Tầm quan trọng của việc dạy các kĩ năng tư duy lịch sử cho học sinh

Chính điều đó khiến tôi suy nghĩ và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, đâu là mục đích thực sự của việc dạy học lịch sử? Đâu là những năng lực cần thiết mà tôi cần hình thành cho học sinh? Làm thế nào để những gì tôi dạy sẽ trở nên có ích với cuộc sống và nghề nghiệp của học sinh ở hiện tại và tương lai? Câu trả lời, đó chính là các Kĩ năng tư duy lịch sử.

0 1,124

Trước đây, khi còn là giáo viên lịch sử, tôi đã quan niệm rằng, hiệu quả và thành công của việc dạy học Lịch sử là làm sao cho học sinh cảm thấy hay, thấy hứng thú, thấy đam mê với các sự kiện mà tôi trình bày, làm sao để học sinh cảm thấy yêu thích môn học và có những “xúc cảm lịch sử” mà tôi mong muốn. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi nhận ra rằng, những điều đó không phải là mục đích thực sự của việc dạy học lịch sử. Những cách mà tôi làm chẳng qua chỉ là những “kĩ thuật” mà tôi đang cố gắng sử dụng để thao túng cảm xúc và dẫn dắt người học đi theo một cách mà tôi đã nghĩ và được dạy (hoặc được yêu cầu dạy). Chính điều đó khiến tôi suy nghĩ và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, đâu là mục đích thực sự của việc dạy học lịch sử? Đâu là những năng lực cần thiết mà tôi cần hình thành cho học sinh? Làm thế nào để những gì tôi dạy sẽ trở nên có ích với cuộc sống và nghề nghiệp của học sinh ở hiện tại và tương lai? Câu trả lời, đó chính là các Kĩ năng tư duy lịch sử.

Kĩ năng tư duy lịch sử là gì? Kỹ năng tư duy lịch sử đó là cách mà học sinh làm việc, tư duy giống như một nhà sử học. Kĩ năng tư duy lịch sử bao gồm: Sắp xếp sự kiện theo trật tự thời gian, phân tích và giải thích lịch sử, kỹ năng nghiên cứu lịch sử, phân tích và ra quyết định về các vấn đề lịch sử, Kĩ năng khai thác và xử lý các nguồn tư liệu, Kĩ năng đồng cảm lịch sử,… Ngoài ra, kĩ năng tư duy lịch sử, còn yêu cầu học sinh biết cách phân biệt quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời có thể tìm kiếm và giải thích thông tin từ các tư liệu từ quá khứ, nhất là các tư liệu gốc.

Kỹ năng tư duy lịch sử đặc biệt quan trọng đối với học sinh ở khía cạnh tư duy. Bản chất của quá trình tư duy là việc tiếp nhận và xử lý các nguồn thông tin. Kĩ năng lịch sử sẽ giúp học sinh đào sâu và làm sắc quá trình tư duy của mình. Nó dạy cho học sinh biết được đâu là các thông tin cần thiết để làm rõ một vấn đề đã xảy ra. Trong các thông tin thì cái nào là đáng tin cậy, cái nào không đáng tin. Sự mâu thuẫn giữa các nguồn thông tin, sự khác biệt về quan điểm và góc nhìn được thể hiện như thế nào?… Ví dụ, cùng học về Nguyên nhân của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng sẽ có rất nhiều cách diễn giải về nguyên nhân của cuộc chiến. Điều quan trọng không phải là ai đúng, ai sai mà là học sinh phải học cách tiếp cận các quan điểm và nhận ra được lập trường, định kiến của các bên rồi từ đó đưa ra những quan điểm cá nhân của mình. Hãy thử tưởng tượng, nếu một học sinh được dạy như vậy, được học như vậy, hẳn khi bước ra cuộc sống, các em sẽ cảm thấy rất tự tin khi thể hiện quan điểm cá nhân trước các vấn đề của cuộc sống.

Tư duy lịch sử, dạy cho học sinh các năng lực đồng cảm và thấu cảm từ đó đưa ra những quyết định cho cuộc sống hiện tại. Chúng ta học lịch sử không phải chỉ để ca ngợi, khâm phục hay phê phán, chê bai, lên án, kết tội,.. Việc học lịch sử giúp chúng ta hiểu được sự phức tạp của bối cảnh lịch sử của thời điểm xảy ra sự kiện, từ đó hiểu được tại sao con người lại hành xử như vậy. Từ đó, học sinh sẽ có những cách hành xử tốt hơn trong cuộc sống hiện tại. Ví dụ, khi dạy về các hiệp ước mà nhà Nguyễn đã kí với Pháp, điều quan trọng giáo viên cần giúp cho học sinh hiểu được, đó là sự phức tạp của tình hình lúc đó, sự khó khăn trong việc ra quyết định, những rào cản khiến cho Tự Đức không thể làm khác. Đó có thể là do lời khuyên của triều thần, cũng có thể là do sự “thiếu thông tin” hoặc đơn giản là do tính cách, mô thức của cá nhân vua Tự Đức. Và nếu như, một ngày kia, khi con ở trong một tình huống phức tạp như vậy, con cần đưa ra được cách hành xử của riêng mình, thoát khỏi những “lối mòn” và rào cản thông thường.

Kỹ năng tư duy lịch sử không nhất thiết chỉ dùng trong học tập lịch sử. Chúng có thể được sử dụng trong các môn học khác nhau cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vì, tất cả những vấn đề trong cuộc sống đều yêu cầu kỹ năng tư duy để giải quyết vấn đề, thể hiện quan điểm cá nhân và khả năng ra quyết định trong những tình huống phức tạp… Chính vì thế, điều cần thiết là sự thay đổi cách tiếp cận trong dạy học lịch sử, hãy mang tư duy lịch sử đến với từng bài học, và hãy bắt đầu dạy nó cho học sinh từ ngày hôm nay.

Nguyễn Hữu Long


Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.