DẠY VỀ CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ

Việc dạy các sự kiện lịch sử tách rời với nhân vật bao gồm nguồn gốc xuất thân, yếu tố gia đình, nền tảng giáo dục được thụ hưởng, thể chất và tính cách cá nhân… đã khiến cho chúng ta không thể lý giải một cách toàn diện về những nguyên nhân dẫn đến sự kiện. Từ đó không thể đánh giá một cách thấu đáo về các nhân vật, không thể có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về giai đoạn lịch sử đó.

0 2,947

Khi dạy lịch sử, hầu hết chúng ta đều giảng dạy về các nhân vật, nhưng việc giảng dạy chủ yếu dừng lại ở việc kể chuyện, giới thiệu, tạo biểu tượng về nhân vật. Những gì còn lại trong đầu học sinh về các nhân vật thường là những chi tiết li kỳ, những sự kiện giật gân trong cuộc đời nhân vật hay một vài hành động “ấn tượng” mà nhân vật đã làm. Rất hiếm khi một nhân vật Lịch sử được tách ra thành một bài riêng, được dạy thành một hệ thống cho học sinh (trừ nhân vật Nguyễn Ái Quốc). Điều này dẫn đến những hệ quả không tốt đối với nhận thức lịch sử của người dạy và người học.

Ví dụ, khi dạy về nhà Nguyễn, chúng ta sẽ nhận ra các vị vua nhà Nguyễn, từ Gia Long, Minh Mạng, cho đến Thiệu Trị, Tự Đức, mỗi người một cá tính, mỗi người có một chính sách cai trị nội trị và ngoại giao riêng. Và tương tự như vậy, mỗi triều đại cũng có những điểm mạnh và điểm yếu, tích cực và hạn chế khác nhau. Việc dạy các sự kiện lịch sử tách rời với nhân vật bao gồm nguồn gốc xuất thân, yếu tố gia đình, nền tảng giáo dục được thụ hưởng, thể chất và tính cách cá nhân… đã khiến cho chúng ta không thể lý giải một cách toàn diện về những nguyên nhân dẫn đến sự kiện. Từ đó không thể đánh giá một cách thấu đáo về các nhân vật, không thể có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về giai đoạn lịch sử đó.

Vì vậy, trong quá trình dạy học, thay vì dạy các giai đoạn lịch sử, tiếp cận các vấn đề lịch sử theo lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chúng ta có thể đặt ra cách tiếp cận mới. Đó là, dạy lịch sử theo từng triều đại, tiếp cận với tiểu sử của từng vị vua. Tôi tin rằng, nếu học sinh được học về tính cách của vua Tự Đức, cũng như đặc điểm thể chất của nhà vua, chắc chắn học sinh cũng sẽ có thêm những kiến giải mới về lý do vì sao Tự Đức lại ký các hiệp ước với Pháp. Và một khi hiểu rõ được về quan điểm, cách nhìn của Tự Đức về vùng đất Nam Kỳ, cũng sẽ hiểu vì sao, nhà Nguyễn lại chủ trương kí hiệp ước Nhâm Tuất (1862) và muốn dùng tiền để chuộc lại vùng đất này.

Một ví dụ khác, khi dạy về lịch sử La Mã cổ đại, hầu như chúng ta đều tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, các giai đoạn phát triển hay những thành tựu văn hóa của quốc gia này,… Nhưng nếu dừng lại một chút, chúng ta thử hỏi ngược lại một số vấn đề như: Caesar là ai? Augustus có những đóng góp gì? Họ đã làm những gì? Lãnh thổ của Roma đã thay đổi như thế nào giữa hai giai đoạn này? Hay đơn giản hơn, là trong thời kì cai trị của họ,  người dân La Mã, ăn, ở, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí như thế nào? Chắc học sinh (và cả giáo viên) đều cảm thấy khá lúng túng. Có thể thấy, cách dạy này, khiến chúng ta bao quát được gần như toàn bộ các nội dung (bề rộng), nhưng vô hình chung, lại làm mất đi tính sâu sắc và hệ thống của sự kiện (bề sâu). Mà theo nguyên tắc của nhận thức, tri thức chỉ tồn tại trong não bộ khi nó có đủ độ sâu mà thôi. Tất cả những kiến thức bề nổi sẽ nhanh chóng bị lãng quên.

Trong ví dụ dưới đây, tôi sẽ đưa ra một bài dạy trên thực tế về một nhân vật trong lịch sử La Mã cổ đại:  AUGUSTUS – HOÀNG ĐẾ ĐẦU TIÊN CỦA LA MÃ. Các thầy cô có thể sử dụng nó như một tài liệu tham khảo trong chương trình môn Lịch sử lớp 6 hoặc lớp 10. Đối với một số trường học, giáo viên được chủ động trong việc xây dựng và thiết kế chương trình, các thầy cô có thể dùng tài liệu này để dạy thành một bài độc lập trong chương trình.

Nguyễn Hữu Long

________________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý của tác giả và có trích dẫn nguồn đẩy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.