Vì sao không nên lạm dụng các video trong dạy học Lịch sử?

trong khi học sinh không đọc các tư liệu, chưa khai thác các tư liệu thông qua hệ thống câu hỏi và phiếu bài tập, những hiểu biết của học sinh về sự kiện còn rất thô sơ. Việc sử dụng video sẽ khiến học sinh có hình dung sai lạc về sự kiện, nhân vật mà sau này rất khó để thay đổi.

0 587

Các video được sử dụng trong bài học lịch sử bao gồm các đoạn trích của các bộ phim tài liệu, phim truyện, phim hoạt hình, bản tin thời sự, các video thông tin – giải trí, các đoạn Vlog, các đoạn phóng sự, các video nhằm mục đích giáo dục khác, ….

Khi xây dựng các kế hoạch bài dạy, nhiều giáo viên hỏi tôi, tại sao thầy không cho các video vào cho thú vị hơn? Học sinh rất thích xem các video, chứ không muốn đọc hay nghe giáo viên giảng đâu!…

Cái này tôi biết lắm chứ, biết rõ là đằng khác và vì thế nên tôi càng hạn chế và cẩn trọng khi sử dụng video trong các bài giảng. Trong nhiều trường hợp, tôi biết có đoạn phim hoạt hình về sự kiện đó (ví dụ như đoạn phim hoạt hình về chiến thắng Bạch Đằng) nhưng vẫn không muốn sử dụng nó trong bài học.

Thứ nhất, đa số các video mà chúng ta sử dụng chỉ là một tài liệu liệu minh họa cho nội dung của bài học. Giáo viên và học sinh thường tin hoàn toàn vào những gì được đề cập trong các video này, nhất là các video của các bộ phim tài liệu hay các bản tin thời sự,… Chúng ta rất ít khi sử dụng nó với tư cách một nguồn tư liệu và có phê phán các thông tin được đề cập trong video. Ví dụ như, động cơ, quan điểm, mục đích, định kiến, đối tượng hướng đến, kĩ thuật trình bày,… Cách sử dụng các video như vậy sẽ không có nhiều tác dụng đối với việc phát triển tư duy lịch sử của người học (và cả của giáo viên).

Thứ hai, trong khi học sinh không đọc các tư liệu, chưa khai thác các tư liệu thông qua hệ thống câu hỏi và phiếu bài tập, những hiểu biết của học sinh về sự kiện còn rất thô sơ. Việc sử dụng video sẽ khiến học sinh có hình dung sai lạc về sự kiện, nhân vật mà sau này rất khó để thay đổi. Tôi lấy ví dụ, nếu bảo học sinh tưởng tượng trong đầu về trang phục của một người dân thường thời Lý hay Trần, chắc chắn các em sẽ nghĩ đến hình ảnh một người mặc áo nâu với nam hay áo tứ thân với nữ để răng trắng tinh,… nguyên nhân của điều này chính là do sự định hình của các video/phim/ảnh mà các em đã từng xem.

Thứ ba, rất nhiều video khá nhàm chán, đơn điệu, không phù hợp và “khó tiêu hóa” với học sinh. Đa số học sinh của chúng ta trước đây còn chưa có điều kiện tiếp cận với máy chiếu/tivi màn hình lớn trong lớp học. Cộng với việc các em ngồi học theo lối truyền thống quá lâu, khiến cho việc được xem video là một hoạt động mang tính “giải trí”, thay đổi trạng thái làm việc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, việc xem video ngày càng dễ dàng và phổ biến (hầu như học sinh nào cũng từng xem tik tok) thì việc dùng các video trong bài học đòi hỏi phải có sự dụng công hơn rất nhiều. Sự dụng công đó không phải chỉ là tái hiện đúng về sự kiện mà còn là tái hiện hay, đẹp mắt, sinh động và hài hước,…

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi không muốn hay phản đối việc sử dụng các video trong dạy học lịch sử. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là, chúng ta cần cẩn trọng và tránh lạm dụng khi sử dụng các video. Để việc khai thác và sử dụng video thực sự mang lại hiệu quả đối trong việc phát triển tư duy và nhận thức của người học. (còn thế nào là hiệu quả thì hẹn các thầy cô trong các bài viết khác).

(Giáo viên Lch s)

Leave A Reply

Your email address will not be published.