Xác định bằng chứng có phù hợp với nhận định/quan điểm hay không?

Để có thể đọc hiểu và phân tích các tư liệu (nhất là tư liệu thành văn) một cách hiệu quả, học sinh cần có khả năng xác định bằng chứng thích hợp hay không, suy nghĩ xem liệu nó có hỗ trợ cho các quan điểm và nhận định đã đưa ra hay không.

0 630

Để có thể đọc hiểu và phân tích các tư liệu (nhất là tư liệu thành văn) một cách hiệu quả, học sinh cần có khả năng xác định bằng chứng thích hợp hay không, suy nghĩ xem liệu nó có hỗ trợ cho các quan điểm và nhận định đã đưa ra hay không. Mục đích của chiến lược này là giúp học sinh phân biệt giữa bằng chứng có liên quan và không liên quan để đưa ra lựa chọn thích hợp cho bài viết phân tích và tranh luận về các nhân vật/sự kiện lịch sử của mình.

Các bước thực hiện

  1. Làm mẫu các bước xác định mức độ liên quan của bằng chứng

Trong bài tập này, học sinh sẽ xác định bằng chứng có liên quan hay không để chứng minh cho một quan điểm cụ thể. Hoạt động này sẽ hiệu quả hơn nếu học sinh đã hiểu được thế nào là một “bằng chứng có liên quan” và thế nào là “bằng chứng không có liên quan”. Do đó, giáo viên có thể làm mẫu quá trình này bằng cách đưa ra ví dụ. Giáo viên có thể bắt đầu với một ví dụ trong cuộc sống hàng ngày để giúp học sinh có thể hiểu được khái niệm “bằng chứng có liên quan” và sau đó áp dụng vào các tư liệu lịch sử.

Ví dụ quan điểm được đưa ra: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động ở trường”.

– Bằng chứng nào sau đây có liên quan và đồng tình với quan điểm trên?

– Bằng chứng nào sau đây không liên quan đến quan điểm trên?

  1. Điện thoại di động làm học sinh mất tập trung trong môi trường học tập. Học sinh nhắn tin hoặc chơi game trên điện thoại trong giờ học không nghe thấy hướng dẫn hoặc bỏ lỡ nội dung học quan trọng.
  2. Nhiều học sinh ngày nay mang điện thoại di động đến trường.
  3. Điện thoại di động hiện có giá cả rẻ hơn so với năm 2005.
  4. Trong các cuộc khảo sát, một số học sinh cho biết đã sử dụng điện thoại di động để gian lận trong các kỳ thi.

Dưới đây là một số ý tưởng để đưa ra để thảo luận về câu hỏi này:

– (a) và (d) đều có liên quan đến quan điểm/nhận định được đưa ra

– (b) cung cấp thông tin chính xác nhưng không liên quan đến việc chứng minh cho quan điểm.

– (c) có thể chính xác hoặc không. Nó cũng không liên quan đến việc chứng minh cho quan điêm

 

  1. Xác định bằng chứng phù hợp hoặc không phù hợp

Tiếp tục cho học sinh thực hành bài tập này theo cá nhân hoặc theo nhóm. Giáo viên đưa ra một quan điểm hoặc nhận định về các nhân vật, sự kiện lịch sử. Sau đó, yêu cầu mỗi cá nhân hoặc nhóm xác định các bằng chứng trong tư liệu có thể sử dụng để chứng minh cho nhận định.

– Nhóm 1: Bằng chứng liên quan đến nhận định và ủng hộ nhận định/quan điểm được đưa ra.

– Nhóm 2: Bằng chứng có liên quan đến nhưng chống lại/phản đối nhận định được đưa ra.

– Nhóm 3: Bằng chứng chính xác và đáng tin cậy nhưng không liên quan đến nhận định/quan điểm được đưa ra.

Yêu cầu học sinh trình bày 3 nhóm bằng chứng cho cả lớp (hoặc cho một nhóm khác) và các học sinh khác phải xác định bằng chứng nào là phù hợp và bằng chứng nào không liên quan đến nhận định.

  1. Hoạt động suy ngẫm

Sau khi học sinh đã hoàn thành xong việc xác định các loại bằng chứng, liên quan hay không có liên quan đến một nhận định/quan điểm và trình bày sản phẩm trước lớp, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh suy ngẫm về các hoạt động đã thực hiện.

Một số câu hỏi giáo viên có thể đặt ra cho học sinh trong quá trình suy ngẫm:

  • Hoạt động này giúp bạn hiểu hơn về sự kiện/nhân vật lịch sử như thế nào?
  • Hoạt động này giúp phát triển kĩ năng thể hiện quan điểm về một nhân vật/sự kiện lịch sử của bạn như thế nào?
  • Những kĩ năng nào bạn đã sử dụng để có thể xác định được một bằng chứng là liên quan hay không có liên quan?
  • Trong quá trình thực hiện hoạt động, bạn thấy những điểm nào là khó nhất? Bạn đã giải quyết nó như thế nào?
  • Hoạt động này có thể áp dụng trong cuộc sống và các môn học khác như thế nào?

Hoạt động này có thể hơi mất thời gian trên lớp, nhưng nếu giáo viên kiên trì thực hiện cho đến khi học sinh đã thành thạo, chúng có thể tự thực hiện ở nhà. Thông qua hoạt động, học sinh không chỉ phát triển được năng lực đánh giá sự kiện, tư liệu mà còn phục vụ cho các bài luận lịch sử.

Nguyễn Hữu Long

_________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.