SỬ DỤNG TƯ LIỆU TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ NHƯ THẾ NÀO?
Là giáo viên dạy Sử, ai trong chúng ta cũng biết việc phải sử dụng các nguồn tư liệu để hướng dẫn học sinh tìm hiểu các nội dung kiến thức lịch sử chứ không phải là nói những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa để học sinh ghi. Ấy nhưng mà, đấy là nhận thức, còn thực tiễn thực hiện lại lắm gian nan.
-
Có nhiều giáo viên cảm thấy khó khi tìm kiếm các tư liệu, hoặc không có đủ thời gian tìm kiếm các đoạn tư liệu => Nên giải pháp đơn giản, tiện dụng và hiệu quả là sử dụng luôn tư liệu sách giáo khoa – nghĩa là dạy luôn theo những gì sách nói. Và hệ quả là gì, chúng ta đều rõ.
-
Trường hợp thứ hai, là giáo viên có rất nhiều kiến thức, có rất nhiều tư liệu hay, nhưng lại không chú ý đến cách khai thác và sử dụng tư liệu một cách hiệu quả. Hậu quả là, giáo viên sẽ dùng các tư liệu đó trở thành phương tiện minh họa cho bài giảng trong sách giáo khoa. Đặc điểm chính của các giáo viên này là sẽ nói rất hay, sẽ giảng rất nhiều, thậm chí rất say mê, học sinh sẽ chăm chú, mắt ngay cổ thẳng lắng nghe, nuốt từng lời cô nói. Nhưng cuối cùng, kiến thức cũng trôi từ tai này sang tai kia và đi mất.
-
Trường hợp thứ 3, giáo viên đã chuẩn bị tư liệu, nhưng lại không biết cách khai thác và sử dụng, dẫn đến việc học sinh đọc tư liệu xong mà vẫn không hiểu rõ vấn đề, không rút ra được các kiến thức cần thiết. Trong nhiều trường hợp, giáo viên còn không kiểm soát được mục đích của việc sử dụng tư liệu, dẫn đến việc học sinh phân tán, đưa cuộc thảo luận đi quá xa so với nội dung bài học.
-
Việc đầu tiên là phải lựa chọn được các tư liệu đắt và có giá trị, đặc biệt ưu tiên sử dụng các tư liệu gốc.
-
Bước 2, hãy biến tư liệu đó thành phiếu bài tập, sử dụng các câu hỏi gợi mở, khai thác tư liệu ở bên dưới, để học sinh có định hướng và mục đích khi khai thác.
-
Bước 3, chuẩn bị kịch bản cho việc kết nối giữa những thông tin mà học sinh khai thác được từ tư liệu với nội dung kiến thức của bài. Nếu có thể, giáo viên hãy chuẩn bị cả những tư liệu mở rộng, bổ sung thêm để học sinh tham khảo sau bài học.
-
Bưới 4, hình dung các bước tổ chức khai thác và sử dụng sơ đồ trên lớp (theo sơ đồ bên dưới).
Từ trước đến nay, việc dạy sử của chúng ta thiên về tả sử và kể sử, các kiến thức đến với học sinh đa phần là do giáo viên cung cấp hoặc ghi lại sách giáo khoa. Điều đó có thể đáp ứng được yêu cầu của việc thi cử và học tập hiện tại. Nhưng về lâu dài, nó sẽ giết chết hứng thú và tư duy của người học. Nó làm cho việc dạy học lịch sử xa rời những nguyên tắc cơ bản của nhận thức và tư duy lịch sử.
_____________________________________________________________________________________________
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.