Sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học trong dạy Lịch sử

Việc sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học trong giảng dạy lịch sử sẽ giúp học sinh hiểu sâu hơn về các sự kiện lịch sử và tham gia tích cực hơn trong quá trình học tập.

1 1,704

Vào đầu mỗi năm học, tôi hỏi học sinh của mình, “Tại sao chúng ta học lịch sử?” Câu trả lời thường là “Để chúng ta không lặp lại những sai lầm trong quá khứ.” “ Để hiểu được sự phức tạp về đạo đức, chính trị và xã hội của các sự kiện lịch sử từ đó đưa ra quyết định tốt hơn trong hiện tại”… Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể gắn kết việc học tập lịch sử với cuộc sống hiện tại và thể hiện nó trong lớp học? Đó là một vấn đề khá khó. Chính vì vậy, tôi đã biến việc học tập lịch sử thành quá trình nghiên cứu khoa học. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng học tập cũng như lôi cuốn sự tham gia của học sinh.

TẠO CƠ HỘI CHO VIỆC QUAN SÁT

Cũng giống như trong các lớp học môn khoa học, bước đầu tiên trong quá trình nghiên cứu là quan sát. Học sinh được quan sát về thế giới tự nhiên. Đối với môn Lịch sử, các sự kiện đã xảy ra, không còn tồn tại, nên việc quan sát gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giáo viên có thể thu hút sự tò mò của học sinh về thế giới con người thông qua việc quan sát, tìm hiểu về các sự kiện, nhân vật dựa vào các nguồn tư liệu. Giáo viên có thể sử dụng một vấn đề đương đại – diễn ra trong cuộc sống hiện đại để liên hệ với nội dung bài học, tìm ra sự kết nối về nội dung với bài học. Giáo viên cũng có thể sử dụng nhiều tài liệu khác như video clip hoặc hình ảnh để học sinh được “nhìn” “quan sát” trước khi bắt đầu với việc đọc tư liệu.

Khi học sinh học về một nội dung lịch sử, giáo viên yêu cầu học sinh viết ra các câu hỏi và quan sát để thu hút sự tò mò về nguồn gốc lịch sử của vấn đề đó.

ĐƯA RA GIẢ THUYẾT

Chúng ta thường nghĩ từ giả thuyết chỉ được sử dụng trong các môn khoa học, nhưng trong quá trình nghiên cứu các nhà sử học cũng đưa ra dự đoán. Thay vì bắt đầu một bài học lịch sử với một luận điểm, hãy bắt đầu một hoạt động nghiên cứu với một giả thuyết lịch sử.

Sau khi đặt ra câu hỏi nghiên cứu, mỗi học sinh sẽ tự viết giả thuyết cá nhân của mình. Ví dụ về lý do vì sao Tự Đức ký hiệp ước Nhâm Tuất (1862), mỗi học sinh có thể có một giả thuyết riêng. Đó có thể là do sự “sợ hãi” của nhà vua. Có thể là do sự “tư vấn” của triều thần. Cũng có thể là do nhà vua nhận ra không thể thắng người Pháp. Cũng có thể đó là sách lược “hòa hoãn” để chờ cơ hội chuộc đất… Bước tiếp theo học sinh sẽ phải làm là đi tìm các tư liệu hoặc khai thác các tư liệu để kiểm chứng giả thuyết của mình.

SƯU TẦM VÀ XỬ LÝ TƯ LIỆU

Khi các giả thuyết được phát triển, học sinh thu thập một loạt các tư liệu gốc và tư liệu thứ cấp làm bằng chứng chứng minh cho giả thuyết. Bằng chứng định lượng bao gồm các con số, thường ở dạng đồ thị, mốc thời gian và biểu đồ,… Bằng chứng định tính bao gồm các văn bản hoặc hình ảnh mô tả, chẳng hạn như tài liệu viết, hình ảnh, bản đồ và video clip. Ví dụ: để cung cấp bối cảnh về thời kỳ đổi mới, tôi đã chia sẻ các mẫu tem phiếu, các hiện vật thời bao cấp và các nghị quyết của Đảng cũng như các bài báo viết về cuộc sống trong giai đoạn này. Các tư liệu trên giúp học sinh  hiểu được cuộc sống, những trải nghiệm và phản ứng của họ ở giai đoạn này.

Để lôi cuốn sự tham gia của học sinh trong việc tìm kiếm bằng chứng, giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh tự tìm kiếm tư liệu. Ví dụ, một nhóm học sinh trong lớp của tôi đã tìm thấy bằng chứng mới về cuộc sống của người dân miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hay, học sinh đã tìm được những tư liệu rất có giá trị về cuộc sống của gia đình sau năm 1986. Việc thu thập tư liệu cho phép học sinh hiểu rõ hơn nội dung và thông điệp của tư liệu cũng như mối quan hệ với giả thuyết mà học sinh đã đặt ra. Trong hoạt động này, học sinh sẽ khám phá ra những điều mới mẻ thay vì lặp lại những kết luận có sẵn được viết trong sách giáo khoa.

PHÂN TÍCH TƯ LIỆU VÀ KẾT LUẬN

Là giáo viên lịch sử, chúng ta cần yêu cầu học sinh biết cách phân tích tư liệu và kết nối giữa tư liệu và bối cảnh lịch sử. Tôi rất thích hoạt động phân tích tư liệu vì nó giúp học sinh không lặp lại những điều mà tôi nói trong bài giảng và nó cũng biến học sinh thành những nhà sử học thông qua việc tìm hiểu nghiên cứu lịch sử thực sự.

Ví dụ, bằng việc tìm hiểu những tư liệu về sự thay thế từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê, học sinh dễ dàng nhận thấy, các tư liệu đều được viết từ một phía, một góc nhìn mà không phản ánh được cái nhìn đa chiều cũng như những góc khuất của việc nhường ngôi. Điều này thôi thúc học sinh đi tìm kiếm câu trả lời cho điều mà chúng còn thắc mắc. Cũng từ đây, học sinh hiểu rằng, bất kỳ một vấn đề nào tưởng chừng như rất đơn giản và “nhẹ nhàng”, nhưng đằng sau nó là những biết động rất ghê gớm đi cùng sự phức tạp của hoàn cảnh chính trị xã hội tại thời điểm đó.

Việc sử dụng phương pháp khoa học để dạy lịch sử là một cách tiếp cận đúng đắn và cần được áp dụng rộng rãi vì nó giúp học sinh hình thành và phát triển tư duy phản biện. Hơn nữa, mục đích cuối cùng của việc học lịch sử không phải là những gì học sinh có thể nhớ được, mà là những gì chúng có thể làm được.

Giáo viên Lịch sử

(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)

1 Comment
  1. Lê Tùng says

    Bài viết rất bổ ích.

Leave A Reply

Your email address will not be published.