Các hình ảnh cần được khai thác như một tư liệu chứ không phải một công cụ minh họa

Sự khác nhau khi khai thác một bức ảnh với tư cách là một tư liệu và với tư cách một công cụ minh họa.

0 272

Chúng ta biết rằng, một bức ảnh có giá trị hơn cả ngàn lời nói. Những tư liệu hình ảnh giúp học sinh có thể “thấy” được một khoảnh khắc của quá khứ. Nhưng quan trọng hơn, nó dạy cho học sinh được những kĩ năng của tư duy phản biện khi nhận ra thông điệp, động cơ, mục đích của nhiếp ảnh gia và của người đã sử dụng bức ảnh.

Chính vì thế, khi sử dụng các hình ảnh trong sách giáo khoa, giáo viên không nên chỉ dừng lại ở việc quan sát – kể – tả – minh họa cho nội dung bài học theo cách truyền thống..

Những bức hình có giá trị nên được sử dụng như một tư liệu để học sinh quan sát – mô tả – phân tích – liên hệ với nội dung bài học một cách chủ động và có tư duy.

Dưới đây là ví dụ về bức hình một người đàn ông đang dùng búa để phá vỡ Bức tường Berlin – trong khi những người lính Đông Đức chỉ đứng nhìn. Bức hình này ra đời vào ngày 4/11/1989 bởi một nhiếp ảnh gia tự do. Nó được sử dụng khi dạy về sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu.

Bức tường Berlin sụp đổ

Giáo viên có thể thiết kế phiếu học tập và đặt ra cho học sinh các câu hỏi sau:

  1. Người đàn ông đang làm gì?
  2. Liệu hành động này của người đàn ông có thể diễn ra sớm hơn hay không? Tại sao?
  3. Những người đàn ông đang đứng nhìn từ trên cao là ai? Vì sao họ chỉ đứng nhìn mà không làm gì?
  4. Tại sao hành động “đứng nhìn và không làm gì” của những người đó lại có ý nghĩa quan trọng?
  5. Bạn sẽ dùng những từ nào để miêu tả về cảm xúc của bức hình: vui vẻ? Hạnh phúc? Đau khổ? Mạnh mẽ?…

Bây giờ hãy suy nghĩ về bức ảnh:

  1. Nhiếp ảnh gia đã sử dụng những kĩ thuật nào để có thể bắt trọn được khoảnh khắc này?
  2. Người chụp bức ảnh này là một nhiếp ảnh gia tự do và hi vọng sẽ bán được bức ảnh này cho nhiều tờ báo khác nhau. Bạn có nghĩ rằng anh ta sẽ làm được điều đó?
  3. Những quốc gia nào sẽ muốn đăng bức ảnh này nhất? Tại sao?
  4. Theo bạn, tại thời điểm đó, những quốc gia nào sẽ không muốn bức ảnh này xuất hiện? Tại sao?

Một trong những vấn đề của SGK và chương trình mới, đó là các nội dung được viết khá chung chung và mang tính khái quát . Việc sử dụng những tư liệu hình ảnh đi kèm những hướng dẫn và phân tích sâu như trên sẽ khắc phục được phần nào hạn chế trong cách trình bày của SGK, đồng thời giúp học sinh hiểu được sâu sắc về sự kiện, hình thành được các năng lực tư duy lịch sử.

(Giáo viên Lịch sử)

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.