Một số vấn đề khi dạy nội dung “Tình hình xã hội” trong sách giáo khoa Lịch sử

Giai cấp thống trị luôn là bóc lột, tham lam, tàn bạo, vô nhân đạo. Giai cấp bị trị luôn là cuộc sống lầm than, khổ cực. Cách viết như vậy sẽ khiến nội dung xã hội vốn vô cùng sinh động, phong phú sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán và mang nặng dấu ấn của tính giai cấp và đấu tranh giai cấp.

0 1,269

“Tình hình xã hội” là một trong những nội dung quan trọng, được đề cập tới trong tất cả các giai đoạn lịch sử, các triều đại…của lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử thế giới. Tuy nhiên, hiện nay sách giáo khoa Lịch sử các cấp từ trung học cơ sở tới trung học phổ thông, khi viết về tình hình xã hội hầu như đều khai thác theo một cách tương đối giống nhau. Nội dung này thường được chia thành: các giai cấp tầng lớp, giai cấp nào là thống trị, giai cấp nào là bị trị. Nếu sâu hơn nữa thì đề cập tới mâu thuẫn giữa các giai cấp, tầng lớp và đó là nguyên nhân làm bùng nổ phong trào đấu tranh. Giai cấp thống trị luôn là bóc lột, tham lam, tàn bạo, vô nhân đạo. Giai cấp bị trị luôn là cuộc sống lầm than, khổ cực. Cách viết như vậy sẽ khiến nội dung xã hội vốn vô cùng sinh động, phong phú sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán và mang nặng dấu ấn của tính giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Ví dụ, Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6, bộ Chân trời sáng tạo, bài 14. Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc và những chuyển biến của Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc, mục 2. Những chuyển biến về xã hội: “Các thành phần trong xã hội thay đổi căn bản so với thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc. Tầng lớp trên của xã hội là Lạc tướng, Lạc hầu và sau này là hào trưởng người Việt có thế lực kinh tế và uy tín trong nhân dân nhưng vẫn bị chính quyền đô hộ chèn ép.

Nông dân công xã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách cướp đoạt ruộng đất và tô thuế, nhiều người phá sản trở thành nông dân lệ thuộc hoặc nô tì. Mâu thuẫn bao trùm trong xã hội là mâu thuẫn bao trùm giữa nhân dân ta và chính quyền đô hộ phương Bắc. Mỗi khi có điều kiện người Việt lại đứng lên lật đổ ách đô hộ, thiết lập chính quyền tự chủ riêng mình.”

Hoặc trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 7, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, bài 11. Nhà Lý xây dựng và phát triển đất nước (1009 – 1225), mục tình hình xã hội : “Xã hội có xu hướng phân hoá hơn. Tầng lớp quý tộc (vua, quan) có nhiều đặc quyền. Một số ít dân thường có đất trở thành địa chủ. Nông dân chiếm đa số trong dân cư, nhận ruộng đất công làng xã để cày cấy và nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, một số phải lĩnh canh ruộng đất và nộp tô cho địa chủ. Thợ thủ công và thương nhân khá đông đảo. Nô tì có địa vị thấp kém nhất phục vụ trong triều đình và gia đình quan lại”.

Chúng ta đều hiểu, xã hội là một trong những vấn đề hết sức phức tạp. Đơn giản, việc mô tả về một giai cấp thôi cũng đã rất khó để học sinh có thể hình dung. Ví dụ, muốn mô tả về giải cấp nông dân, thì phải nói rõ, họ gồm những ai? Từ đâu mà đến? Do đâu mà có? Gồm những thành phần nào? Cuộc sống của họ ra sao? Ăn, ở, sinh hoạt, phong tục có gì khác so với các giai tầng khác. Giai cấp này biến đổi như thế nào trong một giai đoạn lịch sử?… Vì thế nên, việc mô tả tình hình xã hội một cách “chung chung” trừu tượng sẽ làm cho học sinh cảm thấy, thời kì nào thì tình hình xã hội cũng như vậy. Thời kỳ nào cũng có ngần ấy giai cấp, cũng có thống trị, bị trị, cũng có vô cùng lầm than khổ cực, cũng có sống xa hoa, bóc lột,… Nói cách khác, cách viết như vậy đã làm mất đi tính “phức tạp” vốn có của lịch sử. Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là, học sinh không nhận ra được cuộc sống người dân thời kỳ này khác gì so với thời kỳ trước và sau đó.

