Hoạt động tranh biện về một vấn đề Lịch sử

Hoạt động tranh biện này được mô phỏng format của sự kiện trong các cuộc thi tranh biện. Học sinh, đưa ra dàn ý khung tranh luận của mình trong một phút và sau đó phản ứng nhanh với ý tưởng của đối thủ. Chiến lược này giúp học sinh thực hành các kĩ thuật sử dụng bằng chứng và bảo vệ một quan điểm về một vấn đề lịch sử.

1 1,667

Hoạt động tranh biện này được mô phỏng format của sự kiện trong các cuộc thi tranh biện. Học sinh, đưa ra dàn ý khung tranh luận của mình trong một phút và sau đó phản ứng nhanh với ý tưởng của đối thủ. Chiến lược này giúp học sinh thực hành các kĩ thuật sử dụng bằng chứng và bảo vệ một quan điểm về một vấn đề lịch sử. Bởi vì học sinh không có nhiều thời gian chuẩn bị, nên hoạt động này sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi học sinh đã có thông tin cơ bản về chủ đề. Thông qua hoạt động này, học sinh ngày càng trở nên thoải mái và thành thạo trong việc sử dụng phương pháp tranh biện để khám phá nội dung của một vấn đề cũng như những quan điểm đối lập về vấn đề đó.

Các bước thực hiện

  1. Chuẩn bị
    Chia lớp làm đôi. Chỉ định một bên giữ vị trí “ủng hộ” và bên kia đảm nhận vị trí “phản đối”. Yêu cầu học sinh di chuyển bàn để tạo nên vị trí ngồi đối diện với một đối thủ. Viết một vấn đề/chủ đề lịch sử gây tranh cãi lên bảng (ví dụ: “Việc sử dụng các phương pháp bất bạo động trong đấu tranh giành độc lập dân tộc mang tính ưu việt hơn so với sử dụng bạo lực” hoặc “Việc các quốc gia phương Tây trao trả độc lập cho các nước thuộc địa là một xu thế tất yếu”). Lưu ý là vấn đề lịch sử này phải có sự liên quan đến nội dung bài học, học sinh cũng đã có một số thông tin cơ bản về vấn đề này.
  2. Học sinh Brainstorm các ý tưởng
    Dành cho học sinh một đến hai phút để viết ra các quan điểm, lập luận và bằng chứng ủng hộ hoặc chống lại vấn đề mà giáo viên đưa ra. Giáo viên có thể cung cấp cho học sinh các mẫu phiếu có sẵn để giúp học sinh cấu trúc ý tưởng của mình và ghi chép trong suốt cuộc tranh luận.
  3. Học sinh trình bày quan điểm “mở đầu”
    Các học sinh “ủng hộ” trình bày phần mở đầu trong một phút nêu quan điểm của mình, trong khi các học sinh “phản đối” im lặng lắng nghe và ghi chép. Sau đó, học sinh “phản đối” trình bày quan điểm của mình trong một phút trong khi học sinh “đồng tình” im lặng lắng nghe và ghi chép.
  4. Học sinh thảo luận
    Cho học sinh 30 giây để chuẩn bị ý tưởng muốn phản biện lại quan điểm của đối phương. Sau đó, mời các cặp học sinh tham gia vào một cuộc thảo luận kéo dài ba phút, trong đó học sinh có thể đặt câu hỏi về lý luận hoặc các bằng chứng, ví dụ của đối phương hoặc đưa ra những quan điểm mới của riêng mình.
  5. Học sinh trình bày quan điểm “kết luận”
    Cho học sinh 30 giây hoặc một phút để chuẩn bị cho lần phát biểu kết thúc. Học sinh “nhóm phản đối” trình bày kết luận trong một phút trong khi học sinh “đồng tình” im lặng lắng nghe, sau đó đổi vai.
  6. Hoạt động suy ngẫm
    Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh hoạt động suy ngẫm sau khi thực hành xong hoạt động này:
  • Bạn học được gì từ việc tham gia cuộc tranh biện này?
  • Các quan điểm, lập luận ủng hộ hoặc phản đối vấn đề này là gì?
  • Những giá trị, mô thức ẩn sau quan điểm của mỗi nhóm là gì?
  • Điều gì khó nhất khi tham gia vào cuộc tranh luận kiểu này? Bạn thích gì về nó?
  • Hình thức của cuộc tranh luận có nên được điều chỉnh? Theo bạn thì nên điều chỉnh như thế nào?

Giáo viên nên yêu cầu học sinh suy ngẫm và trả lời các câu hỏi này vào phiếu hoặc vở ghi, trước khi tổ chức một cuộc thảo luận trước lớp và yêu cầu học sinh chia sẻ.

Biến thể của hoạt động

  • Hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm bằng chứng: Hoạt động tranh biện này có thể được sửa đổi để học sinh có thêm giới gian thu thập bằng chứng để bảo vệ quan điểm và lập trường của chúng. Hoạt động nghiên cứu có thể không chính thức như cho học sinh thời gian xem qua các ghi chép hoặc tài liệu mà chúng đã chuẩn bị (có thể là bài tập về nhà vào tối hôm trước) hoặc có thể mở rộng như một dự án nghiên cứu chính thức.
  • Kỹ thuật mảnh ghép: Trước tiên, học sinh có thể tạo nên các nhóm theo kĩ thuật mảnh ghép, gọi là các nhóm “chuyên gia” và nhóm chuyên gia (cặp đôi hoặc bộ ba) để cùng nhau phát triển ý tưởng trước khi bắt đầu cuộc tranh biện.
  • Kĩ thuật bể cá: Một nửa lớp có thể tranh luận trong khi nửa lớp còn lại quan sát. Sau đó, các vị trí chuyển đổi. Trong biến thể của hoạt động này, tất cả học sinh có thể tranh luận về cùng một chủ đề (nhóm thứ hai học hỏi kinh nghiệm của nhóm đầu tiên) hoặc họ có thể tranh luận về các chủ đề khác nhau trong mỗi vòng. Những người quan sát có thể ghi nhận những quan điểm, cách lập luận hiệu quả, thú vị nhất của cả hai bên.

Giáo viên Lịch sử

_________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

1 Comment
  1. […] Cách viết và sử dụng mục tiêu bài học kết nối với hoạt động dạy học […]

Leave A Reply

Your email address will not be published.