Thu hút sự quan tâm của học sinh Tiểu học với môn Lịch sử
Khi học sinh lớn hơn, việc nghiên cứu lịch sử đương nhiên đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự phức tạp hơn. Nhưng nếu chúng ta không lôi cuốn được sự quan tâm, tình yêu ban đầu của học sinh đối với môn học, giáo viên sẽ rất vất vả để giảng dạy trong nhiều năm sau đó.
Lịch sử là một môn học khó, điều này khiến cho nhiều học sinh cảm thấy không hứng thú, thậm chí là sợ hãi khi phải đối diện với môn học này. Điều này dường như còn phức tạp hơn rất nhiều đối với học sinh ở độ tuổi tiểu học. Trong quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy rằng, các đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để có thể lôi cuốn được sự tham gia của học sinh vào các tiết học (nếu không dùng đến nội quy). Mọi người đều nhận thấy, lịch sử quá phức tạp với ngày tháng, sự kiện, quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá. Dường như điều này là quá sức đối với học sinh tiểu học. Có ba giả định về việc dạy học Lịch sử ở Tiểu học thường được các giáo viên đưa ra:
- Trẻ nhỏ không thể tiếp nhận và xử lý các vấn đề lịch sử phức tạp.
- Để tiếp cận lịch sử, trẻ nhỏ cần bắt đầu vấn đề đơn giản, tồn tại trong thế giới thực, thông qua các phương tiện trực quan.
- Chỉ cần ghi nhớ những ngày tháng là quan trọng nhất.
Những giả định này dường như rất phù hợp, nhưng lại vô tình đưa đến một mối nguy hiểm. Đó là tình trạng đơn giản hóa, hiện đại hóa và cắt gọt một cách máy móc các sự kiện lịch sử. Hay trong một số trường hợp, đó là việc biến việc học lịch sử trở thành những bài đọc tóm tắt các sự kiện cần ghi nhớ và học thuộc.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể tiếp cận các bài học lịch sử theo một cách khác?
Trong quá trình dạy các học sinh tiểu học, tôi nhận ra rằng, học sinh hoàn toàn có thể tiếp cận với những vấn đề lớn của lịch sử. Thậm chí, học sinh tiểu học còn có thể tiếp cận được cả các vấn đề mang ý nghĩa triết học. Ví dụ như vấn đề về sự xuất hiện và diệt vong của loài khủng long, sự tiến hóa của loài người, người Ai Cập cổ đại, người La Mã, sự phát triển của xe lửa, v.v.
Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải nhớ, đó là học sinh phải được tự do lựa chọn những gì chúng sẽ học. Bằng cách đó, học sinh có hứng thú, tò mò và bị cuốn hút bởi các vấn đề lịch sử.
Nhưng làm thế nào học sinh tiểu học có thể hiểu được chiều sâu nội dung của các chủ đề như vậy? Làm thế nào chúng có thể nhớ tên các nhân vật và ngày tháng? Phải thừa nhận rằng học sinh tiểu học có thể không làm được điều đó. Nhưng theo quan điểm của tôi, điều còn quan trọng hơn cả việc ghi nhớ ngày tháng, đó là tình yêu đối với lịch sử. Khi lớn lên, học sinh hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn tư liệu, có các công cụ để tìm ra câu trả lời cho những điều chúng chưa biết. Và ngược lại, nếu như học sinh chán ghét môn học ngay từ thời tiểu học, thì có lẽ, việc dạy lịch sử ở các cấp học sau đó sẽ là một thử thách lớn.
Đối với học sinh tiểu học, kể chuyện là một cách tuyệt vời để giúp môn lịch sử trở nên sống động. Nhiều giáo viên đã rất thành công trong việc thu hút sự hứng thú của học sinh bằng những câu chuyện hấp dẫn trước khi đi sâu vào việc đọc và phân tích các tư liệu. Chính vì thế, hãy sử dụng thật nhiều các câu chuyện thú vị, từ câu chuyện về những con khủng long đến Hippocrates, Bạo chú Nê-rô đến cuộc sống trong các lâu đài thời Trung cổ… Không chỉ là các câu chuyện thú vị, giáo viên còn phải học cách kể chuyện sao cho thật lôi cuốn và hấp dẫn.
Kĩ năng ghi nhớ và sắp xếp trật tự của sự kiện
Ngay sau khi kể chuyện, hãy thử để trẻ ngồi và kể lại câu chuyện. Điều này sẽ giúp củng cố kỹ năng đọc và cũng kết nối các kiến thức lịch sử với kỹ năng nghe và nói.
Hoạt động này cũng giúp học sinh dần làm quen với kĩ năng đặc thù của bộ môn, về trật tự của các sự kiện và mối quan hệ của các sự kiện lịch sử.
Đối với bậc tiểu học, giáo viên có thể phát triển kĩ năng sắp xếp, mô tả các sự kiện theo đúng trật tự thời gian bằng cách thiết kế các timeline dưới đây:
- Sử dụng ý tưởng của học sinh, những mốc thời gian quan trọng trong lịch sử mà chúng muốn biết.
- Sử dụng hình ảnh gắn với cuộc sống của học sinh.
- Tạo một mô hình timeline (2D hoặc 3D để trang trí xung quanh lớp học).
- Đối với học sinh lớn hơn, hãy thiết kế timline có các tỉ lệ tương ứng với khoảng cách giữa các năm.
Khi học sinh lớn hơn, việc nghiên cứu lịch sử đương nhiên đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự phức tạp hơn. Nhưng nếu chúng ta không lôi cuốn được sự quan tâm, tình yêu ban đầu của học sinh đối với môn học, giáo viên sẽ rất vất vả để giảng dạy trong nhiều năm sau đó.
Việc giảng dạy lịch sử theo cách tuyệt vời và hấp dẫn sẽ giúp học sinh của bạn nuôi dưỡng tình yêu đối với môn lịch sử trong tương lai.
Giáo viên Lịch sử
_______________________________________________________________________________________
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.