Ý tưởng dạy học: mô phỏng bức ảnh Lịch sử

Trong hoạt động này học sinh làm việc theo nhóm để “diễn” “mô phỏng” lại các bức ảnh lịch sử nhằm giúp học sinh hiểu sâu hơn về một thời điểm cụ thể trong lịch sử, đồng thời cung cấp cho các em cơ hội thực hành làm việc nhóm khi động não, chỉ đạo và thực hiện dựng lại các cảnh của mình.

0 1,666

Trong hoạt động này học sinh làm việc theo nhóm để “diễn” “mô phỏng” lại các bức ảnh lịch sử nhằm giúp học sinh hiểu sâu hơn về một thời điểm cụ thể trong lịch sử, đồng thời cung cấp cho các em cơ hội thực hành làm việc nhóm khi động não, chỉ đạo và thực hiện dựng lại các cảnh của mình.

Các bước thực hiện

  1. Lựa chọn bức ảnh
    Lựa chọn một bức ảnh lịch sử phản ánh nội dung mà học sinh đang học. Ví dụ, học sinh có thể mô phỏng lại các nhân vật trong Hội nghị Ianta (1945) hoặc bức ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên chính phủ… Tốt nhất, những bức ảnh này nên có nhiều nhân vật để mỗi học sinh trong nhóm đều có cơ hội tham gia. Giáo viên chia học sinh thành các nhóm, mỗi nhóm từ bốn đến sáu học sinh. Hoạt động này sẽ hiệu quả hơn nếu các nhóm nhận được các bức ảnh khác nhau. Mặc dù hoạt động này thường được sử dụng với các bức ảnh, những giáo viên cũng có thể sử dụng tranh vẽ, tranh biếm họa.
  2. Đưa hướng dẫn cho học sinh
    Giáo viên có thể đưa hướng dẫn sau bằng cách in ra và phát cho học sinh hoặc viết lên bảng/slide để học sinh có thể theo dõi.

2.1 Giới thiệu các bức ảnh bằng cách sử dụng các câu hỏi sau:

  • Bối cảnh cho bức ảnh này là gì? Nó được chụp khi nào và ở đâu?
  • Bạn thấy quan sát thấy những gì? Bạn nhận thấy những chi tiết nào về những người trong ảnh? Họ là ai? Bạn nghĩ họ đang cảm thấy thế nào? Họ có thể đang nghĩ gì?
  • Hình ảnh này cho bạn biết điều gì về giai đoạn lịch sử đang học?

2.2. Giáo viên làm mẫu

Sau khi trả lời các câu hỏi này, giáo viên hãy làm mẫu, minh họa việc dựng/mô phỏng lại một bức ảnh lịch sử. Giáo viên sẽ tự coi mình là những diễn viên thể hiện các vị trí, cử chỉ và nét mặt của các nhân vật trong bức ảnh. Mỗi bức ảnh nên có một “đạo diễn” giúp điều phối cảnh.

  1. 3. Sau khi học sinh đã dựng lại xong những hình ảnh được giao, hãy lựa chọn cách để các nhóm lần lượt được trình bày hình ảnh của mình (trong ít nhất là 10s) cho cả lớp.
  2. Học sinh trình diễn
    Các nhóm lần lượt trình bày sản phẩm của nhóm với cả lớp. Các nhóm trình bày, tái hiện lại bức ảnh trong im lặng. Các nhóm còn lại sẽ giải thích các cảnh/gọi tên bức ảnh trong khi xem. Sau khi mỗi nhóm trình bày, các nhóm sẽ trả lời các câu hỏi từ khán giả. Giữa các phần trình diễn, học sinh có thể ghi lại những gì đã học được về giai đoạn lịch sử của bức ảnh.
  3. Suy ngẫm
    Sau khi tất cả các nhóm đã trình diễn giáo viên tổ chức một cuộc thảo luận toàn lớp về những điều học sinh phát hiện được khi tái hiện các bức ảnh. Học sinh có thể có những cách giải thích khác nhau về những gì họ đã xem. Khuyến khích học sinh sử dụng bằng chứng để bảo vệ cách giải thích của mình và phản biện lại ý kiến của các bạn.

Giáo viên có thể sử dụng một số câu hỏi suy ngẫm:

  • Nếu bạn được thực hiện lại hoạt động này, bạn sẽ giữ nguyên hoạt động nào? Bạn sẽ thay đổi điều gì?
  • Bạn học được gì khi làm việc, hợp tác với các thành viên khác?
  • Phần dễ nhất của hoạt động này là gì? Phần nào là bạn cảm thấy khó khăn?
  1. Biến thể
  • Thay vì để các nhóm tự lựa chọn các bức ảnh, bạn có thể chỉ định mỗi nhóm một bức ảnh.
  • Học sinh tự tìm ảnh: Thay vì giáo viên chọn ảnh cho học sinh, giáo viên có thể yêu cầu học sinh tìm và chọn ảnh của chính nhóm mình. Khi học sinh tìm kiếm ảnh, yêu cầu chúng trích dẫn nguồn và giải thích tầm quan trọng của hình ảnh hoặc các hình ảnh chúng đã chọn.
  • Thêm nhạc: Để nhấn mạnh tâm trạng được thể hiện qua mỗi bức tranh, giáo viên có thể yêu cầu học sinh chọn nhạc để đệm cho phần trình diễn của chúng.

Nguyễn Hữu Long

________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.