Nguyên nhân của tình trạng này là một phần do sự thiếu hụt các nguồn tư liệu gốc. Chúng ta không có đủ tư liệu về cuộc sống của người dân ở các thời kỳ như Văn Lang, Âu Lạc, Bắc thuộc, triều Lý, Trần, Lê sơ… Họ ăn gì, cách thức chế biến thức ăn của họ như thế nào, khác gì so với ngày nay, vì sao họ lại sử dụng nguồn thức ăn đó làm chủ đạo, họ mặc trang phục như thế nào, vải được dệt ra làm sao, nguyên liệu dệt vải lấy từ đâu? Một anh chàng nông dân thời Lê sơ và một anh chàng Nho sĩ thời Lê sơ sẽ có diện mạo như thế nào? Một đám cưới thời Lê sơ với một đám cưới thời Trần có gì khác nhau, có điều gì giống với đám cưới của người Việt hiện đại không?…

Lý do nữa là do quan điểm viết sử, chúng ta đứng trên lập trường quan điểm giai cấp để viết nên khi viết về xã hội người viết thường chú ý khai thác các giai cấp, tầng lớp trong xã hội và mối quan hệ đối kháng giữa họ chứ chưa đi vào tìm hiểu, khai thác, mô tả và tái hiện cuộc sống của họ.

Vậy làm thế nào để thay đổi được vấn đề này này? Vậy chúng ta nên dạy nội dung này như thế nào?

Đầu tiên, sách giáo khoa và giáo viên trong quá trình giảng dạy cần cung cấp đa dạng hơn các tư liệu đặc biệt là tư liệu gốc. Từ đó có thể mô tả rõ hơn chân dung, diện mạo của các tầng lớp nhân dân trong xã hội: Họ ăn gì, họ mặc gì, họ ở đâu, họ đi lại bằng phương tiện gì, những phong tục tập quán của họ, lối tư duy và suy nghĩ của họ…Với việc khai thác như vậy chúng ta có thể tạo biểu tượng để học sinh hình dung một cách tương đối rõ nét về người dân thời Lý: ăn gì, mặc gì, ở đâu, đám hiếu, đám hỉ, đi đứng thế nào, thích làm gì và không thích làm gì, tại sao lại có sở thích như vậy?

Ví dụ, Uông Đại Nguyên, người nhà Nguyên trong “Đảo di chí lược” còn mô tả người Việt thời Trần: “mặt trắng, răng đen, thắt đai, đội mũ, mặc áo Đường, áo trùm bên ngoài màu đen, tất tơ, giày vuông”.

Trong cuốn “Nguyên thi kỷ sự, quyển 9, Sứ giao thi tập, sứ thần Trần Cương Trung ghi chép năm 1292 rằng: “Dân đều đi chân đất…Da chân họ rất dày, gai góc cũng không sợ”. Trong cuốn An Nam chí nguyên cho biết: “Dân đều đi đất, chỉ có người cao sang mới đi giày”. Việc dân đi đất được Lê Quý Đôn giải thích: “Vì nước ta là nơi nóng nực, ẩm thấp, nhân dân lúc thường không đội khăn mũ, không đi giày, động tác mới được thuận tiện, việc này đã thành quen, không thay đổi được”. Trong bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ có vẽ nam giới người Việt thế kỉ XIII, XIV không mặc quần dài, để lộ bắp chân trần, đi chân đất.

Với việc khai thác những tư liệu đặc biệt là tư liệu gốc như trên, học sinh có thể hình dung ra trang phục, giày dép của nam giới thời Trần, sự khác biệt giữa trang phục của nam giới thuộc tầng lớp quan lại quý tộc và nam giới thường dân, vì sao người thời Trần lại chủ yếu đi chân đất…

