cũng thấy nhàm chán phải không?
- Nội dung không còn phù hợp
Hầu hết học sinh đều tin rằng môn Lịch sử sẽ không giúp ích gì cho các em trong tương lai. Điều này không phải do bản thân môn Lịch sử mà do cách dạy lịch sử gây nên. Học sinh ngày nay quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của cuộc sống hiện đại mà lịch sử thì lại là vấn đề của quá khứ. Nhiều vấn đề trong mắt của người lớn, của thế hệ trước là quan trọng nhưng với thế hệ trẻ thì không phải như vậy. Ngược lại nhiều vấn đề mà thế hệ trẻ quan tâm nhưng lịch sử lại không hề nhắc đến.
Đương nhiên, khi chúng ta bị bắt buộc phải học một điều mà chúng ta không quan tâm, không cảm thấy thích thú thì chắc chắn đó sẽ là một điều vô cùng khó chịu.
Tuy nhiên, nói đi vẫn phải nói lại, vẫn phải khẳng định rằng, môn Lịch sử thực sự là một môn học có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ giúp chúng ta biết được về quá khứ, hiểu được cội nguồn mà còn rèn luyện và phát triển tư duy của học sinh đặc biệt là tư duy phản biện. Lịch sử sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu được về cha ông, tổ tiên mình, tránh được những sai lầm của thế hệ trước để kiến tạo cuộc sống nhân văn và hạnh phúc hơn.
Vậy, làm thế nào để cải thiện việc học tập môn Lịch sử, tạo hứng thú và yêu thích của học sinh?
Lịch sử là một trong những môn học thú vị nhất, nhưng chỉ khi giáo viên tìm ra những kỹ thuật giảng dạy hiệu quả để truyền tải thông tin, phát triển tư duy cho học sinh của mình. Chúng tôi sẽ đưa ra một số gợi ý để cải thiện quá trình học tập môn học này bao gồm;
1. Việc học tập nên lấy học sinh làm trung tâm
Khi dạy môn Lịch sử, giáo viên phải chú trọng đến đối tượng người học hơn là các sự kiện lịch sử, coi trọng sự hứng thú và khả năng nhận thức của người học hơn là những yêu cầu của chương trình. Giáo viên phải nhận ra năng lực và sự khác biệt về trình độ, sở thích, hứn thú của từng đối tượng học sinh để có những điều chỉnh kịp thời.
2. Sử dụng phương pháp dạy học tích cực
Đã qua rồi thời của thầy đọc chính tả và trò chép, đã xưa rồi những cuốn sách dày cộp và vở ghi chất đống sự kiện. Tại sao không thêm gia vị cho môn học bằng cách áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực như trạm góc, bể cá, khăn trải bàn, phòng tranh,… Tại sao không như sử dụng phim tài liệu, các tư liệu âm thanh hoặc học tại thực địa. Tại sao không ứng dụng các trò chơi trong học tập?… Tất cả những phương pháp này đã được chứng minh là giúp học sinh ghi nhớ và lưu giữ thông tin một cách dễ dàng hơn.
3. Kết nối lịch sử với cuộc sống
Học sinh nói rằng Lịch sử là môn học không thực tế; Tại sao không thử khám phá các hoạt động như tham quan Viện bảo tàng, nơi học sinh có thể tiếp xúc trực tiếp với một số sự kiện và được tương tác với các hiện vật? Tại sao không đi thực địa, tham quan, đến các di tích để thử làm việc như một nhà sử học? Tại sao không thử tìm và cho học sinh nhận thấy những cách nghĩ, cách làm, cách tư duy của con người ngày hôm nay chịu ảnh hưởng như thế nào từ quá khứ?… Không gì giết chết các môn học dễ dàng hơn việc tách rời nó khỏi cuộc sống…
Để làm được điều đó, hẳn không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi người giáo viên phải có sự học tập, nỗ lực và tìm tòi cả về chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy. Chừng nào chúng ta chưa có sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy, chừng đó môn lịch sử vẫn là nỗi sợ hãi và ám ảnh của học sinh.
Hãy cố gắng để học sinh của chúng ta yêu thích môn Lịch sử hơn bởi vì môn Lịch sử xứng đáng nhận được điều đó!
Giáo Viên Lịch sử
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.
Còn 1 điều rất quan trọng nữa là thi môn Lịch sử quá khó với học sinh. Vì sao môn Lịch sử luôn có điểm thi thấp nhất cả nước? Đề thi của Sử dù có hình thức là trắc nghiệm khách quan nhưng câu hỏi vẫn mang tính chất giáo điều, học thuộc. Một câu là dễ theo người ra đề ví dụ như: Tổ chức nào không ra đời năm 1929? (Đáp án là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên) nhưng nếu không học thì học sinh không bao giờ trả lời đúng được. Các câu hỏi vận dụng thì mang tính chất đánh đố, tư duy, chơi chữ ( ví dụ những từ như “cơ bản”, “quyết định”, “quan trọng”, học sinh phải học thuộc ý nghĩa của các sự kiện mới có thể trả lời đúng). So sánh là khập khiễng nhưng những môn xã hội còn lại hãy nhìn vào điểm thi và ưu thế như Giáo dục công dân có tính thực tiễn cao, Địa lý cho phép sử dụng Atlat…
Cảm ơn bạn, hoàn toàn chính xác ạ!