MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI DẠY VỀ NGUYÊN NHÂN CỦA VĂN HÓA PHỤC HƯNG TRONG SGK LỊCH SỬ

Trong thời gian qua, khi dành thời gian để đọc và dịch một số cuốn sách giáo khoa của nước ngoài về Văn hóa Phục hưng và so sánh với nội dung trong sách giáo khoa lịch sử lớp 7 mới, mình nhận ra một số điểm khác biệt cơ bản.

0 1,664
Văn hóa Phục hưng là một trong những nội dung quan trọng, được giảng dạy trong chương trình phổ thông của nhiều quốc gia. Khi tham khảo một số cuốn sách giáo khoa của nước ngoài (Mỹ, Canada, Úc…) và so sánh với nội dung này trong sách giáo khoa lịch sử lớp 7 mới, chúng ta có thể nhận ra một số điểm khác biệt cơ bản.
1. Người khởi xướng Văn hóa phục hưng không phải là giai cấp tư sản mà là các nhà tư tưởng, các học giả và nghệ sĩ. Những người này ban đầu không phải/thuộc giai cấp tư sản. Sau này, giai cấp tư sản nhận thấy các tư tưởng mới này có giá trị nên tiếp thu nó và bảo trợ cho các học giả và nghệ sĩ và góp phần lan tỏa nó mà thôi. Vì vậy nếu nói: giai cấp tư sản đã khởi xướng phong trào văn hóa phục hưng là không hoàn toàn chính xác.
2. Về khái niệm giai cấp tư sản: Tại thời điểm văn hóa phục hưng ra đời, không có khái niệm “giai cấp tư sản” mà chỉ có các thương nhân, chủ xưởng, chủ ngân hàng,…. Khái niệm giai cấp tư sản sau này mới được những người nghiên cứu lịch sử dùng để gọi những người này mà thôi. Sự thịnh vượng và phát triển kinh tế ở Châu Âu ở giai đoạn này vì thế cũng không được gọi là sự nảy sinh quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chính vì thế, nếu chúng ta tham khảo các sách giáo khoa của nước ngoài viết về giai đoạn này, sẽ không thấy họ đề cập đến khái niệm “giai cấp tư sản”.
3. Khi nói đến nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của Văn hóa phục hưng, chúng ta hay nhấn mạnh vào nguyên nhân kinh tế (sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa) – coi đây là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự xuất hiện của phong trào văn hóa này lại là sự thay đổi thế giới quan của con người từ sau sự kiện Black Death (bệnh dịch hạch) và các cuộc chiến tranh ở cuối thời trung cổ. Chính bệnh dịch hạch và các chuộc chiến tranh đã làm cho con người mất niềm tin vào thế giới quan cũ của Giáo hội về thiên đường về hạnh phúc cá nhân, khiến các học giả và các nhà tư tưởng hình thành một thế giới quan mới về vai trò và sức mạnh của con người cá nhân cũng như những giá trị nhân văn.
4. Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự ra đời của văn hóa phục hưng (mà sách giáo khoa không đề cập) là sự tiếp thu, phát triển các thành tựu và giá trị văn hóa từ thời cổ đại của Hi Lạp, La Mã và cả những thành tựu của các nền văn hóa khác Ả Rập và vùng Viễn Đông (Các thầy cô sẽ thử tìm hiểu xem những nền văn hóa này có tác động như thế nào đối với sự ra đời của Văn hóa phục hưng nhé).
Hi vọng rằng, những chia sẻ trên sẽ có ích với các thầy cô trong quá trình giảng dạy, nó sẽ giúp chúng ta có một cách tiếp cận mới khi dạy nội dung này cho học sinh.
Giáo viên Lịch sử
___________________________________________________________________________________
(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)

Leave A Reply

Your email address will not be published.