Thứ hai, cần có sự so sánh về tình hình xã hội (cuộc sống của các giai cấp tầng lớp) qua các giai đoạn lịch sử khác nhau và trong cùng một giai đoạn. Người Việt có câu tục ngữ cái răng cái tóc là góc con người thể hiện sự coi trọng răng, tóc như phần diện mạo trực tiếp biểu hiện nhân cách. Tuy nhiên không phải thời kỳ lịch sử nào người Việt cũng để mái tóc dài đen nhánh, đàn ông búi tó, đàn bà vấn khăn như ấn tượng chung của người Việt hiện đại về tổ tiên trong quá khứ. Trên thực tế từ thời Lý tới thời Nguyễn, người Việt đã từng để qua nhiều kiểu tóc khác nhau, trong đó có 4 kiểu chính là: 1. Búi tóc chuy kế, 2. Cạo trọc, 3. Cắt tóc ngắn, 4. Xoã tóc dài. Trong đó búi tóc chuy kế là kiểu thịnh thành của thời Lý, tục cạo trọc đầu thường thấy ở thời Trần, mái tóc ngắn chấm vai phổ biến thời Trần và Lê sơ, tóc xoã dài được ưa chuộng thời Lê – Trịnh. Trên cơ sở tìm hiểu kiểu tóc của nam giới người Việt qua các thời kỳ, giáo viên có để đặt các câu hỏi cho học sinh suy nghĩ: Tại sao lại có sự thay đổi về kiểu tóc như vậy? Mục đích để tóc như vậy để làm gì?…

Thứ ba, cần làm rõ mối quan hệ giữa đặc điểm tự nhiên, thể chế chính trị, hệ thống kinh tế… với cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Điều này sẽ giúp học sinh hiểu hơn về tình hình xã hội mỗi giai đoạn lịch sử và có khả năng liên kết, tư duy các vấn đề một cách rõ ràng và mạch lạc hơn. Ví dụ phong tục tập quán của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc là uống rượu bằng lỗ mũi, và khi Trần Nhật Duật lên kết giao với tù trưởng miền núi thì ông cũng uống rượu bằng mũi? Giáo viên có thể đặt câu hỏi cho học sinh suy nghĩ, Trần Nhật Duật là người Kinh, không có tập tục uống rượu bằng lỗ mũi, vậy tại sao ông phải làm như vậy? Qua đó học sinh có thể hiểu được mối liên hệ giữa phong tục tập quán với chính sách của nhà nước trong giai đoạn này: đoàn kết các dân tộc để chống lại quân xâm lược Nguyên Mông.

Thứ tư, cần có sự liên hệ giữa những phong tục tập quán, nếp sinh hoạt cho đến sự phân hóa, mâu thuẫn xã hội với cuộc sống hiện đại ngày nay. Bởi quá khứ, lịch sử đã lùi ra chúng ta rất xa rồi, có những nội dung sự kiện cách ta hàng nghìn năm. Chúng ta không có đủ tư liệu gốc để dạy, vì thế giáo viên cần có sự linh hoạt liên hệ với thời hiện đại để học sinh có thể hình dung và tưởng tượng. Đồng thời việc liên hệ với hiện đại giúp học sinh hiểu rằng lịch sử chính là cuộc sống của con người, khi con người sinh sống trên mảnh đất ấy, với điều kiện tự nhiên, khí hậu ấy thì cách tư duy, ứng xử của họ một nghìn năm trước và một nghìn năm sau trước một vấn đề chắc chắn sẽ có những điểm giống nhau. Ví dụ người dân sinh sống ở đồng bằng sông Hồng thời Lý đắp đê chắn lũ sông Hồng, tới mấy nghìn năm sau, người dân sống ở thời Nguyễn vẫn tiếp tục đắp đê ở sông Hồng. Vì sao họ làm giống nhau như vậy? Theo em, ngoài việc đắp đê ngăn lũ ở đồng bằng sông Hồng, chúng ta có thể nghĩ ra được biện pháp thích ứng với lũ lụt nào nữa không?

Như vậy, có thể thấy việc thay đổi cách dạy về tình hình xã hội sẽ giúp làm thay đổi nội dung và phương pháp giảng dạy lịch sử hiện tại. Trong quá trình đó giáo viên đóng vai trò hướng dẫn học sinh khơi mở vấn đề, tìm tư liệu để học sinh khai thác, hướng dẫn học sinh cách tư duy… từ đó hình dung rõ nét cuộc sống của người dân ở các thời kỳ, chứ không phải sao chép y bản một mô típ: xã hội chia thành mấy giai cấp, tầng lớp, mâu thuẫn giữa họ dẫn tới đấu tranh….Tôi tin rằng mỗi thầy cô sẽ đều có những phương pháp, cách thức của riêng mình để giúp học sinh làm sáng tỏ vấn đề này.


Giáo viên Lịch sử

(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)

Leave A Reply

Your email address will not be published.