MỘT VÀI LƯU Ý KHI DẠY VỀ PHONG TRÀO CẢI CÁCH TÔN GIÁO TRONG SGK LỊCH SỬ

Phong trào cải cách tôn giáo là một nội dung lớn trong Lịch sử Tây Âu trung đại và được kết cấu thành 1 bài riêng biệt trong chương trình Lịch sử lớp 7 mới. Tuy nhiên, khi giảng dạy về nội dung này, giáo viên cần lưu ý một số điểm sau:

0 2,226

Phong trào cải cách tôn giáo là một nội dung lớn trong Lịch sử Tây Âu trung đại và được kết cấu thành 1 bài riêng biệt trong chương trình Lịch sử lớp 7 mới. Tuy nhiên, khi giảng dạy về nội dung này, giáo viên cần lưu ý một số điểm sau:

1. Không phải chỉ đến Martin Luther, phong trào cải cách tôn giáo mới diễn ra. Trước đó, ngay trong nội bộ Giáo hội Công giáo La Mã cũng đã có các cuộc đấu tranh đòi hỏi cải cách các nghi lễ của giáo hội, đòi xóa bỏ tình trạng tham nhũng của các linh mục và yêu cầu các tu sĩ quay trở lại với lời thề khó nghèo. Tiêu biểu cho phong trào này là các hoạt động của linh mục Savonarola – một tu sĩ dòng Đa Minh.

2. Phong trào cải cách tôn giáo không phải chỉ có Luther và Can-vanh, trên thực tế còn rất nhiều các nhóm cải cách khác diễn ra vào những khoảng thời gian khác nhau, trong các khu vực khác nhau ở châu Âu. Chính điều này dẫn đến sự hình thành nhiều hệ phái khác nhau của Ki-tô giáo.

3. Cuộc cải cách của Luther đã dẫn đến sự bùng nổ của chiến tranh nông dân ở Đức. Tuy nhiên, không nên nhìn nhận đây là “cuộc đấu tranh vũ trang đầu tiên của nông dân dưới ngọn cờ của giai cấp tư sản”. Vì đơn giản, những người lãnh đạo phong trào nông dân một phần, họ chịu ảnh hưởng tư tưởng của Luther và một phần họ chỉ lợi dụng nó để cướp bóc tài sản của nhà thờ và giáo hội. Chính Luther cũng là người kêu gọi đàn áp cuộc đấu tranh của nông dân Đức.

4. Không nên cho rằng, cuộc cải cách tôn giáo này chỉ nhận được sự ủng hộ của giai cấp tư sản, còn giai cấp phong kiến thì chống lại nó. Thực tế một số hoàng tử ở Đức và một số quốc gia khác khác đã ủng hộ cải cách vì “niềm tin thuần túy” với giáo lý của Luther. Chính họ cũng là người đã bảo vệ Luther và các giáo sĩ Tin Lành khỏi sự truy bắt của Giáo hội và các Hoàng đế theo Ki-tô giáo.

5. Trong cải cách tôn giáo không hề nhắc đến sự ra đời của Anh giáo. Điều này sẽ dẫn đến một khoảng trống về nhận thức khi học về Cách mạng tư sản Anh ở phần sau.

6. Trong các hệ quả/tác động của cải cách tôn giáo, sách giáo khoa dường như tập trung quá nhiều vào “cuộc đấu tranh giai cấp” mà bỏ qua một số tác động khác của phong trào này:

– Cải cách tôn giáo đã làm cho Giáo hội La Mã phải tự tiến hành các cải cách. Cuộc họp của các Giám mục tại Trent (Hội đồng Trent) đã ban hành những cải cách quan trọng, chấn chính lại hoạt động của Giáo hội. Nó cũng dẫn đến sự hình thành một số dòng tu mới, tập trung vào việc truyền đạo và các việc làm “bác ái tông đồ”.

– Sự suy yếu của Giáo hội, đã dẫn đến quyền lực của hoàng đế ở một số khu vực bị suy giảm. Điều này dẫn đến sự lớn mạnh của quyền lực ở các địa phương => Tạo điều kiện cho sự hình thành các quốc gia dân tộc ở châu Âu.

– Cải cách tôn giáo cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của khoa học, giáo dục và đặc biệt phụ nữ có cơ hội được học hành tham gia vào các sinh hoạt tôn giáo. (Dòng tu Anna Báp-tít cho phép phụ nữ được phép thuyết giảng).

7. Về vấn đề thuật ngữ, khái niệm. Cải cách tôn giáo tạo ra rất nhiều dòng tu và hệ phái với tên gọi khác nhau. Điều này cần được thống nhất về thuật ngữ và tên gọi. Ví dụ, Tin Lành thì chúng ta sẽ gọi là tôn giáo Tin Lành hay Đạo Tin Lành hay Giáo hội Tin Lành,…?
Hay như khái niệm Ki-tô giáo, Thiên Chúa giáo, Công Giáo, Cơ đốc giáo,… cần giải thích làm sao để học sinh hiểu được nội hàm, bản chất của từng khái niệm và sử dụng đúng trong các trường hợp khác nhau.

Vẫn biết khuôn khổ của chương trình, giới hạn về số trang sách và vô vàn vấn đề khác dẫn đến những hạn chế trên. Nhưng khi sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, điều quan trọng mà mỗi giáo viên cần làm là tìm kiếm thêm các nguồn tư liệu và những cách tiếp cận mới để giúp học sinh có thể hiểu được sâu sắc bản chất của vấn đề. Nếu không, học sinh cũng chúng ta sẽ rơi vào tình trạng, cái gì cũng biết, nhưng chẳng biết một cái gì cho đến nơi.

THAM KHẢO: BỘ TÀI LIỆU GIẢNG DẠY LỊCH SỬ LỚP 7 – PHẦN LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Giáo viên Lịch sử

(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)

Leave A Reply

Your email address will not be published.