Dạy “đúng trọng tâm” đảm bảo “kiến thức cơ bản” và những hệ quả

Đã đến lúc, chúng ta cần xác định lại khái niệm “kiến thức cơ bản” “nội dung trọng tâm” theo cách mà chúng ta vẫn làm từ trước đến nay. Đã đến lúc chúng ta cần có sự chuyển đổi về cả nội dung, phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận bộ môn, nếu không, việc chuyển sang “dạy học phát triển năng lực” sẽ vẫn chỉ là những điều lý tưởng trên sách vở mà không “đúng trọng tâm”.

0 1,504

Dạy “đúng trọng tâm” đảm bảo “kiến thức cơ bản”

Mỗi khi đưa ra một ý tưởng dạy học mới, hay áp dụng các kĩ thuật dạy học tích cực hay mở rộng một đơn vị kiến thức nào đó, hầu hết mọi người thường nói: “Ừ, dạy như vậy cũng hay đấy nhưng mà xa rời trọng tâm, không đúng kiến thức cơ bản”. Điều này phổ biến đến độ, nhiều khi tôi phải phát cáu lên, kiến thức cơ bản là cái gì? Tại sao phải bám vào kiến thức cơ bản? Nếu tôi giúp học sinh hiểu rộng hơn so với mấy cái kiến thức cơ bản đó, hiểu sâu sắc hơn về một vấn đề cụ thể thì có gì là sai lầm?

Vậy “trọng tâm” hay kiến thức cơ bản là gì?

Nó được hiểu là kiến thức có trong sách giáo khoa, được quy định trong chuẩn kiến thức kĩ năng của Bộ giáo dục, được chuẩn hóa trong các văn bản và hướng dẫn giảng dạy.

Kiến thức trọng tâm còn được hiểu là những gì học sinh sẽ thi trong các kỳ thi. Đối với các lớp cuối cấp đó là kì thi chuyển cấp (vào THPT và thi Đại học). Đối với các lớp khác là các bài kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra học kỳ, cuối năm…

Việc dạy theo kiến thức trọng tâm có ưu điểm là “học gì thi nấy”, nó khiến cho người dạy cảm thấy “yên tâm” về chất lượng đầu ra. Họ cảm thấy đo lường và thấy ngay được hiệu quả (chính xác hơn là kết quả) của công việc giảng dạy.

Đó cũng là một công cụ để “đối phó” hữu hiệu với cấp trên và xã hội. Mỗi khi được hỏi, vì sao lại dạy thế, thì xin thưa, đó là kiến thức cơ bản, đó là nội dung sách giáo khoa, em có dạy gì khác đâu.

Đối với học sinh, kiến thức cơ bản, giúp học sinh dễ đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi. Khi mà nội dung thi cử đã giới hạn trong những điều “được học và được dạy”. Nó làm cho phụ huynh và nhà trường sẽ cảm thấy hài lòng với kết quả mà học sinh đạt được.

Nhưng, việc dạy theo “kiến thức cơ bản” và “bám sát sách giáo khoa” sẽ để lại nhưng hậu quả rất lâu dài về sau đối với học sinh và cả giáo viên.

Đối với học sinh, việc học gì thi nấy, khiến cho các em quen dần thói quen học vẹt, học tủ. Học sinh không chịu đọc rộng, đào sâu, để tìm hiểu bản chất vấn đề mà chỉ tập trung vào những “câu từ” được viết theo khuôn mẫu có sẵn để đi thi và lấy điểm. Nếu không tin điều này, hãy hỏi một học sinh bất kỳ về một câu hỏi bất kỳ có trong sách giáo khoa. Sau khi học sinh trả lời hãy hỏi tiếp: Tại sao lại như thế? Rồi lại hỏi tiếp: Tại sao lại như thế… qua “5 lần hỏi tại sao” chúng ta sẽ biết ngay được, những điều mà học sinh biết có phải là bản chất hay chỉ là vỏ ngoài của kiến thức.

Đối với giáo viên, việc tập trung dạy theo kiến thức cơ bản sẽ làm hạn chế rất nhiều năng lực và sự phát triển chuyên môn của giáo viên. Với những gì được “yêu cầu” giảng dạy, giáo viên sẽ không cảm thấy quá khó khăn để tìm hiểu, để mở rộng và đào sâu cho học sinh. Điều này khiến giáo viên dễ “tự hào” về những gì mà bản thân biết và cảm thấy không có nhu cầu trong việc phát triển chuyên môn. Điều này có thể thấy rất rõ trong các đợt tập huấn chuyên môn, rất nhiều giáo viên lắc đầu xua tay và nói, cái này chẳng phục vụ gì cho giảng dạy và thi cử,… Lâu dần, nhiều giáo viên ngại đọc, ngại học, ngại tìm hiểu một vấn đề gì đó cho đều đầu đến cuối. Và khi giáo viên, không thực sự “làm chủ” được nội dung và phương pháp giảng dạy, làm sao chúng ta có thể mang đến được những điều “mới lạ” cho học sinh của mình? Làm sao có thể mang đến cho học sinh niềm đam mê thực sự với bộ môn?

Đã đến lúc, chúng ta cần xác định lại khái niệm “kiến thức cơ bản” “nội dung trọng tâm” theo cách mà chúng ta vẫn làm từ trước đến nay. Đã đến lúc chúng ta cần có sự chuyển đổi về cả nội dung, phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận bộ môn, nếu không, việc chuyển sang “dạy học phát triển năng lực” sẽ vẫn chỉ là những điều lý tưởng trên sách vở mà không “đúng trọng tâm”.

Nhưng nếu không “dạy kiến thức trọng tâm” không dạy theo “kiến thức cơ bản” không bám vào sách giáo khoa thì chúng ta sẽ làm gì, dựa vào đâu và dạy như thế nào?

Hãy cùng đọc trong bài viết tiếp theo của chúng tôi!

Giáo viên Lịch sử


Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.