Dạy Lịch sử trong thế kỷ XXI: 5 ý tưởng giúp tăng sự tương tác của học sinh

Trong thế kỷ 21, học sinh của chúng ta đã có sự thay đổi, chúng cần những cách tiếp cận và chiến lược dạy học mới. Để chứng minh cho học sinh thấy lịch sử không còn là môn học nhàm chán, bạn cần phải có sự điều chỉnh các chiến lược dạy học, tăng sự tương tác, vượt ra ngoài những gì được viết trong sách giáo khoa, giảm bớt việc học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc ngày tháng và sự kiện.

0 1,882

“Lịch sử thật là môn môn học nhàm chán”, “có quá nhiều ngày tháng và sự kiện phải học thuộc lòng”, “tại sao tôi phải quan tâm đến những thứ đã xảy ra trong quá khứ?” chỉ là một vài trong số những câu hỏi mà giáo viên lịch sử phải giải quyết hàng ngày. Trong thế kỷ 21, học sinh của chúng ta đã có sự thay đổi, chúng cần những cách tiếp cận và chiến lược dạy học mới. Để chứng minh cho học sinh thấy lịch sử không còn là môn học nhàm chán, bạn cần phải có sự điều chỉnh các chiến lược dạy học, tăng sự tương tác, vượt ra ngoài những gì được viết trong sách giáo khoa, giảm bớt việc học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc ngày tháng và sự kiện.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng xem xét một số kỹ thuật dạy học lịch sử trong thế kỉ XXI bao gồm:

  1. Sử dụng công nghệ để lôi cuốn sự tham gia

Một trong những cách để tạo nên sự tương tác là sử dụng phương tiện và công nghệ trong lớp học. Các bộ phim sẽ giúp cho các tiết học lịch sử trở nên hấp dẫn hơn. Với sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, các nhà làm phim khai thác các sự kiện quan trọng ở các giai đoạn lịch sử, làm cho nó trở nên sinh động và hấp dẫn, từ đó truyền đi những thông điệp và bài học có giá trị.

  • Nếu bạn đang dạy về nền cộng hòa Vây-ma hay chế độ Phát xít Đức, bạn có thể cùng học sinh xem một số bộ phim nổi tiếng được trao giải thưởng như Wizards (phim hoạt hình năm 1977), The Pianist, Schindler’s List, Cuộc sống tươi đẹp, Chú bé mang pyjama sọc v.v..
  • Sau khi xem một bộ phim cảm động như vậy, bạn có thể cùng học sinh có phần suy ngẫm, thảo luận, trao đổi ý kiến và rút ra bài học về chế độ Phát xít và thảm họa Holocaust

Tùy thuộc vào nội dung bài học, bạn có thể chọn một bộ phim điện ảnh, một bộ phim hoạt hình, phim tài liệu hay một chương trình truyền hình, video YouTube, v.v. Tất cả những gì bạn phải làm là giúp học sinh có được những cảm xúc chân thực và sự đồng cảm lịch sử. Bạn càng gợi ra được nhiều ý kiến tranh luận, học sinh sẽ càng cảm thấy hấp dẫn và thú vị. Khi lựa chọn các bộ phim, bạn cũng cần lưu ý đến sự phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Bạn cũng nên cân nhắc về việc chiếu toàn bộ nội dung hay chỉ chọn một vài đoạn tiêu biểu.

  1. Các hoạt động ngoại khóa

Bạn không thể tuần nào cũng tổ chức hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh ra ngoài lớp học được. Nhưng hãy cố gắng làm điều đó thường xuyên nhất có thể. Lịch sử vốn đã khô khan và buồn tẻ vì thế, hãy làm cho nó trở nên sinh động hơn qua những hiện vật được trưng bày trong các bảo. Hãy cùng học sinh quan sát, đặt câu hỏi và đưa ra quan điểm của mình.

Bạn cũng có thể trao đổi với ban giám hiệu và đồng nghiệp để đưa học sinh đến các khu tưởng niệm, di tích, các công trình kiến trúc và địa danh nổi tiếng ở địa phương. Sau đó, khuyến khích trẻ làm việc cá nhân hoặc theo nhóm để kết hợp những gì chúng học được từ sách vở với những gì chúng thấy trên thực địa để đưa ra quan điểm hoặc ý tưởng.

