“Dạy Sử mà dùng SGK chẳng khác nào cho học sinh làm bài toán đố mà đã viết sẵn đáp án”
Bằng những cách trên, việc áp dụng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa mới thực sự có ý nghĩa. Chứ không phải là việc chúng ta chọn một bộ sách, rồi nhất nhất dạy từng câu từng chữ đúng theo bộ sách mà chúng ta đã chọn.
Trong một buổi đào tạo giáo viên, khi đề cập đến việc hình thành tư duy lịch sử cho học sinh, tôi có nói đến việc cần phải cất sách giáo khoa đi và thay bằng hệ thống phiếu và tài liệu học tập để giúp học sinh khai thác các tư liệu. Lý do rất đơn giản, vì sách giáo khoa đã viết sẵn các kiến thức (cần đạt, cần nhớ, cần ghi) ở mức độ tối giản. Những gì viết trong sách giáo khoa là đáp án cuối cùng cho hành trình đi tìm kiến thức. Một khi nó đã là đáp án, vậy hành trình tìm lời giải phỏng còn có ý nghĩa gì?
Khi đặt các câu hỏi có liên quan đến những gì viết sẵn trong sách, nếu là các lớp nhỏ, học sinh còn hăng hái trả lời. Nhưng nếu hỏi các lớp lớn, học sinh sẽ ngồi im hoặc thậm chí các em sẽ nói “cái này có sẵn trong sách, sao cô không nói luôn mà còn hỏi làm gì?”.
Tôi xin lấy một ví dụ đơn cử, khi dạy về “Trào lưu cải cách của các quan lại sĩ phu vào cuối thế kỉ XIX” trong chương trình Lịch sử lớp 8. Cả 3 bộ sách đều liệt kê các nhân vật như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Điền, Trần Đình Túc,… kèm theo những đề nghị cải cách của họ. Nếu học sinh chỉ đọc nội dung các đề nghị cải cách đó, sẽ thấy chẳng có gì khác nhau. Công việc của học sinh chỉ đơn giản là đọc và học thuộc các đơn vị kiến thức đó.
Trong khi đó, lẽ ra học sinh cần phải được khai thác các tư liệu gốc, các trích đoạn trong các bản điều trần, các cuốn sách, các bản tấu,… rồi thông qua hệ thống câu hỏi dẫn dắt, học sinh mới rút ra được các kiến thức trong sách giáo khoa.
Nói như vậy, hẳn thầy cô sẽ bảo là, thế sách giáo khoa đã in ra, viết ra cho học sinh mà lại cất đi không dùng thì mua sách làm gì? Câu trả lời là, không phải chúng ta không dùng sách giáo khoa mà chúng ta cần phải thay đổi cách/thói quen dùng sách giáo khoa so với cách mà chúng ta vẫn dùng từ trước đến nay.
Sự thay đổi này được thể hiện ở 3 cách chủ yếu:
– Chúng ta nên dùng sách giáo khoa giống như một tài liệu tổng hợp kiến thức và chốt các kiến thức cơ bản. Vậy nên chúng chỉ được sử dụng sau khi học sinh đã trải qua quá trình làm việc với tư liệu hoặc được tương tác trong các hoạt động trải nghiệm.
– Trong giờ học, sách giáo khoa cần được cất vào trong cặp và nên được thay thế bằng hệ thống các phiếu/ tài liệu học tập.
– Nên khai thác sách giáo khoa như một tài liệu thứ cấp/ một phiên bản/ một cách diễn giải của lịch sử. Để từ đó, dạy học sinh các kĩ năng đọc sâu (closed reading) đọc phản biện.
Bằng những cách trên, việc áp dụng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa mới thực sự có ý nghĩa. Chứ không phải là việc chúng ta chọn một bộ sách, rồi nhất nhất dạy từng câu từng chữ đúng theo bộ sách mà chúng ta đã chọn.
Nguyễn Hữu Long
_____________________________________________________________________________________________________
(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)