Cách trình bày lịch sử thành các “mục” “bài” trong SGK Lịch sử và những “vấn đề” của nó

Lịch sử thường vô cùng phức tạp, sự phức tạp nó thể hiện ở những mối quan hệ chồng chéo giữa các sự kiện, ở động cơ của các nhân vật, ở nguyên nhân, hệ quả của các sự kiện… Khi dạy Lịch sử, người ta buộc phải chia thành các bài, tách thành các mục, biến thành các phần và phân nhỏ thành các nội dung có lớp nang để người học dễ học, dễ nhớ và thậm chí nhằm những mục đích khác nữa.

0 1,070

Lịch sử thường vô cùng phức tạp, sự phức tạp nó thể hiện ở những mối quan hệ chồng chéo giữa các sự kiện, ở động cơ của các nhân vật, ở nguyên nhân, hệ quả của các sự kiện… Khi dạy Lịch sử, người ta buộc phải chia thành các bài, tách thành các mục, biến thành các phần và phân nhỏ thành các nội dung có lớp nang để người học dễ học, dễ nhớ và thậm chí nhằm những mục đích khác nữa.

Tuy nhiên, việc làm đó, vô hình trung lại phá vỡ đi tính nguyên bản của sự kiện, làm cho người dạy và người học bị nhầm lẫn. Một trong những điều đó, chính là việc hiểu nhầm và đóng khung các sự kiện. Dẫn đến việc đơn giản hóa, coi sự chuyển biến của các sự kiện chỉ diễn ra trong một nốt nhạc.

Ở đây, tôi chỉ dẫn ra một ví dụ rất đơn giản, khi dạy bài nhà nước Văn Lang. Cách viết của sách giáo khoa khiến cho học sinh học tuần tự, từ “sự ra đời của nhà nước Văn Lang” rồi đến “đời sống vật chất và tinh thần”,… Nghĩa là khi nước Văn Lang ra đời, có vua Hùng rồi thì người dân mới ăn trầu, mới nhuộm răng đen… Điều này còn dẫn đến một hạn chế nữa, học sinh sẽ bỏ quên một yếu tố dẫn đến sự ra đời của nhà nước này. Đó chính là sự xuất hiện của “tâm lý dân tộc”, chính sự giống nhau về phong tục tập quán đó đã làm nảy sinh tâm lý “thuộc về” là cơ sở để nhà nước ra đời.

Cách trình bày lịch sử như vậy khiến học sinh bị đóng khung lịch sử vào các mốc khô cứng và cố định khi cho rằng sự ra đời của nhà nước Văn Lang là một dấu mốc. Chỉ khi nhà nước ra đời thì các yếu tố đó mới xuất hiện. Trong khi chính những thành tựu vật chất và tinh thần đó lại diễn ra trong một quá trình lâu dài vừa là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nhà nước Văn Lang vừa là thành tựu của nhà nước đó.

Vậy làm sao để khắc phục được tình trạng này?

Việc đầu tiên là cần hình thành cho học sinh kĩ năng tư duy lịch sử. Trong đó, giáo viên cần giúp học sinh nhận ra được những hạn chế của các cách trình bày lịch sử, trong đó có cách trình bày theo bài và mục của sách giáo khoa. Đồng thời, giáo viên có thể đọc và tìm hiểu các cuốn sách về tư duy như cuốn “Tư duy rành mạch” hay “phi lý trí” “Tư duy nhanh và chậm”… để hiểu thêm về những ngộ nhận của con người trong quá trình tư duy. Điều này sẽ giúp giáo viên nhận ra những “lỗi” trong quá trình tư duy/nhận thức của nhà sử học.

Thứ hai, giáo viên nên cùng học sinh tìm hiểu và khai thác sách giáo khoa giống như một tư liệu thứ cấp. Bên cạnh các thông tin, kiến thức lịch sử, giáo viên cần giúp học sinh nhận ra thông điệp, động cơ, mục đích, góc nhìn, định kiến của sách giáo khoa. Đồng thời, chỉ ra những yếu tố của tác giả và ảnh hưởng của tác giả đối với nội dung được viết trong sách. Những kĩ năng này, nếu nghe qua có vẻ vô cùng khó và không phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, nếu giáo viên làm tốt việc trang bị các kĩ năng tư duy lịch sử thì đó lại là một hoạt động rất thú vị và hấp dẫn (nhất là học sinh ở bậc THPT).

Cũng giống như các cách trình bày lịch sử khác, sách giáo khoa lịch sử cũng có những giới hạn trong cách mô tả các sự kiện. Với tư cách là giáo viên, hãy nhận ra những điều ẩn sau các dòng chữ, hãy dùng chính những hạn chế đó như một cơ hội để giúp học sinh đọc sâu, hình thành năng lực tư duy lịch sử và tư duy phản biện. Làm được điều đó, việc học tập lịch sử thực sự sẽ trở thành hành trình khám phá tri thức chứ không phải chỉ có lắng nghe và tiếp nhận một chiều.

Giáo viên Lịch sử


Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.