Ý tưởng dạy học: Hoạt động phỏng vấn hai phút

Hoạt động “Phỏng vấn hai phút” – yêu cầu học sinh, một người đóng vai là người phỏng vấn, sẽ đưa ra câu hỏi về nội dung bài học, người còn lại sẽ suy nghĩ và đưa ra câu trả lời. Thời gian cho hoạt động được thực hiện tối đa trong 2 phút cho mỗi cuộc phỏng vấn.

1 1,395

Giới thiệu hoạt động

Hoạt động “Phỏng vấn hai phút” – yêu cầu học sinh, một người đóng vai là người phỏng vấn, sẽ đưa ra câu hỏi về nội dung bài học, người còn lại sẽ suy nghĩ và đưa ra câu trả lời. Thời gian cho hoạt động được thực hiện tối đa trong 2 phút cho mỗi cuộc phỏng vấn. Hoạt động này được sử dụng nhằm giúp học sinh ôn tập lại bài cũ hoặc thu thập các ý tưởng mới bằng cách luân phiên đặt câu hỏi cho các bạn cùng lớp. Hoạt động này được sử dụng nhằm kích thích tư duy của học sinh, rèn luyện kĩ năng giao tiếp, hợp tác, lắng nghe, tiếp nhận và xử lý thông tin.

Ngoài ra hoạt động này còn được sử dụng trong phần ôn tập, củng cố cuối giờ, học sinh làm việc theo cặp đôi cùng nhắc lại những nội dung của bài học.

Hướng dẫn thực hiện:

  1. Học sinh chuẩn bị

Yêu cầu học sinh tạo trước một danh sách các câu hỏi về các nhân vật, sự kiện lịch sử đang học hoặc bằng chứng mà họ đã thu thập được.

Ngoài ra, giáo viên có thể chuẩn bị trước một số câu hỏi, học sinh sẽ thực hiện phỏng vấn nhau để đưa ra các câu trả lời, thể hiện quan điểm cá nhân, ví dụ như “Bạn có đồng ý rằng luật pháp là yếu tố quan trọng nhất để khắc phục sự phân biệt đối xử không? Tại sao hoặc tại sao không? ”

  1. Tiến trình thực hiện

– Bước 1: Chia lớp thành hai nửa một cách ngẫu nhiên. Xếp ghế thành hai hàng dài sao cho học sinh ngồi quay mặt vào nhau.

– Bước 2: Quy định, mỗi học sinh sẽ có thời gian 2 phút để phỏng vấn nhau. Một hàng học sinh sẽ đặt câu hỏi, lắng nghe cẩn thận và ghi chép. Hàng còn lại sẽ đưa ra câu trả lời.

– Bước 3: Sau hai phút, cho học sinh ở vị trí đầu tiên di chuyển xuống cuối cùng, các học sinh khác di chuyển tịnh tiến và tạo thành các cặp đôi mới (như mô hình băng chuyền), tiếp tục chia sẻ bằng chứng hoặc ý tưởng. Tiếp tục hoạt động này cho đến khi bạn học sinh đã thu thập đủ bằng chứng hoặc chia sẻ đủ ý tưởng để tạo ra một cuộc thảo luận toàn lớp.

  1. Vai trò của giáo viên:

Khi học sinh chia sẻ ý kiến ​​của mình, giáo viên có thể di chuyển, lắng nghe, ghi chú lại hoặc hỗ trợ một vài cặp đôi.

Giúp học sinh hướng đến việc nhân thức sâu sắc hơn chứ không chỉ đơn thuần là nhắc lại nội dung đã học, rèn luyện các diễn đạt theo đặc trưng của môn Lịch sử.

Giáo viên nên chú ý đến những nội dung sau trong quá trình lắng nghe học sinh trình bày:

– Độ chính xác của sự kiện và diễn giải: đưa ra bằng chứng xác thực và các giải thích hợp lý

– Tính thuyết phục của bằng chứng: bao gồm bằng chứng có liên quan và giúp chứng minh cho quan điểm, góc nhìn.

– Nguồn cung cấp bằng chứng: lưu ý nguồn tư liệu, độ tin cậy và / hoặc tính định kiến của nó

– Kiểm chứng bằng chứng: nhận biết các tài liệu khác nhau phối hợp với nhau như thế nào để hỗ trợ cho một nhận định

– Bối cảnh lịch sử: đặt bằng chứng, sự kiện vào bối cảnh lịch sử thích hợp của nó

Khi học sinh trả lời phỏng vấn, hãy đưa ra phản hồi. Khẳng định những hiểu biết đúng, nhấn mạnh các lập luận lịch sử chặt chẽ. Chọn một hoặc hai quan niệm sai lầm về nội dung cần giải quyết. Chỉ ra những lĩnh vực mà học sinh cần phải thay đổi

  1. Hoạt động suy ngẫm

Sau khi học sinh đã hoàn thành xong hoạt động phỏng vấn hai phút, giáo viên nên dành thời gian để học sinh suy ngẫm lại quá trình làm việc bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

– Theo bạn, các câu hỏi và yêu cầu trả lời nhanh trong 2 phút có tác dụng như thế nào?

– Bạn thấy câu hỏi nào là dễ nhất và khó nhất? Làm thế nào để bạn/bạn mình đưa ra được câu trả lời?

– Những kiến thức, kĩ năng mới mà bạn đã áp dụng trong quá trình thực hiện hoạt động?

– Bạn đã học được những năng lực mới nào của bộ môn Lịch sử? Bạn sẽ áp dụng nó trong các hoạt động khác như thế nào?

Download mẫu phiếu dành cho hoạt động

Giáo viên Lịch sử

__________________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

1 Comment
  1. […] Hoạt động này được sử dụng khi giáo viên tổ chức cho học sinh tìm hiểu về… trong bài 3. Các quốc gia cổ đại phương Đông và bài 4. Các quốc gia cổ đại […]

Leave A Reply

Your email address will not be published.