MỘT SỐ LƯU Ý KHI DẠY VỀ BỘ MÁY NHÀ NƯỚC TRONG SGK LỊCH SỬ

Một nội dung khá phổ biến trong chương trình Lịch sử ở bậc phổ thông đó là bộ máy hành chính/bộ máy nhà nước ở các triều đại và quốc gia khác nhau. Học sinh sẽ được học từ bộ máy nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, bộ máy nhà nước thời Đinh, Tiền Lê rồi đến Lý, Trần, sang đến Lê Sơ và sau này là bộ máy nhà nước thời Nguyễn (thời Gia Long và Minh Mạng). Tuy nhiên khi dạy về nội dung này, hẳn các thầy cô sẽ nhận thấy mấy vấn đề còn tồn tại sau:

0 1,162

Một nội dung khá phổ biến trong chương trình Lịch sử ở bậc phổ thông đó là bộ máy hành chính/bộ máy nhà nước ở các triều đại và quốc gia khác nhau. Học sinh sẽ được học từ bộ máy nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, bộ máy nhà nước thời Đinh, Tiền Lê rồi đến Lý, Trần, sang đến Lê Sơ và sau này là bộ máy nhà nước thời Nguyễn (thời Gia Long và Minh Mạng). Tuy nhiên khi dạy về nội dung này, hẳn các thầy cô sẽ nhận thấy mấy vấn đề còn tồn tại sau:

  1. Việc dạy về bộ máy nhà nước chỉ dừng lại ở việc mô tả các cơ quan ở trung ương và địa phương.

Dạy về tổ chức hành chính cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc đến các cấp chính quyền. Điều này có thể rất có ý nghĩa đối với nhà nghiên cứu nhưng không có ý nghĩa đối với học sinh và giáo viên trong quá trình giảng dạy. Vì nó chỉ đơn giản, giúp học sinh biết được là như vậy vì chẳng có gì khác biệt khi so sánh thời Văn Lang, cả nước chia thành 15 bộ, còn đến thời Lý, Trần thì chia thành Lộ, phủ châu.

  1. Khi dạy về bộ máy nhà nước, hầu như tách rời khỏi bối cảnh lịch sử và các yếu tố liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nội dung về bộ máy hành chính được dạy trong mục về chính trị.  Nó chỉ được nhìn nhận như một phần của chính trị nhưng không hề chỉ ra được mối quan hệ giữa thể chế nhà nước với cách thức tổ chức bộ máy hành chính và quan lại. Ví dụ, dạy về thời Đinh, Tiền Lê chúng ta chỉ nói, cả nước được chia thành các đạo, hay thời Lý, đất nước được chia thành Lộ, Phủ, Châu nhưng lại không nói rõ tại sao thời Đinh, Tiền Lê đất nước lại được chia như vậy? Sao không chia như thời Lý, Trần?… Hẳn sẽ có người nói là, do không có đủ tư liệu, do không có đủ thời gian, hay do khuôn khổ của sách giáo khoa… Nếu vậy, có lẽ chúng ta nên cân nhắc về tính hiệu quả khi đề cập đến nội dung này trong chương trình.

  1. Dạy về bộ máy nhà nước nhưng tách rời mối quan hệ giữa các cơ quan.

Việc mô tả bộ máy nhà nước thời Văn Lang như sau: “Đứng đầu nhà nước là Vua. Giúp việc cho vua có Lạc Hầu. Cả nước chia thành 15 bộ, đứng đầu các bộ là Lạc tướng. Dưới bộ là các chiềng, chạ, đứng đầu là bồ chính”. Khi đọc những dòng đó, không chỉ học sinh mà cả giáo viên đều chẳng có chút hình dung nào về mối quan hệ giữa các cơ quan với nhau. Đứng đầu là vua, nhưng vua chi phối như thế nào? Quyền lực của vua thời kỳ này liệu có giống như hoàng đế Trung Hoa hay chỉ như một thủ lĩnh địa phương? Lạc hầu và Lạc tướng thì ông nào có quyền lực lớn hơn? Vua chỉ đạo các bộ ra sao? Quyền lực của vua của xuống đến các chiềng chạ hay không? Có khi nào “trên bảo dưới không nghe” không?… Điều này cũng ảy ra tương tự như ở các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ,… Trình độ tổ chức bộ máy nhà nước không phải chỉ được đánh giá dựa trên sự phức tạp của các cơ quan mà còn dựa trên tính ràng buộc lẫn nhau, sự phân công phân nhiệm rõ ràng và hiệu quả của việc quản lý. Nếu không làm rõ yếu tố này, việc học về bộ máy hành chính sẽ chẳng có liên quan gì đến nhận thức và cuộc sống của người học.

VẬY THÌ CHÚNG TA CẦN DẠY NỘI DUNG NÀY NHƯ THẾ NÀO?

Điều quan trọng không phải là như thế nào mà là tại sao lại như thế?

