Lời khuyên dành cho Giáo viên khi dạy chương trình mới môn Lịch sử
Làm thế nào để giáo viên có thể chuyển đổi để thích ứng với chương trình mới? Đó là một vấn đề lớn cần có thời gian để trả lời. Nhân dịp bộ sách giáo khoa Lịch sử 6 sắp được đưa vào giảng dạy, chúng tôi đưa ra một số lời khuyên, hi vọng rằng nó sẽ hữu ích cho các thầy cô trong quá trình đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã ở trong lòng của cuộc cải cách giáo dục. Sự thành hay bại của cuộc cải cách lần này phụ thuộc vào chính chất lượng giảng dạy của giáo viên chúng ta.
Làm thế nào để giáo viên có thể chuyển đổi để thích ứng với chương trình mới? Đó là một vấn đề lớn cần có thời gian để trả lời. Nhân dịp bộ sách giáo khoa Lịch sử 6 sắp được đưa vào giảng dạy, chúng tôi đưa ra một số lời khuyên, hi vọng rằng nó sẽ hữu ích cho các thầy cô trong quá trình đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.
- Mục đích của chương trình, nhiều bộ sách không phải là để chúng ta chọn một bộ, rồi sau đó chỉ giới hạn dạy “giống hệt” như những gì có trong bộ sách đã chọn => Hãy lựa chọn và tham khảo cả hai bộ còn lại, hãy chỉnh sửa những thông tin chưa hợp lý, bổ sung những điều mà chúng ta cho là cần thiết cho người học.
- Cần hướng dẫn học sinh sử dụng các tư liệu, được thiết kế thành các phiếu bài tập thay vì chỉ tập trung vào đọc sách giáo khoa. Bởi lẽ, sách giáo khoa đã viết sẵn kiến thức, khi đó, giáo viên có hỏi hay nói gì, học sinh cũng đã có sẵn câu trả lời mất rồi. Việc dạy lại trở thành việc mở rộng, minh họa kiến thức trong sách. Gợi ý của mình là cho học sinh để sách giáo khoa trong ngăn bàn, khi nào cần thì mới mở ra.
- Trước nay, powerpoint bài giảng là nơi phô diễn lại kiến thức trong sách, thường được chia thành 2 cột, với quá nhiều hiệu ứng và câu hỏi… mục đích là theo sát nội dung kiến thức trong sách. Thì nay, tôi mong muốn các thầy cô hãy hạn chế việc đưa kiến thức. Trên PPT, chúng ta nên đưa các hoạt động, hướng dẫn thực hiện và các tiêu chí đánh giá về sản phẩm của học sinh.
- Việc ghi chép xưa nay vẫn là, “tôi nói đồng bào ghi rõ không”, chúng ta vẫn là nói chậm cho học sinh ghi, bản chất là đọc cho các con chép. Cũng có những lúc phải làm thế, nhưng cần giảm đi (chỉ giữ lại khoảng 1/20) thôi. Học sinh cần được hướng dẫn cách tự ghi chép. Có thời gian để tự suy ngẫm về những điều mình đã học được, biến kiến thức của thầy cô và từ hoạt động thành kiến thức của bản thân, ghi lại theo cách hiểu của bản thân (điều này giúp cho 40 quyển vở không bị giống nhau như photo). Còn làm sao để làm được điều đó, chắc là phải có một series bài viết nữa.
- Hãy cho phép học sinh được “nói theo cách của bạn”, đừng bắt các con đọc lại một cái gì trong sách giáo khoa và trả lời cho xong. Hãy để các con được thể hiện ý kiến, quan điểm cá nhân. Có lúc sẽ hơi “ngô nghê” và mất thời gian nhưng xin hãy kiên nhẫn vì chúng là “trẻ con” và đang “đi học” mà. Có lúc học sinh sẽ không thể trả lời được – lúc đó các con sẽ thực sự rất cần sự “gợi mở” “hỗ trợ” của các thầy cô.
- Cho học sinh làm việc nhiều thế thì lớp học sẽ bị lộn xộn, giáo viên phải làm việc vất vả, học thế thì hay đấy nhưng mà thi cử thế nào?..bla…bla… Cái này, mình xin phép không giải đáp mà mong muốn các thầy cô tự đi tìm câu trả lời.
Còn nhiều nhiều điều nữa cần chia sẻ, nhưng chắc là cứ phải “nhá hàng”, hẹn các thầy cô trong bài viết sau.
(Giáo viên Lịch sử)
_____________________________________________________________________________________________
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.