Vấn đề phiên âm các thuật ngữ trong sách giáo khoa Lịch sử

Hi vọng rằng, trong tương lai chúng ta có sự thống nhất về cách viết và phiên âm các thuật ngữ nói chung, thuật ngữ Lịch sử nói riêng để có thể sử dụng một cách thống nhất trong cách sách vở, tài liệu để thuận tiện và hiệu quả hơn trong quá trình giảng dạy.

0 859

Cách đây khá lâu, khi tôi còn dạy ở một trường Quốc tế, học sinh không được rành tiếng Việt cho lắm. Khi nói đến Hi Lạp và La Mã thì các em thấy rất lạ nhưng nói Greek và Roman Empire thì các em lại biết rất rõ.

Một em học sinh đã đặt câu hỏi cho tôi: Thưa thầy vậy chữ Hi Lạp và La Mã có nguồn gốc từ đâu ra vậy? Ai là người đã chuyển tên tiếng Anh của nó thành tên tiếng Việt như vậy.

Hôm nay, nhân đọc bản sách giáo khoa mới, lại nhớ đến câu hỏi đó mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp hợp lý. Câu hỏi của học sinh cũng như quá trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đó đã khiến tôi suy nghĩ kĩ hơn về vấn đề phiên âm các thuật ngữ trong sách giáo khoa Lịch sử

Thoạt nhìn, câu hỏi này tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại khiến các thầy cô phải đau đầu ở cả hai phương diện.

Thứ nhất, giáo viên phải rất vất vả mới tìm được cách để giải thích cho học sinh và cũng là giải thích cho chính mình. Làm thế nào để biết được thuật ngữ gốc để phiên âm qua tiếng Trung là gì? Khi phiên âm ra tiếng Trung thì tại sao lại có cách đọc theo âm của tiếng Việt? Chưa kể nhiều thuật ngữ đã được khúc xạ qua cách hiểu của tiếng Trung nên khi qua tiếng Việt rất khó để tìm lại thuật ngữ gốc.

Thứ hai, là sự bất đồng/không thống nhất giữa thuật ngữ chúng ta dạy và thuật ngữ được dùng chính thức bằng tiếng Anh mà học sinh được học trong các môn học khác. Một ngày kia đi du học hoặc tiếp xúc với người nước ngoài hay đơn giản là tìm kiếm tư liệu bằng tiếng Anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, học sinh học thuật ngữ Lưỡng Hà xong rồi, nó gặp người nước ngoài, hẳn các em sẽ dịch là Two River (trong khi tên của nó là Mesopotamia). Tôi hình dung lúc đó người nước ngoài cũng không thể hiểu được là chúng ta đang nói cái gì.

Chưa kể việc phiên âm không hề thống nhất, lúc thì dùng qua tiếng Trung, lúc thì qua tiếng Anh, lúc thì phiên âm trực tiếp từ ngôn ngữ của các quốc gia đó.

Vậy thì làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Sau một thời gian mày mò, tôi cũng đã tìm được câu trả lời cho hai từ bên trên. Các thầy cô cũng có thể sử dụng kinh nghiệm này để tra cứu một số thuật ngữ Lịch sử (tên nhân vật, địa danh…) phiên âm qua tiếng Trung:

– Bước 1: gõ tên tiếng Anh vào google dịch => dịch sang tiếng Trung

– Bước 2: Copy chữ viết và sử dụng từ điển Hán Việt để đọc thành tiếng việt

Ví dụ:

Nguồn gốc của từ La Mã chính từ chữ Roma => Dịch qua tiếng Trung là 羅馬 (âm đọc của nó là Luómǎ) => chuyển qua Từ điển Hán Việt sẽ đọc âm Việt thành La Mã

Từ Hi Lạp xuất phát từ chữ Greece => Dịch qua tiếng Trung là 希臘 (âm đọc là Xīlà) => chuyển qua âm Hán Việt sẽ là Hi Lạp

Về lâu dài, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào?

Tôi đã nhận thấy các tác giả của các bộ sách giáo khoa đã chú ý đến điều này khi đã sử dụng thuật ngữ gốc tiếng Anh trong toàn bộ cuốn sách (bộ Chân trời sáng tạo). Hoặc có bảng tra cứu thuật ngữ phiên âm và tiếng Anh cuối sách giáo khoa (bộ sách Cánh diều).

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần bổ sung phần giới thiệu thuật ngữ ở ngay phần đầu của mỗi bài hoặc phần chú thích ở ngay cuối trang. Cách làm này sẽ không làm ngắt mạch nhận thức của học sinh. Đồng thời, cách này cũng gợi mở học sinh tư duy về lịch sử thông qua quá trình phiên âm tên gọi của các địa danh, nhân vật.

Cùng với đó, chúng ta nên có cách viết đồng thời cả thuật ngữ gốc và phiên âm ngay trong các tài liệu. Ví dụ chúng ta có thể viết Xin-ga-po (Singapore) hoặc ngược lại Singapore (Xin-ga-po). Cách làm này cũng giúp những giáo viên và học sinh có năng lực tiếng Anh tốt có thể sử dụng trực tiếp mà không bị mâu thuẫn. Nó cũng giúp học sinh và giáo viên có công cụ dễ dàng hơn khi tra cứu, tìm kiếm tư liệu trên internet.

Hi vọng rằng, trong tương lai chúng ta có sự thống nhất về cách viết và phiên âm các thuật ngữ nói chung, thuật ngữ Lịch sử nói riêng để có thể sử dụng một cách thống nhất trong cách sách vở, tài liệu để thuận tiện và hiệu quả hơn trong quá trình giảng dạy.

Nguyễn Hữu Long

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.