  1. Lịch sử vẫn đang tiếp diễn, những câu chuyện thú vị

Theo bạn thì ngoài các nhà sử học, ai sẽ là những người yêu thích lịch sử nhất? Đó chính là các nhà văn! Nếu bạn muốn học sinh hiểu rõ hơn về một chủ đề nào đó, hãy kết nối nó với các tác phẩm văn học (có thể có trong chương trình giảng dạy hoặc không).

  • Hãy cùng học sinh đọc Ba chàng lính ngự lâm trong khi bạn dạy về lịch sử nước Pháp và thu hút bọn học sinh tham gia các cuộc tranh luận để nhận ra đâu là sự thật lịch sử, đâu là các thông tin hư cấu.
  • Hãy đọc “Cuốn theo chiều gió” để thảo luận về Nội chiến ở Mỹ
  • Thảo luận về lịch sử Anh thông qua tác phẩm Kiêu hãnh và Định kiến về cách cư xử, giáo dục, hôn nhân, xã hội, các mối quan hệ và tiền bạc trong thời kỳ đó;
  • Hiểu về thời kỳ Văn Lang, Âu Lạc qua các truyền thuyết trong giai đoạn này. Cùng học sinh nhận ra các sự thật lịch sử trong câu truyện truyền thuyết.
  • Luôn có sự kết nối các kiến thức lịch sử với kiến thức địa lý (việc liên kết giữa các sự kiện với địa điểm xảy ra nó trên bản đồ sẽ giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn) và thậm chí mời giáo viên Địa lý tham gia một vài tiết học.
  1. Sân khấu hóa

Lịch sử sẽ trở nên sinh động hơn rất nhiều khi nó được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa. Bạn nghĩ sao nếu như tái hiện lại một trận đánh? Một cuộc họp chính phủ sau ngày 2/9/1945, hay một cuộc đàm phán trong hội nghị Véc-xai?… Hãy thử yêu cầu học sinh sân khấu hóa lại một nội dung nào đó trong sách giáo khoa. Chúng có thể mô phỏng một trận chiến hoặc một sự kiện. Bằng cách này, bạn sẽ làm lớp học trở nên sôi động, học sinh cũng có cơ hội thể hiện kỹ năng diễn xuất của mình, ghi nhớ về sự kiện tốt hơn.

Sau khi hoạt động sân khấu hóa kết thúc, bạn có thể tổ chức một hoạt động suy ngẫm, tranh luận hoặc thuyết trình về chủ đề được đề cập trong phần sân khấu hóa.

  1. Sử dụng STEM

STEM là viết tắt của các môn Khoa học – Công nghệ – Kĩ thuật – Toán. Việc áp dụng STEM vào môn lịch sử là một trải nghiệm rất mới đối với cả giáo viên và học sinh. Bạn đã bao giờ cùng học sinh thiết kế lại một lâu đài thời trung cổ hay cây cầu Long Biên và cùng suy ngẫm về những nguyên tắc khoa học, vật lý khi xây dựng cầu. Bạn đã bao giờ thử thiết kế một khinh khí cầu sử dụng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất hay một chiếc súng thần công được sử dụng dưới thời Nguyễn? Bạn đã bao giờ cùng học sinh thử mô phỏng lại quá trình hình thành đồng bằng sông Nin? Mô phỏng các loại súng bắn đá để tấn công vào các tòa thành/lâu đài?… Hãy bắt tay vào và thử làm nó cũng học sinh. Chắc chắn nó sẽ mang đến những trải nghiệm hấp dẫn và thú vị đối với người học. Và chắc chắn, học sinh sẽ thấy được mối liên hệ giữa lịch sử với các môn học khác, thấy được ứng dụng của lịch sử vào cuộc sống hàng ngày.

Đến ngày hôm nay, chúng ta đã đi được 1/5 chặng đường của thế kỉ XXI, những gì chúng ta nói với nhau ở trên chắc hẳn không còn là điều gì đó quá mới lạ. Vậy còn chờ gì nữa mà các thầy cô không thử áp dụng vào lớp học của mình để mang đến những cảm hứng học tập mới mẻ cho học sinh.

Giáo viên Lịch sử

(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)

Leave A Reply

Your email address will not be published.