Đừng quá tham lam trong việc liệt kê thật chi tiết và cụ thể. Đừng yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng các cấp chính quyền kèm theo các chức vụ. Đừng bắt học sinh phải “chép” lại sơ đồ tổ chức bộ máy nhà nước. Vì những điều đó chỉ khiến học sinh cảm thấy kiến thức lịch sử trở nên nặng nề hơn. Điều quan trọng, cần phải cho học sinh nhận ra được lý do vì sao lại phải tổ chức bộ máy nhà nước như vậy. Ví dụ, tại sao đến thời Lê, lại đặt chức xã trưởng? tại sao Gia Long lại chấp nhận duy trì trấn Bắc Thành và Gia Định thành, đứng đầu là Tổng trấn. Điều này cần được thực hiện thông qua việc cho học sinh tiếp cận với các nguồn tư liệu (sơ cấp và thứ cấp). Bằng cách đó, học sinh mới hiểu sâu và chắc về một vấn đề lịch sử đồng thời nhận ra được mối quan hệ lẫn nhau giữa các nội dung kiến thức.

Cần tập trung vào sự ràng buộc, móc nối của các cơ quan với nhau thông qua các “trường hợp cụ thể”

Khi dạy về nhà nước và pháp luật, một phương pháp rất hiệu quả là sử dụng các nghiên cứu trường hợp “case study”. Giáo viên cần xây dựng và đưa ra các tình huống (có thật hoặc giả định). Trong đó, học sinh phải nhìn thấy được sự ràng buộc lẫn nhau giữa các cơ quan, từ đó chỉ ra được sự “chặt chẽ” hay “chồng chéo” của các cơ quan, chỉ ra được trình độ tổ chức của bộ máy nhà nước đó. Ví dụ, nếu như ở thời Lê Sơ có 3 bộ là Lại, bộ Lễ, bộ Hộ vậy có trường hợp nào ba bộ chồng chéo công việc của nhau hay không? Có khi nào, công việc của bộ Lại lại cần bộ Lễ và bộ Hộ phải can thiệp hỗ trợ hay không? Vua làm thế nào để kiểm soát được 3 bộ này,…

Cần chỉ ra sự tương thích, liên quan đến nhau giữa tổ chức hành chính và sự vận hành các thiết chế xã hội khác

Chúng ta đều biết là bộ máy nhà nước là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử, vì vậy, nó chịu sự tác động của các yếu tố về kinh tế, văn hóa, xã hội, ảnh hưởng của bên ngoài,… và ngược lại, chính bộ máy nhà nước với tư cách là một phần của hệ thống chính trị sẽ tạo thuận lợi hoặc cản trở sự phát triển của các yếu tố khác. Điều đó giải thích tại sao, mỗi triều đại mới lại có cách tổ chức bộ máy nhà nước riêng và trong một số giai đoạn, chúng ta chứng kiến các cuộc cải cách hành chính. Vì thế, trong quá trình biên soạn tài liệu giảng dạy (ví dụ như sách giáo khoa), chúng ta cần chỉ ra và cho học sinh nhận thấy được tác động qua lại của cách tổ chức bộ máy nhà nước và các yếu tố kinh tế, xã hội khác.

Cần có sự liên hệ với tổ chức bộ máy nhà nước hiện tại

Lịch sử là những điều đã qua, vốn đã khó hiểu, lịch sử bộ máy nhà nước có lẽ còn thử thách hơn rất nhiều đối với học sinh. Để giúp học sinh có thể hình dung, tưởng tượng được, giáo viên cần có sự liên hệ với hệ thống hành chính ngày nay. Đại hành khiển thời Lê thì tương đương với chức vụ gì ngày nay? Ngự sự đài có gì giống với thanh tra chính phủ? Các cấp chính quyền thời Lý, Trần tương đương thế nào với các cấp hành chính hiện tại?… Việc này đòi hỏi giáo viên, không chỉ hiểu rõ về kiến thức lịch sử mà còn phải tìm hiểu kiến thức về nhà nước và pháp luật. Bằng cách này, sẽ giúp học sinh nhận rõ được mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cuộc sống của chúng.

Rõ ràng, việc dạy một nội dung rất nhỏ, đã đòi hỏi người giáo viên phải có rất nhiều kiến thức và kĩ năng. Không còn cách nào khác, chúng ta phải tự trang bị và bổ sung những điều còn thiếu hụt. Điều này không chỉ giúp chúng ta có những bài giảng tốt hơn, hiệu quả hơn với học sinh mà còn giúp phát triển năng lực chuyên môn của chính mình. Làm ơn, hãy đừng đọc lại sách giáo khoa cho học sinh. Làm ơn, đừng lạm dụng việc đưa ra một sơ đồ với các chỗ trống sau đó bảo học sinh đọc sách giáo khoa và điền vào. Làm ơn, hãy nghĩ về những gì chúng ta đã được trải qua khi còn là học sinh để làm điều gì đó khác đi. Tôi tin, các thầy cô sẽ làm được, chỉ là chúng ta có muốn hay không mà thôi!

Giáo viên Lịch sử

(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)

Leave A Reply

Your email address will not be published.